Những người như anh đã để lại phía sau cuộc đời mình những dấu chân mà thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa.
***
Vào một kỳ nghỉ cuối tuần, tôi đến thăm Khan Chand Duggal, bạn tôi, trong ký túc xá Ewing Hall của Trường Cao đẳng Forman Christian. Thường thì sau đó, tôi sẽ qua đêm tại khách sạn Majestic, do một người bạn của cha tôi làm chủ.
Tôi nhớ đó là kỳ lễ hội Basant, Khan Chand quyết định dẫn tôi tới Lawrence Garden. Dĩ nhiên anh có riêng một chiếc xe đạp. Anh mượn thêm một chiếc cho tôi.
Ở Lawrence Garden có một mỏm đất. Chúng tôi ngồi đó uống bia Pilsner, giá tám anna một chai, và ngắm những cánh diều bay lượn. Vì không quen nên chỉ mới hai, ba ly là chúng tôi đã ngà ngà say. Chúng tôi lang thang quanh công viên nhìn những cặp trai gái đang âu yếm nhau, việc rất phổ biến ở Lawrence Garden.
Chiều tà, loạng choạng, chúng tôi lấy xe đạp và đi về Evving Hall.
– Cậu ở đâu? – Khan Chand hỏi.
– Dĩ nhiên là với cậu chứ còn ở đâu nữa? – Tôi nói.
Anh ta ngạc nhiên:
– Nhưng cậu không ở với tớ được. Nếu cậu ở lại, tớ sẽ phải xin phép Hiệu trưởng trước. Thường thì khách không được ngủ lại với học sinh nội trú ban đêm.
Khan Chand không thể buộc tôi rời khỏi ký túc xá. Và do cũng đã quá khuya nên anh ta không thể gõ cửa phòng Tiến sĩ Schyler, ngài Hiệu trưởng người Mỹ đáng kính. Hai chúng tôi cùng nằm trên cái võng mà Khan Chand có trong phòng. Nhưng, một người phục vụ trong nhà ăn đã nhìn thấy. Bà ta đã báo cáo với Hiệu trưởng về việc này.
Hai ngày sau, Khan Chand viết thư báo cho tôi biết anh đã bị đuổi khỏi ký túc xá.
Chỉ khi có những giây phút ngọt ngào trong yên lặng, tôi mới nhớ về những ký ức. Và tôi thấy sự khiếm khuyết trong nhiều việc mà lẽ ra tôi đã có thể làm khác đi.
Khan Chand là một trong những người lẻn vào ký ức tôi một cách lặng lẽ nhất. Anh ta nghỉ hưu với chức vụ Đại tá trong quân đội và mất vào một buổi chiều tại khu Defence Colony ở New Delhi trong khi giúp một người xa lạ đẩy chiếc xe hơi mắc kẹt. Đủng ra anh không nên làm như thế. Anh bị bệnh tim. Nhưng cuối cùng thì anh vẫn là Khan Chand.
Những người như anh đã để lại phía sau cuộc đời mình những dấu chân mà thời gian không bao giờ có thể xóa nhòa.
Trích “Sống và suy ngẫm” – V.N. KAKAR