Đã lâu rồi chưa xảy ra chuyện ghê gớm đến vậy. Và câu chuyện còn được nhắc lại rất lâu như để chứng minh thêm sự thâm u của vùng đất này.
***
Sâu trong đồng ruộng mênh mông, đất miền Tây cò bay thẳng cánh, lúc mạ mới lên thì xanh ngút ngát tầm mắt nhìn chẳng thấy đường chân trời. Đất ruộng nhiều, dân cư thì thưa thớt. Xóm nào đông nhất cũng chỉ có khoảng hai mươi nóc nhà. Người sống thì ít hơn người chết. Họ nằm rải rác khắp nơi, không mồ mả, lạnh lẽo trong đất những dìa xâm sấp nước, những gò hoang tối tối đầy đốm lửa, lửa ma trơi.
Cũng phải, vùng này từ xa xưa đã chiến tranh giặc giã, xương người lúc cày ruộng vẩn thường bật lên. Dân cũng làm ngơ, coi như là xương con này con kia, cho đỡ sợ. Ngay cả ông Mười lúc cùng nhân công móc đất đắp nền cũng moi được từng khúc, từng khúc xương vùi trong bùn lạnh. Thấy họ sợ, ông cười bảo là xương trâu. Tụi len trâu lùa cả bầy trăm con đi ngang qua, chết rùi bỏ xác luôn là chuyện thường, riết rồi đi đâu cũng gặp xương. Nói vậy, nhưng đợi họ về hết, ông cẩn thận gom lại bỏ vào một cái hủ sành, khi xong việc đắp nền thì hủ sành cũng gần đầy, ông mang qua nghĩa địa cạnh nhà đào hố chôn, đắp mô đất nhỏ, đặt bát hương, ông khấn vái:
– Tôi là người từ xứ khác đến đây cư ngụ. Nay vô tình động đến tiền nhân và các anh em nghĩa sĩ. Từ nay tôi sẽ hương khói nơi này, mong các bậc tiền nhân và hương hồn anh em phù hộ.
Ông nhìn xung quanh, vùng đất hoang vu này là nơi ông gắn bó quãng đời còn lại.
Chuyện về cái hủ xương ông không dám nói cho bà nghe vì bà vốn sợ ma. Cứ đến tối là bà ở miết trong nhà. Nhưng một hôm, đang giữa trưa nắng gắt thì bà Mười nghe tiếng người ồn ào huyên náo. Đang nằm ngủ trưa trên võng, bà bật dậy ngó ra. Hai người đàn ông đang khiên một người đàn ông nữa ngó xanh lè, bợt bạt, mềm nhũn vào. Còn người đàn bà bên cạnh thì vừa đi vừa khóc tức tưởi. Đang mắt nhắm mắt mở bà định thần lại một lúc mới nhận ra là người quen hết. Họ là người trong xóm, và người đàn bà kia là thím Thân, thường hay bán cá cho bà.
Lúc này ông Mười đã từ trong nhà bước ra. Quát hai người đàn ông khiên người bệnh lên phản rồi ông lao đến dùng chiếc đũa nạy miệng anh ta ra.
– Nhanh lên giữ tay chân nó lại không nó cắn lưỡi. Bà vào nhà lấy cho tôi cái hũ màu xanh. Nhanh không chết người bây giờ.
Lúc này người bệnh co quắp tay chân. Mắt long lên trắng dã. Miệng xùi bọt mép. Răng nghiến kèn kẹt. Ngó chừng nguy kịch đến nơi. Ông Mười mồ hôi nhể nhại, dùng tay trái ấn huyệt trên trán, tay phải nhét chiếc đũa vào giữa hàm răng. Cầm cái hũ vợ đưa đổ vào miệng cái chất lỏng có mùi hăng hắc, đổ trào ra ngoài. Chừng một lát thân thể anh ta dần mềm lại, hơi thở đều hòa hơn ông mới rút chiếc đũa ra. Vuốt mồ hôi lên trán ông quát thím Thân:
– Mày còn ngồi đó mà khóc. Vô nhà kêu bả lấy thau nước ấm ra tao pha thuốc lau mình xoa bóp cho nó nè. Nó đã chết đâu mà khóc.
– Khỏe rồi hả chú Mười? Người đàn ông lực lưỡng có vết sẹo dài trên vai hỏi.
– Chưa đâu, chỉ qua cơn nguy hiểm thôi. Chưa chết là may, trể tý nữa là khỏi cứu. Mà sao để nó tới hồi này mới đưa tới?
Không đợi hai người trả lời, ông cầm cái khăn vợ đưa lau mặt rồi ngoắc :
– Hai đứa qua đây uống trà. Để vợ nó lo lau mình, xoa bóp cho nó. Bà phụ con nhỏ đi. Ông nói với vợ, lấy thuốc trong hũ pha nước ấm xoa ngực, lát tôi đưa vài thang thuốc về sắc.
Hai người đàn ông cầm chun trà uống một hơn cạn sạch. Nhìn họ có cái vẻ lực điền, công việc nặng nhọc và nắng mưa tôi luyện nên những người đàn ông vạm vỡ.
– Sao nó bị vậy? Trước giờ tao có nghe nói nó bệnh hoạn gì đâu? Sao tự dưng lên cơn kinh phong bất tử vậy? Ông Mười hỏi.
– Chú nói nó bị kinh phong hả?
– Ừ, thì gọi nôm na là vậy, là do yếu trong người nên bị trúng gió, rồi co giật…
– Nó bị ma nhập đó chú Mười! Người đàn ông có nốt ruồi trên má nói.
– Bậy mày! Ma quỷ gì…
– Thiệt mà. Chứ chú biết tụi tui tìm được nó ở đâu không? Trên gò bà Chín đó. Giọng anh ta run run. Giữa trưa nó lên đó làm gì?
– Lúc nhìn thấy nó là nó đang ngồi gục đầu nói lảm nhảm trên gò đó, kêu nó không xuống. Nhìn hai mắt nó trắng dại hết rồi. Lúc tụi tui mang nó xuống mà thấy lạnh hết cả sống lưng. Chỉ sợ cũng bị nhập nữa thì khổ.
Ông Mười yên lặng cầm chun trà nhấp từ ngụm nhỏ hướng mắt nhìn ra cánh đồng xa xăm. Màn đêm buông xuống, râm ran chỉ có tiếng côn trùng giun dế, gió lùa lá cây xào xạc như hòa vào sự cô tịch của đêm. Ông biết sau hàng cây cuối vườn nhà ông là cả một khoảng không mênh mông, nơi đó giờ đây chỉ có gió mang hơi lạnh lẽo thổi qua cánh đồng mạ non và những gò hoang mồ mả hiu quạnh, những lùm cây rậm rạp thấp thoáng đốm lửa. Khi đến xứ này, ông đã nghe nhiều chuyện mà ông cho là hoang đường. Là một người học hành tử tế, ông không tin lắm. Nhưng sống đến tuổi này, sau khi trải qua nhiều thăng trầm cuộc đời có những chuyện mà thật tâm ông phải bán tín bán nghi, giống như câu chuyện về cái gò thiêng. Lắng tai nghe tiếng bà Mười thở nhẹ nhàng trong buồng. Ông trầm ngâm nhớ lại câu chuyện dân ở đây thường kể lúc rảnh rang.
Ngày đó, có hai mẹ con lưu lạc đến xứ này. Người mẹ nhìn không thể đoán được tuổi vì những nếp nhăn chằng chịt trên khuông mặt sạm đen. Một chân bà bị thọt nhưng dáng vẻ rất nhanh nhẹn. Cô con gái khoảng mười bảy, mười tám, có đôi gò má hồng và mái tóc đen dài. Họ đến từ một chiếc xuồng cũ, bà mẹ cầm dầm lái chiếc xuồng tấp vào cuối bến sông. Trời chạng vạng tối, dòng sông bắt đầu đổi màu, gió chiều len qua từng làn áo người lành lạnh. Mọi người ngó ra, rồi có vài người bước đến hỏi han. Ở đây người còn ít nên mỗi khi có thêm người đến thì ai cũng mừng. Vậy là từ đó cuối xóm có thêm một mái nhà lá nhỏ. Hằng ngày, công việc nhà nông cực khổ bà Chín gánh vác hết, cô con gái ở nhà lo nấu cơm đợi mẹ về ăn. Có thể thấy bà yêu thương cô gái vô cùng. Dù bà mặt bộ đồ rách vá chằng vá đụp nhưng cô gái thì tươm tất trong chiếc áo bà ba lành lặn. Và đáp lại tình yêu của mẹ, cô gái nhỏ lúc nào cũng quẩn quanh chân bà, líu lo như con chim non, làm cho bà vui. Cuộc sống trôi qua tuy vất vả cực nhọc, nhưng đối với họ cũng khá êm đềm. Cô gái càng lớn càng phổng phao xinh đẹp. Cô như bông hoa mới nở đáng lẽ ra không nên có ở cái vùng quê heo hút này. Bà mẹ đã bắt đầu cảm thấy lo lắng khi nhận ra ánh mắt khao khát của đám trai làng dành cho cô. Đối với bà, tình yêu bà dành cho cô như bà đang giữ khư khư một báu vật, chỉ sợ làm mất, chỉ sợ cô bị vấy bẩn. Cuộc đời bà đã quá nhiều cực khổ, xem như hoang phế từ lâu. Giờ đây cuộc sống của bà là dành cho cô.
Vậy mà cuộc sống sao quá tàn nhẫn với bà khi đang tâm cướp đi mất nguồn sống duy nhất, là biết bao nhiêu hy vọng mà bà ấp ủ nâng niu, ánh sáng cuộc đời bà. Vào một buổi chiều mùa lũ, mọi người nghe thấy tiếng kêu thất thanh của bà Chín phát ra từ căn chòi nhỏ. Khi chạy đến, họ nhìn thấy bà đang kêu gào tên con gái. Con bà đâu? Mọi người hỏi nhau nhưng chẳng ai biết. Căn nhà nhỏ trống toác, tro bếp nguội lạnh, xung quanh mênh mông là nước, cô gái có thể đi đâu? Mọi người chia nhau đi tìm, họ gọi tên cô gái vang cả cánh đồng đang ngập chìm trong nước lũ. Đến tối lần lượt từng chiếc xuồng trở về trong sự thất vọng. Bà Chín như phát điên. Bà hỏi mọi người có thấy con bà đâu, trước đến giờ cô gái chỉ quanh quẩn quanh nhà chỉ khi đi cùng bà cô mới ra khỏi căn chòi nhỏ. Bà chỉ vừa đi một lát thôi, khi ngoái lại bà còn nhìn thấy con gái đứng trông theo. Vậy mà khi trở về, bà gọi chẳng thấy ai thưa dạ, tìm khắp nơi cũng chẳng thấy. Cô đã đi đâu, đã xảy ra chuyện gì? Mọi người nhìn nhau lắc đầu, chẳng có lẽ cô gái trượt chân chết đuối? Không thể nào, vì nước xung quanh nhà chỉ mới lên đến ngang ngực người. Cô cũng không có cách nào đi xa được vì bà Chín đã lấy chiếc xuồng duy nhất đi rồi. Đêm càng khuya, khi chiếc xuồng cuối cùng trở về, họ nói là họ đã đi tìm rất xa, rất sâu trong bưng mà vẩn không tìm được. Mọi người đành quay về, ngày mai họ sẽ tiếp tục đi tìm. Bà Chín gào khóc tên con. Rồi bà bật dậy đòi đi tìm con. Mọi người phải cắt cử người trông coi bà, vì đêm xuống, ngoài đồng sâu mênh mông nước, tối đen, không nhìn rõ mặt người. Vậy mà nữa đêm mọi người không thấy bà Chín đâu nữa, bà mẹ tội nghiệp đã bỏ đi tìm con lúc nào không hay, giữa màn đêm mịt mùng, từng cơn gió thổi hơi lạnh lẽo, bà như muốn xé toạc màn đêm ra tìm. Tiếng bà khàn đi vì gọi con chỉ còn thanh âm của tiếng lòng bà đang nức nở. Con ơi! Con ở đâu. Đến gần sáng, khi trời đất còn tờ mờ thì mọi người lo lắng đi tìm thì họ nghe tiếng kêu, không, không phải là tiếng người nữa mà là tiếng một con thú bị thương, tiếng gào lên não nùng đau đớn đó vẫn còn ám ảnh trong ký ức nhiều người rất lâu, đó là tiếng bà Chín. Không biết bằng cách nào, có lẽ là nhờ linh cảm của người mẹ, mà bà đã tìm được con gái giữa đồng nước mênh mông, mọi người vội vàng theo tiếng bà tìm đến. Nơi gò đất nổi lên giữa đồng như một ốc đảo là môt cảnh tượng thương tâm, bà Chín ôm chặt cô gái giờ chỉ còn là một cái xác không hồn.
Khó khăn lắm người ta mới kéo bà Chín ra khỏi con mình, bà cứ như con thú dữ, không cho ai đến gần xác cô gái, ai động đến là bà cào cấu, mắt bà long lên sòng sọc, hai hàm răng rít lại ken két, giọng bà giờ chỉ còn là tiếng gầm gừ trong cổ họng. Phải đợi đến xế chiều hôm đó, khi bà lả người đi thì mọi người mới giằng xác cô gái ra khỏi lòng bà, trói bà lại đưa về. Rồi họ lo việc chôn cất cô gái, những người phụ nữ thay cho cô bộ quần áo lành lặn vì đồ trên người cô rách bươm, họ không cầm được nước mắt khi nhìn thấy những vết thương trên người cô khi bọc cô trong manh chiếu. Mùa lũ năm đó nước dâng rất cao, vì nước lũ ngày càng dâng cao nên xác cô được chôn ngay ở gò đất đó, vào mùa này tìm được nơi chôn người chết đã là may mắn lắm. Ai cũng xót thương cho cô gái xấu số, họ cắm vài nén nhang rồi ngậm ngùi quay về, đó là một buổi chiều đầy gió chướng.
Cái chết bất ngờ của cô gái chẳng ai giải thích được nguyên do. Từ đó đến nay, ngót nghét hơn hai mươi năm trời. Câu chuyện tưởng chừng như đi vào quên lãng vì xứ này xưa nay người chết bất đắc kỳ tử đã quá nhiều, phần vì rắn rít, phần vì những căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng cái tên gò bà Chín đã trở nên ám ảnh dân xứ này, vì không ai còn nhớ cô gái tên là gì nên họ gọi theo tên bà mẹ và họ có nhắc đến nơi đó cũng bằng cái giọng sợ hãi, từ lâu tuyệt nhiên không dám đi ngang đó, nhất là đám đàn ông. Vì nơi đó lẩn khuất một hồn ma của cô gái chết oan mang nổi oán hận trả thù. Người ta nói, cô con gái bà Chín chết vì bị làm nhục bởi một kẻ trong vùng, nên bất cứ đàn ông nào đi ngang qua đều bị cô giật chết tươi.
Gió vẩn lùa qua hàng cây xào xạc mang hơi lạnh của đêm, chợt ông Mười thấy ớn lạnh dọc sống lưng, không biết là vì gió hay vì câu chuyện xa xưa nhưng hình ảnh thằng Thân lúc trưa cứ bám riết lấy tâm trí ông.
Hôm sau, ông thả bộ ra thăm ruộng, cánh đồng mạ non mơn mởn trải rộng, mát rượi cả mắt hứa hẹn một mùa bội thu. Ông Mười khoan khoái hít một hơi rồi ngồi xuống bờ đê vấn điếu thuốc. Chợt ông thấy xa xa có bóng một ông già búi tóc củ tỏi, râu dài đang lom khom bên mé ruộng. Ông Mười nhướn người kêu to:
– Ông Năm ơi! Qua đây ngồi hút điếu thuốc chơi.
Ông già ngẩng đầu lên nheo mắt nhìn, rồi cười, giọng ông sang sảng:
– Thằng Mười đó hả? Sao nay thăm ruộng sớm vậy?
Ông Năm đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng trông ánh mắt thần thái còn rất nhanh nhẹn tinh anh. Ông mặc phong phanh một chiếc áo bà ba để lộ bộ ngực rắn chắc, trên ngực có xăm một chữ Nôm bằng mực Tàu, sải bước nhanh trên bờ đê ngập nghềnh. Bập bập điếu thuốc rê ông cất tiếng cười sảng khoái.
– Năm nay trúng mùa đó mày, lúa tốt quá. À mà hôm qua nghe nói thằng Thân bị gì hả? Vợ nó đem lại mày trị phải hôn?
– Dạ!
– Nó bị gì vậy? Khỏe chưa? Cái thằng coi khỏe vậy mà…
– Con cho mấy thang thuốc về sắc rồi ông Năm, cũng đỡ rồi, à mà…ông Mười ngập ngừng…nghe mấy người trong xóm nói là nó bị bà Chín giật.
– Bậy bạ! Ông Năm quát to làm ông giật nảy người. Ma cỏ gì? Tao ở đây từ xưa đến nay mà có thấy gì đâu. Toàn đồn đãi bậy bạ.
– Con nghe nói nhiều người gặp lắm rồi. Ông Mười hỏi dò, ông đang muốn biết rõ hơn về câu chuyện xa xưa, dù những người biết câu chuyện xưa đó chẳng còn mấy nữa. Ông hy vọng ông Năm sẽ biết nhiều hơn những gì mà ông nghe kể. Nhưng ông nhanh chóng thất vọng, ông Năm vội vàng đứng dậy bỏ đi sau khi buông một câu nhẹ tênh:
– Tao không tin có ma, gặp tao mới tin.
Rồi ông bỏ đi để lại ông Mười với những câu hỏi trong lòng. Nguyên do cô gái chết, và bà Chín sau đó ra sao?
Câu trả lời ông Mười còn chưa tìm được thì lại có những chuyện khủng khiếp xảy ra ngay sau buổi chiều hôm đó.Tối mười bốn trăng non chênh chếch nhô lên sau bờ tre, ánh trăng thượng huyền mang vẻ mơ màng trải thứ ánh sáng dìu dịu trên xóm làng yên ắng. Tầm giờ này chẳng còn ai ra khỏi nhà, văng vẳng trong đêm chỉ có tiếng chó sủa. Ông Năm lững thững đi về nhà sau cuộc nhậu trong xóm, ông uống khá nhiều nên thấy bước chân mình chuếch choáng. Từ khi vợ mất ông thường say, phần vì cuộc sống cô quạnh, phần vì đến cái tuổi này thì ông thường nhớ lại những chuyện xưa, ông cần men rượu để đưa vào giấc ngủ. Ông nấc lên, hơi rượu nồng nặc, bước chân ông dừng lại, trước mặt ông chợt lờ mờ hiện lên một màn khói mỏng mờ đục. Ông Năm cố gắng đưa tay lên dụi mắt, có lẽ rượu khiến đôi mắt già kèm nhèm không nhìn rõ chăng? Vành tay ông chợt lạnh buốt, hơi lạnh chạy dọc sống lưng khiến người ông như tê dại. Không biết bằng cách nào ông đang đứng trước cái nơi đáng sợ nhất vùng này, gò bà Chín. Ông thảng thốt, từ lúc trở lại nơi này, ông chưa từng đến gần đây, đối với ông mọi thứ đã bị chôn vùi từ lúc ông bỏ nơi này ra đi hơn hai mươi năm trước. Bây giờ, ông đã là một ông lão râu tóc bạc phơ mà quá khứ vẩn ám ảnh ông. Trước mặt ông, sau màn sương mỏng lạnh lẽo như từ lòng đất tỏa lên, cái gò đất đen như nhắc ông nhớ lại chuyện xưa. Từ cái ngày hôm đó, đến nay ông chưa từng có một đêm ngon giấc, cứ nhắm mắt lại là nghe tiếng khóc và nhất là đôi mắt đó cứ bám riết lấy ông, đôi khi đang mơ màng chìm vào giấc ngủ ông giật mình vì tiếng thét gào ai oán văng vẳng trong đêm. Đôi chân ông run rẩy khụy xuống, hai tay đưa lên bưng lấy mặt. Ông không dám nhìn vào khuôn mặt người con gái đó, khuôn mặt trắng đầy máu tươi, đôi mắt to vằn những tia máu nhìn chòng chọc vào ông hàng đêm, hàng đêm trong suốt bao nhiêu năm. Trong giấc mơ, ông cố sức chạy, chạy thật xa, nhưng tai ông ù đặc vì tiếng gào thét, khi kiệt sức dừng lại, đưa tay lên vuốt mồ môi chảy trên mặt chợt ông tởm lợm vì mùi máu tươi, nhìn lại ông kinh hoảng vì nhận ra tay ông đẩm máu. Hoảng loạn ông giật mình tỉnh giấc, mồ hôi tuôn ra như tắm. Ông bỏ xứ ra đi những tin rằng cuộc đời sẽ thanh thản hơn, nhưng không, đến bây giờ, sau những năm tháng lưu lạc xứ người, sắp gần đất xa trời ông vẩn chưa giũ bỏ được quá khứ tội lỗi. Và khi đối mặt với nơi này, ông biết mình không thể trốn được nữa. Tay vẩn úp vào mặt, ông kêu lên:
– Cô còn theo tôi đến bao giờ? Chuyện ngày xưa là do cô tự chuốc lấy, tôi đâu muốn cô chết như thế, là do cô…
Một tiếng rít vang lên, nghe như tiếng phát ra từ hai hàm răng người nghiến chặt. Chợt ông Năm ngẩn phắt mặt, nhìn trừng trừng lên gò đất, đôi mắt như lồi ra khỏi tròng, máu của ông dường như ngừng chảy trong huyết quản vì nổi kinh hoàng không sao diển tả bằng lời. Trên gò tối, một bóng người hiện ra, lơ lửng trong màng sương ngả màu đỏ, như máu loang. Ông rên lên, lại mùi máu tanh mà ông ngửi thấy bao lần trong giấc mơ, ông nhìn lại, đôi tay ông đầy máu, máu nhỏ từng giọt lên chiếc áo ông đang mặc. Ông định vùng chạy, nhưng chân như chôn chặt xuống đất. Đây là cơn ác mộng cuối cùng của đời ông, cũng là lần ông nhìn thật gần khuôn mặt đó giờ đang gần sát lại, ông cảm thấy cả cái lạnh lẽo của làn da trắng nhợt bê bết máu, đôi mắt mở trừng trừng vằn lên thù hận, đó là đôi mắt mà ông đã không dám nhìn vào buổi chiều hôm đó, khi bỏ cô nằm lại trên gò đất lạnh. Ông nhìn rõ cả vết móng tay ông cào trên da thịt cô gái hằn lên từng lằn đỏ rớm máu, quần áo cô gái rách bươm trong cơn cuồng say của ông. Lúc đó ông chẳng khác nào một con dã thú say mồi. Đến khi cô lả người ngất đi ông mới thả cô ra. Ông rùng mình, từng ngón tay cô gái chạm vào người ông lạnh buốt thấu xương, những ngón tay bật cả móng bám đầy bùn đất khi cô cố cấu víu xuống gò đất để chống chọi, mớ tóc đen dài rối bù xỏa vào mặt ông, trong cổ họng cô gái vang lên những thanh âm nức nở, nửa như rên rỉ nửa như là tiếng uất nghẹn. Cái miệng mím chặt của cô từ từ há ra đầy máu, ông Năm rú lên, trên tay ông là nửa cái lưỡi của cô còn nóng hổi, đỏ máu. Cô gái trong nổi tủi nhục cùng cực lúc đó đã gom hết sức tàn cắn lưỡi tự vẫn. Máu loang dài khóe miệng cô thấm ướt trên đất, ướt tay ông khi ông hoảng loạn nắm lấy cô. Cô chết mà mắt mở trừng trừng như nhìn theo ông vội vã chống xuồng bỏ đi. Đôi mắt đó giờ đang nhìn ông với nổi hận thù ghê gớm. Giây phút cuối đời ông nhận ra, gây ra nợ máu, ông phải trả bằng máu.
Tiếng thét dài xé toạc màn đêm, kéo dài cả khoảng không mênh mông, tiếng thét làm sởn gai óc đánh thức mọi người trong vùng dậy. Cả nhà ông Mười choàng tỉnh, tiếng chó tru từng hồi làm ghê rợn thêm màn đêm. Ông mở hé cửa, nhìn ra ngoài, thứ gì đã gây ra âm thanh khủng khiếp đó? Ai oán như một tiếng khóc than thảm thiết. Ngoài đồng xa, mọi vật ngập chìm trong ánh trăng, trăng đêm nay đỏ tươi như màu máu.
Phải đến ba ngày sau người ta mới tìm ra xác ông Năm ở gò. Con chó của ông cắn được một vạt áo, dẩn mọi người đến chứ cũng chẳng ai muốn vào đó tìm. Họ tập hợp lại rồi đi vào, từ xa họ đã thấy ông ở tư thế quỳ gối đầu gục vào gò đất. Lúc đến gần nhìn thì cái xác khô cứng, co quắp lại, đôi tay bấu vào ngực, nét mặt ông nhăn nhúm đến biến dạng, riêng cặp mắt trắng dã như muốn lồi ra khỏi tròng. Mọi người im lặng, không khí bao trùm sự sợ hãi, không ai dám nói câu nào. Họ tránh ra, nhường cho ông Mười đến gần xem, ông nhìn kỹ, trên khóe miệng ông Năm có một vệt máu khô chảy dài xuống cổ. Ông ngoắc mọi người đến đỡ cái xác nằm xuống nhưng kỳ lạ, thi thể co quắp không thể nào kéo ra cho thẳng. Cái nắng chói chang hay bởi vì tử khí nơi này quá nặng khiến ông Mười thấy hoa mắt ? Ông nhìn vào khuông mặt người chết, ông ta đã nhìn thấy gì? Cái gì đã gây ra cái chết kinh hoàng đến vậy? Ông Mười nhìn xung quanh, đồng không mông quạnh, chợt có tiếng chó sủa, con chó của ông Năm, nó tìm được thứ gì ở bên kia gò. Ông cùng vài người tìm đến thì nhìn thấy một bà già đang nằm thoi thóp. Ông vội vàng đỡ bà ta lên, bà già đang mê man chỉ còn những hơi thở ngắt quãng của người sắp chết đang hấp hối. Thân hình bà khô đét nhỏ choắt như một đứa trẻ, khuôn mặt sạm đen chằng chịt nếp nhăn. Ông Mười lay gọi, thì nghe trong cổ bà có tiếng khò khè, ghé tai vào thì ông nghe giữa những tiếng nấc: ” Nợ máu…phải trả…b..ằng ..m..á.u!” bà cười, cái cười khùng khục ghê rợn trong họng rồi tắc thở. Ông Mười cầm tay bà bắt mạch rồi lắc đầu, trong tay bà rơi ra một vật, ông nhặt lên, đó là mặt của một sợi dây chuyền bằng ngọc xanh khắc hình chữ Nôm, ông nhìn kỹ thấy chữ này rất quen, là chữ khắc trên ngực ông Năm. Ông ngồi thừ người nhìn bà già, chợt ông như người tỉnh cơn mê, ông nhận ra chân bà bị thọt.
Chuyện ông Năm cắn lưỡi chết tươi ở gò bà Chín chẳng mấy chốc lan truyền khắp vùng. Người ta nói về chuyện đó một cách sợ hãi, thì thào với nhau trong những buổi chợ. Cái chết của ông Năm càng làm nổi sợ nơi đó lớn thêm. Đã lâu rồi chưa xảy ra chuyện ghê gớm đến vậy. Và câu chuyện còn được nhắc lại rất lâu như để chứng minh thêm sự thâm u của vùng đất này. Hầu như không ai nhắc đến cái chết của bà già thọt chân. Nỗi ám ảnh về hồn ma ở nơi đó lấn át tất cả.
Nhưng ông Mười không quên. Hôm liệm ông Năm, ông đặt cái mặt dây chuyền lên cái xác co quắp trước khi đóng nắp quan tài. Vật hoàn chủ cũ. Sau đó đắp cho bà già một nấm mồ nhỏ, không người nào biết bà là ai, từ đâu đến.
Chiều muộn, hoàng hôn đỏ ối phía chân trời. Gió hây hẩy mát rượi, ông Mười buông chum trà đưa tay vuốt mớ tóc mềm của Thu. Cô bé vô tư lật giở chăm chú quyển sách của ông. Chợt bà Mười bước ra than:
– Tôi mới đi trong xóm về. Giờ đi đâu cũng nghe nói đến chuyện ông Năm, ai cũng sợ sẽ có người bị bà giật nữa đó.
Ông Mười không nói gì, trầm ngâm nhìn ra khoảng không mêng mông đang sập tối. Gò bà Chín có ma hay không? Ông không dám chắc. Vì có những chuyện ông nghĩ mãi không ra. Có những chuyện đã vùi chôn dưới nấm mồ. Nhưng ông biết rằng sẽ chẳng ai phải bỏ mạng nơi đó vì oan hồn nữa.