Lần này chị về, quà lạ lắm. Chẳng xanh xanh, đỏ đỏ, chẳng ngòn ngọt, chua chua.
Quà nằm trong đống vải, ngo ngoe chòi đạp, còn khóc thút thít.
***
5 tuổi, Tý thấy chị lần đầu tiên.
Nó núp sau quần the đen của má, lấm lét nhìn chị xồng xộc vào nhà như gió ngược mùa, hâm hấp nóng.
Sơmi xám tro, quần jean bạc thênh thếch, chị đá chống chiếc 67 đen trũi, quẳng balô nặng trịch rồi cười ngân, “Tía, má, con về!”
Trong cái mùi khét nắng, mùi gió, bụi của những ngày lênh đênh, rong ruổi bấp bên giữa đời, chị vẫn còn ngòn ngọt mùi con gái. Rõ ràng thằng Tý nghe được. Nó thích mùi ngọt, nhưng sợ
chị, vì chị khác với đàn bà nó nghĩ.
Đàn bà trong suy nghĩ của thằng nhỏ năm tuổi, không thể nào mạnh mẽ như vậy. Đàn bà khi đó, chỉ nâu sòng quần the ống thấp ống cao lom com ngoài bờ ruộng, mò tôm, bắt tép cho chồng. Có khi địu thêm
thằng nhỏ trên lưng, lúc lại vạch áo, đưa cặp vú tồng ngồng cho con bú giữa chợ làng. Chị không nằm trong chuẩn đàn bà, nhưng vẫn cứ là đàn bà theo lời má.
“Đàn bà như bây, ai dám lấy!”
“Mắc chi đàn bà phải cần người lấy?”
Chị hỏi lại trong cái lắc đầu ngao ngán của má.
Chị hơn thằng Tý đâu hai chục tuổi. Má kể năm đó, tía má ráng để có con, vì chị đi hoài, mà đi như chẳng có ngày về. Bốn chục mang bầu, nguy hiểm lắm chứ chẳng chơi, nhưng vẫn cứ “ráng” để có đứa cầm gậy khóc lúc trăm tuổi già.
Thằng Tý sợ chị.
Nó đứng núp sau hàng hiên, nhìn chị ngồi vắt chân, phì phèo thuốc lá trong trăng bàng bạc. Hút thuốc là trò của đàn ông, đàn bà hút thuốc là đàn bà hư. Nghe xột xoạt tiếng lá cây, chị quay đầu lại nhìn, thằng nhỏ lấm lét chạy tọt đi mất, đánh rơi luôn nụ cười hiền của chị sau lưng.
Chị đi chiều chạng vạng.
Má nói lí nhí, giọng vừa hờn mác, vừa năn nỉ.
“Sao bây không ở lại sáng mai đi. Tối trời, chạy xe nguy hiểm.”
“Đường này nhắm mắt chạy không đụng ổ gà, có gì nguy hiểm đâu má!”
Tía ngồi hút thuốc, nhìn theo bóng chiếc 67 khuất dần, má gom mớ quần áo cũ chị để lại, hít một hơi rồi đem giặt, chép miệng.
“Đàn bà như nó, đời chắc khổ.”
***
Ngày lại trôi về phía ký ức, Tý lớn, tía má già, chị vẫn biền biệt đằng xa.
Có bữa học về, thằng Tý áo rách toe, đầu u vài cục, má hỏi, nó im ỉm, cắn răng lắc đầu, đến khi tía xách roi mây, thằng nhỏ khóc như lũ.
“Tụi nó nói chị bỏ nhà theo trai…”
Tía làm rớt cây roi mây cái bịch, má thừ người, nước mắt tự dưng lăn dài.
Đêm đó Tý nghe má mất ngủ, tiếng thở sao dài đằng đẵng như màu đêm.
***
Lần chị về sau, cách khoảng 5 năm.
Cũng như lần trước, ào vào nhà như cơn gió ngược mùa. Hanh hanh, khô khô. Lần này tóc chị cắt cao, da đen nhẻm, trên tay còn dán vài miếng băng cá nhân. Má mừng ra mặt, tía thì chỉ gật đầu, mới về đó hả, nhưng lúc thấy má đứng làm cơm, cũng càm ràm, bỏ ít đường, nó không thích ăn ngọt.
“Bây làm gì đen như cái cột nhà cháy?”
“Con mới đi rừng viết bài.”
“Tiền bao nhiêu mà hành hạ bản thân.”
“Nhiều khi do thích thì làm, chứ có phải lúc nào cũng vì tiền đâu má.”
“Tổ cha bây, không có tiền chắc bây lớn bằng cát, đất.”
Tía cắt ngang. Má lắc đầu, đúng thiệt hai cha con khắc khẩu, thằng Tý trệu trạo nhai cơm, chẳng hiểu người lớn nói cái gì.
***
Chị dắt nó ra bờ sông dạo, ráng chiều chạy dài đuổi bắt bóng hai chị em.
Dáng chị gầy bên nó lon ton, sông vắng, chị ngồi giết cuộc đời bằng hơi khói lang lang. Thấy thằng em ngồi cạnh bên nhìn mình khó hiểu, chị cười khì, quăng cho gói nhỏ.
“Quà cho cưng.”
Nó tò mò mở ra coi. Mấy cái kẹo bọc trong giấy đủ màu xanh đỏ. Mỗi màu lại tượng trưng cho một mùi vị khác nhau. Đỏ cho dâu, vàng cho chanh, xanh lá cho táo… cả chiều thằng Tý nhấm nhá hết mùi này cho đến mùi nọ. Chị nhìn nó thấy vui, tiếp tục nhắm khói trắng tượng trưng cho vị đời đăng đắng.
Tự dưng lúc mặt trời bỏ trốn, tiếng hát chị dập dềnh trôi theo sóng trên sông.
“Khi yêu nhau ước cùng nhau nhưng ai giữ được không?
Thề chi cho khiến tủi lòng nhau…
Đêm “Tân Hôn” có người vui nhưng riêng nàng khóc,
Mà trăng thì cười…”
***
Chuyến này chị ở nhà lâu hơn trước, đâu hơn tháng. Má mừng mừng, hỏi áng chừng tía, có khi nào nó ở luôn không.
Tía im, làm biếng trả lời bởi bản thân cũng không biết chắc, nhưng chiều nhắc má một câu, hỏi coi nó tính sao còn đi mua thêm tủ đựng đồ, nhà còn chỗ nào đâu mà ở.
Vậy mà tía má vui chưa trọn vẹn, chị lại đi, nhẫn tâm vậy đó.
Chị dúi cho má cái bao thư trắng, dặn cầm lo cho nhà. Má giận, dùng dằng không lấy, tao cần chi cái này. Tía nặng lời hơn, khinh thường ông bà già này không kiếm được tiền chắc.
Ai nói gì nói, chị vẫn cười buồn rồi dong xe lịch xịch đi mất, cuốn đám bụi đường đỏ quạch như mắt má đằng sau.
Quên luôn mớ kẹo ngon ơi là ngon chị cho, thằng Tý giận chị ghê gớm. Thà đừng về, về chi cho người ta vui rồi giờ bỏ đi mất biệt. Nó chui vô góc nhà rồi khóc tấm tức, mà miệng thì vẫn còn ngậm cục kẹo dâu đo đỏ. Ngậm là ngậm vậy, chứ hôm nay kẹo có ngon lành gì đâu.
***
Lần này chị về, quà lạ lắm. Chẳng xanh xanh, đỏ đỏ, chẳng ngòn ngọt, chua chua.
Quà nằm trong đống vải, ngo ngoe chòi đạp, còn khóc thút thít.
Má đón quà từ tay chị, trố mắt nhìn chẳng biết nói sao. Tía thì làm rớt con dao chặt củi cái bịch xuống đất.
Đêm, mặc má hỏi, tía rầy, chị vẫn im thin thít, đến khi tía hầm hầm xách cây roi mây, bắt chị nằm úp mặt xuống cái phản đen, thằng Tý mới nhào tới ôm chầm lấy chị.
Lần đầu tiên kể từ lúc gặp, nó thấy chị mình nhỏ bé, mong manh làm sao. Phải chăng cái thiên chức đàn bà sinh ra là để đàn ông chở che, bảo vệ. Tía run tay, đập cây roi xuống phản gãy đôi rồi ra hàng hiên hút thuốc, tiếng dế ngoài đồng reng réc nao lòng.
Má nhìn chuyện, chỉ im lặng, thở dài… hồi sau nghe má nói như reo.
“Tổ cha bây! Chỏng chim tè vô mặt bà. Ông tới coi, thằng nhỏ hòn dái đỏ au, cưng hết sức!”
***
Thằng nhỏ nằm giữa chị và Tý, giọng chị hòa cùng tiếng vo ve của bầy mũi miền Tây.
Chuyện chị buồn, man mác như gió đằng khơi.
Mùa năm đó, chị chân trần chạy đi tìm… tìm cái gì chắc mình chị biết. Biền biệt 4 năm trời mới về lần đầu, hốc hác xanh xao, tóc búi cao sau gáy.
Má nhìn, xót lắm, còn đâu cái tóc chiều nào cũng đun bồ kết cho gội. Tía ngó xong, lèm bèm, thứ con gái cứng đầu cứng cổ, có cũng như không. Mà nói vậy thôi, chứ cũng ra đồng bắt cá lóc về nấu canh chua cho ăn.
Chị gọi mùa năm đó, là mùa tình rơi.
Tý hít hơi dài, nghe mùi ngòn ngọt từ chị đâu mất, giờ chỉ còn tanh nồng mùi đàn bà u uẩn.
Thằng nhỏ trở mình, chị quay qua vuốt lưng, có giọt rơi như nước mắt.
Sớm, chẳng còn thấy chị đâu ngoài cái bao thư dày cui, quen thuộc. Má ôm thằng nhỏ vào lòng… chẳng biết nên giận hay nên thương.
***
Lần cuối chị về.
Lần này gọn lắm, không balô, không xe, không cười cũng chẳng ồn ào như gió. Chị về gọn hỏn trong cái lọ sành con con trên tay người đàn ông lạ. Đời một người, chỉ còn nhiêu đó thôi sao?
Má lắc đầu quầy quậy, không tin. Đến khi người ta đưa giấy tờ của chị, vài thứ linh tinh gọi là di vật thì tía phải ôm chầm để má khỏi ngã.
Tý núp sau nhà, nghe người lớn nói chuyện.
Người ta nói, người ta khóc, người ta cười, loáng thoáng nhắc gì đó đến chuyện yêu mà không được cưới, rồi thì vô sinh, rồi thì chấp nhận mang thai hộ, rồi thì lên cơn đau tim, rồi đột quỵ.
Tim đàn bà không khỏe như bề ngoài của chị đâu.
Đến khi người đàn ông lạ cùng người đàn bà lạ vào buồng, ẵm thằng nhỏ con chị lên… Tý dùng dằng giữ lại.
Tía trừng mắt la, “con của người ta, chị bây chỉ là cái máy đẻ…” Tý thần người buông tay.
Trời ơi! Đàn bà… thì ra người ta coi là cái máy đẻ.
***
Chiều sông nhạt nhòa. Tý nắm chặt chị trong tay, rồi mở dần đón gió.
Chị bay vào gió, về phía miền ký ức xa xa.
Lúc mới sinh, đứa bé nào cũng quơ tay, như muốn nắm chặt cả “tham sân si ái ố” của đời. Để rồi nằm xuống, bàn tay buông thõng, chợt nhận ra sau một kiếp vãn sinh, thứ có được chỉ là hư vô, diệu vợi.
Tý hét lên trong gió.
“Tía, má! Chị về luôn rồi nha…”
Chiều đó, lòng sông đỏ quạch một màu tang…
Nguyễn Ngọc Thạch