Ba không phải là má

Mỗi chuyến đi anh Bình thường có quà về. Quà của bạn hàng đi xe của anh tặng cho chứ chẳng phải anh mua. Với anh, cho con tiền là gọn nhất! Áo quần, giày dép, cặp vở, tiền trường … anh nhờ bà chị sắm sửa cho con đầy đủ. “Con của mình mất mẹ mà có thiếu thốn gì đâu!” – Trên đường trường xa mỗi khi nhớ con anh hay tự nhủ vậy.

***

Chị Bình mất đi để lại hai đứa con, đứa con gái 11 tuổi và đứa con trai 8 tuổi. Cả hai đều ngoan nên anh Bình cũng đỡ lo, nhưng dù sao cũng rất khó khăn. Anh là tài xế, có chuyến xe một hai ngày đã về, có chuyến năm ngày, có chuyến cả tuần …

Hai đứa nhỏ đi học thì thôi, về cứ đứng ngoài cửa đòi có ba mới chịu vô nhà. Mà anh thì không phải là đàn bà để lẩn quẩn ở nhà hoài được! Vả lại còn phải kiếm tiền. Nghề của anh bao nhiêu năm nay đã quen, đâu dễ gì thay đổi được. Suy đi tính lại, anh bàn với bà chị ban ngày cho anh gởi hai đứa cơm nước bên đó, tối bà chị cho đứa con trai lớn qua ngủ với hai đứa bên này coi giùm nhà cửa đêm hôm luôn thể.

Ba không phải là má

Trước kia đi học về luôn có hai bịch chè hay hai trái ổi má đi chợ mua để dành cho hai đứa. Má thường nhắc hai đứa tắm trước khi ngủ trưa cho mát. Chiều thức dậy thế nào cũng có hai trái bắp luộc hay hai chùm nhãn … Tối đến, má coi bài vở của hai đứa và những tối không có ba, má thường kể chuyện cho nghe hoặc gợi chuyện cho hai đứa líu lo đến lúc ngủ, quên nhớ ba.

Ở với cô thì khác, khác đến tủi thân. Cô chỉ quan tâm đến một việc là đến bữa thì ép hai đứa ăn thật nhiều. Phải ăn nhiều khi không thấy ngon miệng là một cực hình, hai đứa vừa ăn vừa rơm rớm nước mắt.

– Cô bận quá. Ba cháu có gởi tiền đây, lấy mua cái gì cho em ăn vặt đi Thảo.

Thảo dắt em Tuấn ra đầu ngõ ăn hàng. Bán cho con nít, chén chè dường như lưng hơn, củ khoai nhỏ hơn và gói xôi ít mè hơn…

Ban đầu Thảo thấy tủi thân ghê gớm nhưng rồi dần dần cô bé tức giận. Cô bé lườm bà bán hàng, không thèm mua quà ở gánh đó nữa. Có chuyến ba đi mà quên gởi tiền ăn vặt lại nhà, con bà cô ngồi ăn hàng nhai nhỏn nhoẻn, bà cô vô tâm quên chú ý đến hai đứa. Thảo cắn môi dắt em đi ra xa:

– Đừng thèm khóc, Tuấn. Bữa nào ba về tụi mình ăn tha hồ.

Mỗi chuyến đi anh Bình thường có quà về. Quà của bạn hàng đi xe của anh tặng cho chứ chẳng phải anh mua. Với anh, cho con tiền là gọn nhất! Áo quần, giày dép, cặp vở, tiền trường … anh nhờ bà chị sắm sửa cho con đầy đủ. “Con của mình mất mẹ mà có thiếu thốn gì đâu!” – Trên đường trường xa mỗi khi nhớ con anh hay tự nhủ vậy.

Ba không phải là má

Anh không biết rằng bà cô thường đi chơi khuya rồi mới về ngủ, và hai đứa con của anh vừa học bài vừa nhấp nhỏm nhìn ra cửa đợi tiếng gõ. Sợ nhất là những đêm mưa, tiếng mưa gõ trên mái tôn nghe rùng mình làm sao.

Sợ hoài rồi cũng quen. Cô bé Thảo thường thầm thì dỗ dành cu Tuấn:

– Ngủ đi em! Có chị đây mà!

Mỗi khi ba về, cô bé chạy thật nhanh từ nhà bà cô về nhà mình và quét tước dọn dẹp. Cô bé sai phái em Tuấn y như mẹ:

– Tuấn nè! Lau bàn đi em!

