Tôi thật sự chẳng biết làm gì để vơi đi những cắn rứt ngoài việc trừng phạt bản thân.
***
Khép nép sau lưng bố, tôi to mắt ngước nhìn vẻ khang trang của ngôi trường danh giá bậc nhất ở tỉnh. Lần theo sự chỉ dẫn của bảo vệ, hai bố con đến nơi hẹn, là một căn phòng nằm ở tầng năm của dãy vừa mới xây. Đứng trước phòng, bố gõ cửa, nhưng chẳng nghe bất cứ hồi âm nào. Tiếp tục, bố gọi to hơn thì từ bên trong một học sinh nam bước ra, lễ phép chào:
– Chào bác ạ!
– Uh. Chào con. Thầy của con không có ở đây sao?
– Dạ thầy con đã đi xuống phòng giáo viên rồi ạ. Thầy có bảo nếu bác đến thì phiền bác đến đấy để trò chuyện.
– Uh. Cám ơn con. Mà con có phải là Tuấn không?
– Dạ đúng rồi ạ.
– Thầy có kể về con cho bác nghe.
Bố đưa mắt sang nhìn tôi rồi nói tiếp:
– À, tí nữa bác quên quên. Đây là An, con của bác cũng là đại diện học sinh trường X trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch Sử sắp tới.
Hắn mỉm cười đưa tay ra chào:
– Chào bạn, mình là Tuấn, học sinh lớp 12 chuyên Sử của trường.
Đảo mắt nhìn hắn, cảm giác chẳng mấy thiện cảm với con người này, mà đúng hơn là với tất cả những học sinh thành phố – những con người trong suy nghĩ của tôi, hoặc là ăn chơi quậy phá, hoặc là tự phụ, xem thường người khác. Tôi cười gượng, rồi ngắn ngọn nói: “Chào”.
– Vậy hai con ở đây nói chuyện làm quen đi. Bác xuống phòng Giáo viên bàn bạc một số việc.
– Dạ. Bác cứ yên tâm. – Hắn nhanh miệng đáp.
Khi bước vào phòng, tôi choáng ngộp với những tủ sách Lịch sử được trang bị. Có khoảng đến hàng trăm cuốn sách trước mặt, tôi như lạc vào chốn tiên cảnh của riêng mình. Cầm lên một cuốn ưng ý, tôi chăm chú đọc từng chữ một.
– Thầy bảo chúng ta ở đây làm quen chứ không phải đọc sách. – Tiếng hắn vọng lại.
Tôi có một thói quen rất xấu là mỗi khi đang say sưa làm việc gì đó nếu bị ai đó quấy rầy, tôi sẽ rất dễ nổi cáu. Và hắn cũng không là ngoại lệ. Tôi im lặng trong chốc lát như để cố lấy lại một chút bình tĩnh trước khi đáp trả hắn lịch sự nhất có thể.
– Chẳng phải đã chào khi gặp mặt rồi còn gì? – Tôi nhăn nhó.
– Chỉ đơn giản như thế thôi sao?
– Uh.
– Hay An không thích nói chuyện với tôi?
– Cứ cho là như vậy.
Hắn im lặng và tôi cứ tiếp tục đặt tâm trí mình vào các câu chuyện lịch sử. Thay vì những lời nói sáo rỗng với một kẻ sẽ cạnh tranh với mình trong kỳ thi sắp tới, tôi tranh thủ góp nhặt một ít kiến thức chắc chắn sẽ hữu dụng hơn.
….
Tôi là Nguyễn Hoàng An. Thật sự, tôi chẳng thích cái tên này vì nghe rất giống con trai. Tôi sống khép kín nên hầu như không có bạn thân. Vẻ ngoài lạnh lùng và thơ ơ dường như là bức tường ngăn cách tôi với mọi người xung quanh. Nhưng tôi chẳng mảy may quan tâm đến việc đó, điều mà tôi ưu tiên hàng đầu là tập trung học tập. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, tôi (cùng với hắn) đã đạt điểm cao nhất trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch Sử của tỉnh và được chọn làm đại diện ở vòng thi toàn quốc.
