Gửi ba,
Có lẽ, khi mà ba cầm lá thư này trên tay, thì cũng là thời khắc con nắm tay cô ấy bước vào lễ đường. Con đã không thông báo tin này đến ba mặc dù chúng ta ở chung một thành phố, con cũng chẳng điện thoại hay nhắn tin đến ba vì vốn dĩ con không biết đến số điện thoại của ba. Địa chỉ của ba là do nội nói cho con, và con muốn vào thời khắc đặc biệt của cuộc đời con, thì ba sẽ được nhận tận tay lá thư này.
Trai lớn dựng vợ, gái lớn gả chồng, đó là quy luật tất yếu của cuộc sống rồi ba nhỉ, và còn gì hạnh phúc khi cái giây phút đặc biệt ấy có đấng sinh thần của mình chứng kiến, có ba nắm tay con đặt lên tay cô ấy, có mẹ nắm tay cô ấy vỗ nhẹ chúc phúc. Nhưng con thì không ba à. Mẹ đã xa con hơn hai năm rồi, và ba thì cũng không biết tin con cưới.
***
Hai mươi năm trước, khi ấy, con là đứa nhóc mười tuổi, một ngày, buổi chiều đi học về, con thấy mẹ ngồi thẫn thờ, mắt hoe đỏ. Không phải là những câu hỏi như “hôm nay con mẹ học giỏi không nào”, “Có bắt nạt bạn nào trong lớp không đấy”,… mà là im lặng. Cơm tối hôm ấy, món tủ của mẹ là thịt kho tàu nhạt lắm, nước canh thì mặn không thể tả, món rau xào nó còn sống nữa.
“Con không ăn được, lát ba về mẹ nói ba đi mua bánh bao cho con đi”
Mẹ khẽ lắc đầu
“Ba bỏ lại hai mẹ con mình rồi, từ giờ chỉ còn mẹ và con trong nhà này thôi”
Rồi mẹ lặng lẽ ăn, trông mẹ lúc đó rất lạ, con chưa bao giờ thấy mẹ như thế trước đó, con không dám nói gì thêm, chỉ ngồi cố nuốt cho trôi những thức ăn trên bàn.
Mẹ buồn, mẹ không nói gì, cứ đi đi lại lại như người không hồn, nhiều lúc ngồi một mình trong phòng rồi khóc. Rồi mẹ trầm cảm ba à, cái đứa trẻ mười tuổi thì biết trầm cảm là cái gì đâu, chỉ biết rằng từ ngày mẹ bị như vậy thì ông bà ngoại lên ở hẳn nhà mình, bà ngoại làm hết mọi việc hằng ngày mà mẹ vẫn làm, ông ngoại thì chỉ cho con học bài, đưa con đi chơi mỗi chiều, lúc rảnh lại chỉ con chơi cờ.
Bữa cơm nhà mình cá thay cho thịt, rau nhiều hơn. Đồ chơi của con cũng không được thêm cái nào kể từ ngày ba đi. Ba biết không, con còn được cô giáo đọc tên giữa lớp vì nộp học phí không đúng hạn. Con chỉ biết dỗi mẹ thôi, lúc nào cũng gào lên đòi mẹ phải nói ba về với con.
Năm mười hai tuổi, con không đòi ba nữa, con biết giúp ông bà quét nhà, biết rót nước, lấy thuốc cho mẹ uống, mỗi chiều con không chạy đi chơi khắp nơi mà ở nhà giúp bà ngoại làm bánh, ngoại làm bánh ít ba à, ngoại nói không làm thì có mà cả nhà chết đói, ruộng vườn ở quê ngoại bán hết để chữa bệnh cho mẹ và sinh hoạt trong gần hai năm ba đi khỏi. Con nghe người ta xì xầm “Con Hằng lo cho nó từ khi nó còn là thằng bất tài vô dụng, ấy vậy mà khi có được tiền của cùng chút tiếng tăm lại bỏ vợ, bỏ con đi theo gái trẻ”, “ông đi đâu mà tối mịt mới về, chắc lại mèo mã như ba của thằng Tuấn phải không?”… và không biết từ bao giờ, “ba của thằng Tuấn” trở thành cái câu cửa miệng của mấy bà, mấy chị gần nhà mỗi khi càu nhàu chồng.