– Tuấn nè! Coi chừng té kia, dẹp cái đòn đi.

– Tuấn nè! Lên hỏi ba tối nay có uống cà phê không?

Và cô bé không quên chà đôi dép của ba thật sạch như má vẫn làm.

Cuối năm học, hai đứa đợi ba về để khoe với ba tấm giấy khen tiên tiến. Má hay nói “Ba làm lụng cực khổ, hai con ráng học hành cho ba vui”. Vậy là hai đứa háo hức đợi ba về.

– Giỏi quá ta! – Ba liếc qua tấm bằng khen và đi tắm.

Mặt hai đứa thuỗn ra, nước mắt dâng đầy. “Giỏi quá ta” – Chỉ thế thôi! Má không bao giờ như vậy. Má sẽ cầm hai tấm bằng khen lên đọc thật kỹ rồi má ôm hai đứa vào lòng: “Con của má ngoan quá!”, má sẽ mua quà thưởng cho hai đứa và sẽ nấu một nồi chè thật nhiều, má sẽ luôn miệng lặp đi lập lại: “con của má ngoan quá!”…

Cô bé rưng rưng nước mắt nhìn tấm bằng khen trên bàn, còn cu Tuấn thì òa khóc. Cô bé dỗ em:

– Đừng khóc. Để chị thưởng cho em.

– Chị biết gì mà thưởng! – Cậu bé khóc to hơn.

– Sao lại không biết! – Cô bé tự ái buột miệng – Để chị mua thưởng cho Tuấn cái xe tăng nghen?

– Thật không?

– Thật mà!

Cô bé nhịn một tuần không ăn hàng để mua cho em chiếc xe tăng và nắn nót viết lên tờ giấy dán bên hông xe hàng chữ: “Em của chị ngoan quá!”

Ba không phải là má

***

Ba nhớ đến những dịp quan trọng như ngày giỗ mẹ, ngày Tết, ngày khai trường … Nhưng những ngày khác như Quốc tế Thiếu nhi, ngày Mùng Năm tháng Năm thì bà không nhớ. Thảo biết chắc như vậy. Giờ thì cô bé hiểu ra rằng ba không phải là má! Và cô bé nghiễm nhiên thay má nhớ những ngày đó cho em. Thật ra bản thân cô bé cũng không chú ý đến lễ lạc nếu bọn trẻ trong xóm không bàn tán xôn xao:

– Ê! Quốc tế Thiếu nhi cơ quan ba tao cho mỗi đứa một món quà to lắm.

– Mùng Năm tháng Năm nhà tao nấu xôi chè với cơm rượu, nhà mày có nấu không?

– Có! – Thảo trả lời và đi ra chợ mua một bịch chè lớn về san ra mấy cái chén nhỏ. Cậu bé Tuấn vừa ăn vừa khen ngon vừa hỏi:

– Có nấu cơm rượu không chị Thao?

Gần đến ngày Trung Thu, Thảo dắt em đi dọc theo các gian hàng bán lồng đèn. Cô bé nuốt nước miếng nhìn cái lồng đèn kéo quân treo trên cao rồi đưa mắt qua dãy lồng đèn con cá, con thỏ … đủ kiểu, đủ màu lấp lánh.

– Mình mua cái lồng đèn con thỏ kia nghe Tuấn?

– Ứ! Em thích lồng đèn chiếc thuyền kia!

– Con thỏ đẹp hơn… – Cô bé bối rối nhìn giá tiền ghi ở đuôi thuyền.

– Ứ… em ứ thích chiếc thuyền.

Cô bé tần ngần khá lâu. Nếu mua con thỏ thì được hai cái, còn mua chiếc thuyền thì chỉ được một thôi.
Như để trêu ngươi, người bán hàng lấy thêm bốn cái lồng đèn chiếc thuyền treo lên cao, những lá cờ phấp phới bay.

– Ừ! Thì mua chiếc thuyền … – Thảo nói thật nhanh và cảm thấy tiếc ghê gớm.