…….
– Chúng ta cùng chuyển sang ôn tập các sự kiện ở thời đại Lý – Trần. thầy có một câu hỏi rất hay cho hai em : ” Em có đồng tình với những việc làm của Thái sư Trần Thủ Độ? “.
– Thưa thầy, có ạ. Em rất ngưỡng mộ nhân vật này. – Hắn dõng dạc trả lời.
– Em thì không ạ. – Tôi đáp lời.
– Hai em cần đưa ra lý lẽ để thuyết phục người khác chứ?
– Dạ. Em đồng tình vì đây là một tướng tài. Trong thời kì suy tàn của triều nhà Lý, ông đã rất khôn ngoan trong việc đưa Trần Cảnh kết hôn với Lý Chiêu Hoàng dựng lên một nhà Trần hưng thịnh ạ. – Hắn từ tốn giải thích.
– Em không nghĩ như vậy. Như bạn nói, ông là một tướng tài sao lại không giúp vua điều hành, canh tân đất nước. Đằng này lại dùng mưu kế đưa một Lý Chiêu Hoàng mới năm tuổi lên làm vua, buộc cưới Trần Cảnh và nhường ngôi vị cùng cả triều đại cho chồng.
– Nhưng An ơi, chỉ là một viên tướng thì làm gì có đủ quyền hành trong tay. Và An cũng đã biết, chẳng những có công lập nên nhà Trần, ông còn có công lớn trong chiến thắng Mông – Nguyên lần thứ nhất nữa.
– Ông có thể là một tướng tài nhưng tuyệt nhiên không phải là một người tốt. Việc phế lập Hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng và ép Thái Tông lấy chị dâu của mình là quá nhẫn tâm.- Tôi lớn giọng đáp trả.
– Được rồi hai em. – Thầy đưa tay ra như muốn giảng hòa trước khi một cuộc tranh cãi nảy lửa không cần thiết sắp diễn ra. – Những lý lẽ mà hai em đưa ra để bảo vệ cho ý kiến của mình đều thuyết phục. Thật ra về vị thái sư này, cũng có nhiều ý kiến đối lập. Nhưng nếu hai em là một đội và chỉ đưa ra một quan điểm chung, các em đồng tình hay phản đối?
Tôi liếc mắt sang thì nhìn thấy được ánh mắt của hắn cũng đang hướng về mình. Dù có chút bối rối nhưng rất nhanh sau đó tôi vẫn quyết tâm bảo vệ quan điểm của mình.
– Thưa thầy, em sẽ không thay đổi ý kiến. – Tôi khảng khái đáp.
Tôi luôn là như vậy, một đứa luôn tin tưởng và bảo vệ suy nghĩ của riêng mình. Tôi không hiểu, điều đó là bản tính vốn được lập trình sẵn trong người hay do cuộc sống đơn độc nên tôi không có thói quen tiếp nhận ý kiến người khác; nhưng chỉ biết rằng, mỗi khi ai đó bác bỏ quan điểm của mình, tôi cảm thấy như đang bị xúc phạm và bằng tất cả nổ lực, tôi phải bảo vệ quan điểm của riêng mình.
Tôi đưa mắt qua nhìn hắn ngay sau câu trả lời. Trong đầu đã mường tượng ra các hành động cáu giận của hắn, chẳng hạn đập bàn không đồng ý, mắng chửi, thậm chí bỏ đi vì giận,… Nhưng không, hắn khẽ gật đầu và nói : ” Em cũng vậy!” ngay khi ánh mắt của thầy chuyển hướng sang.
Tôi như không tin vào những gì mình nghe, mắt trừng trừng nhìn hắn. Rõ ràng là một học trường chuyên lẽ nào mà lại dễ dàng chấp nhận thay đổi ý kiến vì con nhỏ trường làng này.
Thầy cười to:
– Tốt lắm hai trò. Thầy hi vọng các em đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để cùng lạm rạng danh tỉnh nhà. À, Thầy có việc rồi, hôm nay chúng ta nghỉ sớm “
Nói xong, thầy bước ra ngoài. Trong phòng chỉ còn hai đứa. Khẽ liếc mắt sang nhìn, tôi thấy hắn đang say sưa với những trang sách.Một chút gì đó cắn rứt xuất hiện dù đây không phải là lần đầu tiên tôi tranh luận gay gắt để bảo vệ quan điểm của mình. Tôi không hiểu tại sao lại có cảm giác đó, cảm giác hối hận về điều mình đã làm.
– Cám ơn.
Một động lực nào đó khiến tôi thốt ra lời cám ơn. Một lần hiếm hoi mà tôi chấp nhận chịu ơn một người khác.
– Cám ơn ai?.
– Thì tùy, ai nhận thì nhận, không thì thôi.
– Hì. – Hắn cười nhẹ.- Cám ơn gì mà không nhìn thấy chút thành ý.
– Tôi thích. – Tôi lạnh lùng.
– Tôi sẽ chấp nhận lời cám ơn của An, nếu An hứa với tôi một việc?
– Sao tôi phải hứa với bạn?
– Thì để chứng tỏ thành ý của mình.
– Nói trước đi đã.
– Thì đi dạo quanh công viên Văn Miếu với tôi.
Tôi phân vân trong chốc lát, chẳng biết có nên chấp nhận lời đề nghị của hắn hay không. Chưa kịp đưa ra câu trả lời, hắn đã kéo tôi ra khỏi phòng và nhanh chóng mang chiếc xe đạp đến.
Tôi không hẳn đã hoàn toàn đồng ý với lời đề nghị của hắn. Nhưng việc khám phá công viên đông đúc nhất thành phố cũng phần nào thú vị với tôi.
– Ngồi lên xe đi cô bé. Tôi đưa cô dạo một vòng công viên.
Khắp đoạn đường đi, tôi chẳng nói với hắn câu nào dù bản thân không hề muốn hành trình khám phá công viên của mình lại buồn tẻ như thế. Tôi không có thói quen bắt chuyện với người khác nên cũng không biết bắt đầu từ đâu.
Công viên hiện ra trước mắt. Đó là một dãi đất nhô cao với những hàng liễu được trồng dày đặc. Ở giữa là một hồ nước lớn và xung quanh là những hàng ghế đá được thiết với nhiều kiểu dáng. Tiến đến gần, mặt tôi đỏ ửng lên khi nhìn thấy nhiều cặp đôi tay trong tay, thân mật bên các hàng ghế đá. Tôi đưa tay nhéo hắn, nhăn nhó nói:
– Bạn đưa tôi đến đây để nhìn thấy những cảnh tượng thế này sao?
– Tôi…tôi xin lỗi. – Hắn vừa gãi đầu vừa ấp úng trả lời. – Chúng ta đi qua nơi kia đi, chắc sẽ có nhiều thứ để ngắm hơn.- Hắn chỉ sang một hướng khác.
Tôi dừng lại ở một cây liễu nằm kề bên bờ hồ và đưa mắt ngắm nhìn con nước xanh trong. Hắn cũng bước đến.
– Cảm thấy thế nào? – Hắn hỏi
– Đẹp.
– Sao cộc lốc vậy ?
– Đẹp thì tôi nói đẹp.
– Tôi hỏi thẳng điều này, mong An trả lời thành thật nha.
– Nói.
– Hình như An có ác cảm với tôi thì phải?
– Biết thì tốt.
– Sao vậy nhỉ?
– Đơn giản là tôi không thấy mình không hợp với dân thành phố. Và bạn cũng không là ngoại lệ.
– Ơ, thành phố thì sao? Ở đâu mà chẳng có người tốt, người xấu. Người tốt thì ở đâu cũng tốt và ngược lại.
Nhận thấy bản thân có phần đuối lý, nhưng không thể chịu thua, tôi vẫn cố tìm cách đáp trả dù lý do đưa ra rất cùn:
– Tôi thích như vậy.
– Haha – Hắn cười to.- Được rồi không ưa tôi thì tôi chịu thôi.
Dù không ai nói ra nhưng cả hai đều hiểu, phần ưu thế trong cuộc tranh luận hoàn toàn thuộc về hắn. Thật ra, đó chỉ suy nghĩ của một con bé vốn quen với thôn quê, đồng ruộng trước khi tiếp xúc với thị thành. Có nhiều cơ hội gặp gỡ, tôi cũng dần thiện cảm với hắn hơn nhưng không hiểu tại sao vẫn cố giả vờ lạnh lùng, thích tranh cãi với hắn.
– Mà An muốn thi vào trường Đại học nào?
– Chi vậy?
– Để biết mà thi chung cho vui ?
– Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
– Tôi cũng thích làm giáo viên nữa. Hay ở đây chúng ta móc tay cam kết cùng cố gắng đi!
– Lớn rồi, tôi chả phải con nít mà móc tay với chân. – Tôi chề môi.
– Thì cứ làm đi.
Khi hai ngón út được móc lại, hắn nói tiếp:
– Tại đây, công viên văn Miếu, Trịnh Hoàng Tuấn và Nguyễn Hoàng An hứa sẽ cố gắng học tập để đỗ giải Quốc gia và được tuyển thẳng vào trường đại học mong muốn.
……
Sau những tháng ngày ôn tập vất vả, kỳ thi Học Sinh giỏi quốc gia cũng đã cận kề. Hà Nội đón chúng tôi bằng trận nắng nóng khủng khiếp lúc ban ngày và cái lạnh đến thấu xương mỗi khi màn đêm buông xuống. Do chưa quen với điều kiện thời tiết, tôi ngã bệnh ngay trước ngày thi. Tôi khóc, khóc thật to vì căm ghét chính mình. Ngày mai là ngày thi mà ngay lúc này đầu lại quay cuồng, chân tay bủng rủng, thậm chí đứng còn không vững. Tôi rùng mình vì sợ, lần đầu tiên tôi sợ đến như vậy. Nghĩ đến cảnh những cố gắng dai dẵng bấy lâu nay bỗng sẽ tan biến trong phút chốc. Và đâu đó bên tai, vang vọng lời hứa của hai đứa ngày đi chơi ở công viên. Tôi hét to lên. Tôi không thể bị căn bệnh đánh bại dễ dàng như vậy. Tôi cố trườn ra thành giường và suýt nữa đã ngã nhào xuống đất nếu hắn và thầy không đến kịp. Hắn ôm tôi lại nhưng tôi vẫn cố vùng vẫy trong vòng tay hắn.
– Buông tôi ra, tôi muốn đi ra ngoài.
– An! An! Em bình tỉnh nghe thầy nói nè: Nếu em cứ như vầy thì chắc chắn ngày mai sẽ không đủ sức khỏe để đi thi đâu. Bác sĩ nói với thầy rồi, nếu em chịu khó nằm dưỡng bệnh trên giường, em hoàn toàn có thể đi thi vào ngày mai.
Tôi ngừng vùng vẫy, từ sâu dưới đáy tuyệt vọng, một phao cứu sinh xuất hiện, tôi rưng rưng nước mắt, hỏi lại:
– Thật ạ?
– Em nghĩ thầy lừa em à? Việc cần làm bây giờ là cố gắng nghỉ ngơi để có được sức khỏe cũng như tâm lí tốt nhất cho ngày mai.
Hắn đưa tôi trở lại giường bệnh và ngồi kề bên. Dù được thầy trấn an nhưng cảm giác lo sợ vẫn chưa thể tan biến. Người tôi rung lên vì lạnh, hắn cẩn thận đắp từng chiếc chăn cho tôi. Nhận thấy bệnh tình chẳng có dấu hiệu thuyên giảm, dường như những chiếc chăn dày cộm vẫn vô dụng ngay lúc đó. Hắn ôm tôi vào người và thủ thỉ :
– Đừng sợ An nhé, có Tuấn ở đây rồi. Tuấn sẽ bảo vệ cho An.
Luồng hơi ấm từ cơ thể hắn lan tỏa, dù không thể làm dịu bớt đi cái lạnh thấu da từ bên ngoài nhưng lại mang đến cho tôi một cảm giác khó tả. Nó lạ lùng đến mức khiến tim đập liên hồi. Rồi tôi chợt nhận ra mình quá nhỏ bé trong vòng tay của hắn. Cảm giác được bao bọc, được bảo vệ đủ lớn để bỏ lại cái lạnh và bệnh tật phía sau lưng. Thì ra con gái dù có mạnh mẽ đến đâu vẫn luôn cần một người con trai kề bên, bảo vệ. Tôi cũng chẳng còn nhớ những việc đã xảy ra sau đó, ngoài câu hứa mà hắn lặp lại nhiều lần: “Tuấn sẽ bảo vệ An suốt đời.”
…
Cuộc thi kết thúc, chúng tôi chuyển trọng tâm sang kỳ thi đại học sắp diễn ra. Và cũng từ đó, chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa. Có lẽ chú tâm học trong giai đoạn “nước rút” này quan trọng hơn tất cả, dù lời hứa của những ngày kề bên vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu, dù cảm giác đêm hôm ấy vẫn thường xuyên ám ảnh.
Kỳ thi đại học cũng trôi qua, tôi nhận được tin mình đỗ giải ba ở kỳ thi Quốc gia. Nhưng niềm vui chỉ đến một nữa khi cùng lúc hay tin hắn trượt ở cùng kỳ thi đó. Cố liên lạc nhưng không được, cuối cùng tôi đến trường tìm hắn. Vừa đặt chân bước vào, tôi đã nhìn thấy hắn đang tay trong tay với một cô gái, nhìn vào những cử chỉ âm yếm, ai cũng thừa hiểu họ là một cặp nhân tình.
Tim tôi đau như thắt lại, lồng ngực như vừa bị ai vô tình đâm cắt. Hình ảnh cùng những lời hứa hẹn mấy tháng trước tưởng đã trôi dạt theo thời gian, bây giờ cùng lúc hiện về. Bên tai vẫn vang vọng câu nói thân quen: “Tuấn sẽ bảo vệ An suốt đời”. Tôi khuỵu người xuống, nước mắt lã chã rơi. Tại sao tôi lại đau nhiều như thế này? Chẳng là gì của nhau, sao tim lại như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
Xe hắn đến gần, tôi vội vã chạy đến nơi khuất để trốn. Rõ ràng tôi không đủ mạnh mẽ để đối diện với hắn ngay lúc này. Tôi sợ mình sẽ khóc trước mặt hắn, sợ bị người con gái bên cạnh ghen tuông, xỉ vả. Tôi đứng bần thần trong chốc lát, trước khi kịp hiểu ra rằng: hóa ra lời hứa cũng chỉ là một lời nói, nó hoàn toàn giống với bao lời nói khác mà hằng ngày con người vẫn thốt ra. Sự khác biệt có chăng chỉ là một người bông đùa nói, một người bấu víu vào tưởng như yêu như thương.
Từ phía sau, tôi nghe tiếng thầy vọng về:
– Em đến đây tìm Tuấn hả An?
– Dạ. – Tôi nhanh chóng lao nước mắt.- À không, Em còn đến để cám ơn thầy nữa ạ.
– Có gì đâu, đó là trách nhiệm của thầy mà. Nếu có cám ơn, em hãy gửi lại cám ơn đến Tuấn. Vì chăm sóc em trong đêm đó, Tuấn đã ngủ gục trong lúc thi và bị trượt.
Cảm giác ân hận lan tỏa khắp suy nghĩ. Không ngờ vì mình, Tuấn đã hy sinh nhiều như vậy. Tôi bật khóc, chạy đến ôm thầy.
– Thầy ơi, em không hề muốn chuyện đó xảy ra đâu. Tại sao Tuấn hôm đó không bỏ mặc em đi? Tại sao Tuấn lại chăm sóc cho con nhỏ bướng bỉnh này? Em phạm lỗi rồi thầy ơi, thầy đánh em đi.
Tôi thật sự chẳng biết làm gì để vơi đi những cắn rứt ngoài việc trừng phạt bản thân.
Thầy nhỏ giọng vỗ về, an ủi:
– Mọi chuyện cũng chẳng còn quan trọng nữa rồi em. Khi Tuấn đã làm bài rất tốt trong kỳ thi Tuyển sinh đại học. Và gần như chắc chắn, em ấy sẽ là một sinh viên khoa Lịch sử của trường Nhân Văn để thỏa mãn ước mơ khảo cổ.
Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe thầy nói về ước mơ cũng như trường mà Tuấn đã dự thi. Như không tin vào tai mình, tôi hỏi lại lần nữa:
– Thầy nói gì ạ? Tuấn thi trường Nhân Văn? Tuấn ước mơ là một nhà khảo cổ?
– Đúng là như vậy mà. Tuấn không chia sẻ với em sao?
– Dạ…dạ không. – Tôi ấp úng.
– Sẵn đây thầy muốn kể cho em một sự thật. Trong thời gian ôn thi, nhận ra hai đứa có vẻ không được hòa thuận, thầy đã tạo điều kiện để các em có nhiều cơ hội trao đổi với nhau bằng những buổi nghỉ sớm. Tuấn cũng đã hứa sẽ hạn chế thời gian bên cạnh cô bạn gái để tiếp cận cũng như tạo thiện cảm nơi em.
– Em…em xin lỗi vì đã làm phiền lòng mọi người nhiều như vậy ạ.
– À, chuyện cũng chẳng có gì. Thầy có việc rồi, phải đi ngay bây giờ. Cám ơn em đã đến thăm thầy.
– Dạ. Em cám ơn thầy nhiều ạ.
Tôi đứng chôn chân, thừ người ra trong chốc lát. Trong đầu, các câu hỏi cứ dồn dập xuất hiện. Đã bao giờ hắn rung động khi kề bên mình? Liệu cảm giác đêm hôm ấy có cùng lúc xuất hiện trong hắn? Tại sao hắn lại nói dối mình?… Cứ như thế tôi chìm trong mớ hỗn độn của các câu hỏi. Rồi khi nhận ra chính hắn là mấu chốt của toàn bộ những thắc mắc. Ngay lập tức, theo hướng hắn vừa đạp xe qua, tôi cuống quýt chạy theo. Nhưng rất nhanh sau đó, những bước chân bắt đầu chùn lại khi hình ảnh thân mật trước đó của hắn và cô bạn gái hiện ra. Tôi hiểu được việc mình đang làm là quá thừa thãi. Mọi giải đáp liệu có còn quan trọng khi hắn đang bên cạnh một người con gái khác? Họ đã yêu nhau trước khi tôi xuất hiện, nên tình cảm mà hắn dành cho tôi nếu có thì cũng chỉ chắc dừng lại ở mức lưng chừng. Lưng chừng vượt lên trên mối quan hệ bạn thân nhưng lưng chừng chưa đển đầu giới hạn của tình yêu.
Tôi thở dài, ngước lên nhìn trời rồi đưa mắt vào hàng người đông đúc đang chạy bên đường. Nắng vẫn chiếu vàng khắp những con đường sao lòng vẫn cảm thấy trống vắng lạnh lẽo. Dòng người vẫn đang bao bọc xung quanh, nhưng nỗi cô đơn lại đang ngự trị.
Bỗng nhiên, hôm nay tôi lại rẽ qua một con đường khác để vòng về nhà…