Năm mười lăm tuổi, mẹ khỏi bệnh, tuy không hay cười giống như lúc trước, nhưng mẹ đã hỏi thăm ông bà, căn dặn con, và mỗi khi con kể chuyện ở trường thì mẹ cũng cười cùng ông bà. Mẹ vay mượn người quen để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ ngay trong nhà, mẹ nói con vô cấp ba nên khó khăn, mà mẹ không thể cứ để ông bà ngoại có tuổi rồi lại phải nuôi cả hai mẹ con con.
Mười tám tuổi, con đỗ Ngoại Thương, mẹ mừng lắm, mẹ nắm lấy tay con mà không cầm được nước mắt:
“Cả đời này, mẹ chỉ hạnh phúc khi thấy con của mẹ nên người”
Ba à, ông bà ngoại, mẹ và con, bốn người sống vui và hạnh phúc lắm ba biết không, không có cảnh cả nhà ngồi chờ cơm ba, hoặc cả đêm mẹ thức chờ ba về. Chừng ấy năm, cả nhà tuy hơi chật vật nhưng hiếm khi vắng đi tiếng cười. Duy chỉ một điều, là tên của ba chưa bao giờ được nhắc đến trong nhà.
Con quen cô ấy, một cô gái không quá xinh xắn, tính tình hơi vụng về, nhưng con yêu cô ấy nhiều lắm ba à, cô ấy cũng yêu gia đình của con nhiều lắm, cuối tuần cô ấy hay đến nhà, nấu cơm cho ông bà và mẹ ăn, đôi lúc con đi công tác dài ngày, cô ấy còn ở hẳn để trò chuyện với ông bà và mẹ cho đỡ buồn. Cô ấy mồ côi, nên con luôn cố cho cô ấy một cảm giác gia đình thực sự, mặc dù con cũng không có một gia đình trọn vẹn. Chúng con định cưới nhau, sinh cho mẹ đứa cháu thật bụ bẫm, nhưng không may, mẹ lại sớm rời xa con. Con vẫn nhớ như in cái đêm đông lạnh lẽo ấy, ông bà ngoại, con và cô ấy ngồi xung quanh mẹ. Mẹ mỉm cười nhìn một lượt khắp mọi người rồi chậm rãi nói:
“Dài ngắn có số, tươi héo bởi trời, con đi trước cha mẹ, âu cũng là số phận. Cha mẹ cứ vui vẻ tuổi già bên cháu. Tuấn và Huyền, mẹ không thể chờ tới ngày hai đứa cưới và bế con của hai đứa được rồi, hai đứa hãy sống thật hạnh phúc, mãi luôn yêu thương và nhường nhịn nhau, cùng chăm sóc ông bà ngoại nhé con.
Rồi mẹ nắm chặt lấy tay con:
“Hãy là người đàn ông tốt con nhé, đời này của mẹ không được hưởng hạnh phúc trọn vẹn, con đã thấy đấy, vì thế hãy đối xử tốt với người đàn bà đầu ấp tay gối với mình”
“Và nếu được, con hãy tha thứ cho ông ấy…”
Hơi thở mẹ yếu dần và tắt đi, nhưng gương mặt mẹ mãn nguyện lắm ba à!
Thật ra bao nhiêu năm nay con không hề hận ba, nhưng thực sự là dường như trong con đã không còn hình bóng của ba mất rồi, chỉ khi nội nói thì con mới sực nhớ ra là mình có một người ba đã bỏ lại gia đình hai mươi năm nay:
“Ông bà nội già rồi, không biết có đủ sức để đến dự cưới con không, phía nội cũng không có ai thân thích, hay con thử nói ba con đến, chứ đám cưới mà lại không có lấy được mấy người thân”
Con suy nghĩ nhiều lắm ba à, nhưng cuối cùng, con quyết định viết thư này và nhờ người quen gửi đến tận tay của ba.
Con không biết hai mươi năm nay, có giây phút nào ba nghĩ đến mẹ con con chưa?
Con có nghe bà nội kể về ba, nội có nói ba mong muốn gặp lại hai mẹ con con, nhưng mẹ thì mất rồi, còn con thì vẫn chưa đủ dũng khí để nói lời tha thứ.
Con hy vọng, trong tương lai, con sẽ thực hiện được lời của mẹ trước lúc ra đi đó là tha thứ cho ba.
Thôi, con phải chuẩn bị cho ngày cưới của con, con sẽ sống thật hạnh phúc, sẽ yêu thương vợ con thật nhiều, sẽ khiến người phụ nữ bên cạnh con không phải thấy hối hận vì đã chọn con để gắn bó.
Tạm biệt ba,
Con Tuấn.