Đúng rằm mà ba vẫn chưa về. Chiều, hai chị em về nhà sớm. Trong khi Tuấn tíu tít gắn đèn cầy vào chiếc thuyền thì Thảo quét nhà, lau bàn ghế. Nếu có má thì thế nào cũng có bánh nướng, bánh dẻo và má coi nhà cho hai đứa đi chơi. Còn bây giờ thì … Thảo liếc mắt nhìn ra nhà sau, lấy giọng cứng cỏi:

– Tuấn đi rước đèn với mấy đứa, để chị coi nhà cho.

Thảo mong Tuấn nói “em ở nhà với chị” nhưng nhìn bộ dạng hớn hở của Tuấn, cô bé hiểu rằng lúc này nó không nghĩ tới ai khác đâu. Tuấn cũng giống ba thôi! Ơ… mà không phải vậy, Tuấn còn nhỏ quá mà … Mắt cô bé cay cay.

Ba không phải là má

Tuấn xách lồng đèn chạy đi rồi, Thảo khát nước quá mà không dám xuống nhà sau uống nước. Cô bé ngồi thu lu trước cửa, chưa bao giờ cô bé mong ông anh họ như lúc này. Trăng vằng vặc trên trời, lũ con nít quanh xóm kéo nhau chạy qua xóm khác, người lớn cũng rủ nhau đi chơi. Sự yên lặng đáng sợ làm sao.

Cô bé gục cằm lên gối, nước mắt chảy ra.

– Chị Thảo ơi! – Tiếng la của cu Tuấn lanh lảnh vang lên ở đầu xóm.

Đứa nào ăn hiếp nó rồi! Thảo đứng dậy lính quýnh xỏ dép.

– Chị Thảo ơi! Ba về! Ba mua lồng đèn đẹp lắm …

Không cần dép! Cô bé chạy vụt ra đường.

Cu Tuấn đi đầu, tay phải kiêu hãnh đưa cái lồng đèn kéo quân, tay kia cầm cái lồng đèn chiếc thuyền, ba đi bên cạnh, lũ con nít đông đúc kéo theo sau…

– Ba ơi!…- Thảo lao đến bên ba – Ba mua… – Cô bé định nói “ba mua lồng đèn cho tụi con hả ba” nhưng cô bé khựng lại vì rõ ràng chỉ có một cái lồng đèn kéo quân trên tay cu Tuấn, còn tay này ba cầm một hộp bánh, tay kia trống không.

Cô bé òa khóc.

Anh Bình chạy khắp phố để mua cho cô bé một cái lồng đèn giống cái anh đem về nhưng các quán đều đóng cửa. Giờ này ai còn bán lồng đèn nữa. Không làm sao dỗ cho con bé nín được. Anh bất lực nhìn khuôn mặt ướt nhòe của con gái:

– Cái lồng đèn đó là của bà bạn hàng mua cho chứ ba đâu có biết. Nín đi, con. Mai ba sẽ mua cho con một … con thích cái gì?

Anh đẩy hộp bánh đến trước mặt Thảo, cô bé hất tung hộp bánh vô tường, khóc to hơn.

Trong giấc ngủ, cô bé vẫn còn thổn thức.

Related Posts

Tình người

Cả khu phố, ai cũng xầm xì vụ con ông Hà cá độ bóng đá thua đâu mười lăm tỷ. Giờ ông phải bán nhà, bán đất để trả nợ…

Read more

Chuyện của Tarra

Tôi nhận ra rằng một công việc tốt cũng không thể sánh được với tình thân gia đình. Chẳng có gì quý hơn gia đình mình cả. (truyenngan.com.vn – Tác…

Read more

Con yêu cha

Gửi cha: Cha ơi, nhiều lúc con muốn hỏi: “Cha có yêu thương con không?” *** Con vẫn còn nhớ ngay từ lúc mới học mẫu giáo, những lúc nhìn…

Read more

Nước chảy xuôi dòng

(truyenngan.com.vn) Bà không kịp nghe con nói gì nhưng cũng nhanh nhẹn nắm chặt tờ bạc giấu xuống, con Bảy thấy vậy cười kha khả như thỏa mãn cái lòng…

Read more

Ngoại ơi

Con đường đất dẫn vào khu xóm nghèo dài tít tắp. Hai bên đường, những thân cây còi cọc đứng nép mình bên đám cỏ dại bám đầy đất đỏ….

Read more

Đổ vỡ

Phải chăng người đàn ông sau khi đã chiếm được trọn vẹn tình yêu của người phụ nữ và sau những ngày tháng mặn nồng giờ trong mắt họ những…

Read more

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *