Chiều qua nghe gió thổi ngoài hiên, thì nhớ lại những lần nghe gió thổi trước đó, ở những nơi khác nhau. Xòe bàn tay ra đếm, giật mình, mới nửa đời mà số cơn gió thổi có tới 15 lần khác nhau, do cứ “lang bạt” đến tận nhiều nơi khác nhau. Điểm lại thật sự hết hồn.
***
Nguyễn Ngọc Tư có viết truyện ngắn “Gió thổi suốt đêm”, kể về những người đàn bà, dù ở nhà kính cổng cao tường hay nhà tranh vách đất thì cũng cùng nỗi sầu muộn, lo lắng như nhau. Có khi lo chuyện không đâu, có khi hao tâm tổn trí vì đứa con nhỏ, có khi lại chỉ vì ngủ không được nên suốt đêm nằm nghe gió thổi. Những nỗi lo tủn mủn lặt vặt cũng đủ làm khô héo phận người. Đàn bà.
Đọc xong những cơn gió đó của chị Tư thì cũng bất chợt nhớ cơn gió hay thổi qua nhà mình dạo nọ. Nhà giữa thành phố, ngoại ô, cũng có cây có hoa có trái, vậy nên gió cũng nhiều. Mấy bữa trưa nằm trong căn phòng kín bưng, điều hòa chạy rù rì, nhưng vẫn nghe gió lùa bên ngoài cửa. Gió lúc đầu cũng hiền hiền thổi ầu ơ như ru con, sau thì dữ lên, phần phật và rền rĩ rất đáng sợ. Có cảm giác như nóc nhà bên cạnh sắp bị thổi bay đi rồi còn gió thì vẫn chưa hả dạ. Mấy buổi trưa đó không ngủ được. Một phần vì nghe tiếng gió, một phần cũng vì những lặt vặt tủn mủn. Đàn bà, dù sống ở đâu, thời nào, cảnh tình nào, hình như đều như nhau cả.
Chiều qua nghe gió thổi ngoài hiên, thì nhớ lại những lần nghe gió thổi trước đó, ở những nơi khác nhau. Xòe bàn tay ra đếm, giật mình, mới nửa đời mà số cơn gió thổi có tới 15 lần khác nhau, do cứ “lang bạt” đến tận nhiều nơi khác nhau. Điểm lại thật sự hết hồn.
. Hồi cha má cưới rồi đẻ ra mình, ở nhà bà nội. Nhà sàn vách lá, lũ về ngập cả cái cầu thang bắt lên nhà, rất khoái nhìn người ta ngồi trên sàn thả câu xuống câu cá tại chỗ, gió lồng lộng. Gió khi ấy thổi bề nào nghe cũng đã tai và mát rượi. Cái thời chỉ ăn rồi lang thang đầu đường cuối xóm hay ra đồng mót đậu phộng về luộc cả rổ to, theo cô Hai ngồi trước nhà vừa bán vừa bóc lủm. Gió trên đường thổi bạt mấy sợi tóc mai bết vào trán mà không nghe mệt dù lội bộ cả mấy cây số từ nhà nội xuống tìm chị Hai đang ở bán hàng cho nhà Cậu. Gió khi ấy là gió tuổi thơ còn đủ vui vầy.
. Chuyển về vườn sống với Ngoại khi cha và má hục hặc. Trong vườn nhiều cây trái đếm không xuể nên gió nhà ngoại cũng thanh tao đã đời hơn. Gió thổi bụi chuối gật gù lắc lư cái buồng chuối đang chín vàng có mấy trái bị chim ăn nhìn vui mắt. Gió thổi mấy cây xoài làm quả rụng tủm tủm xuống cái ao sen trước nhà để biết chạy ào ra lấy cây vớt lên khỏi mắc công trèo. Gió thổi cây chùm ruột bên hông nhà lào xào mà chẳng thấy trái nào rớt xuống để mỗi khi mắc ăn leo lên thấy mấy con sâu to tổ bố sợ run en phát rét. Gió thổi mấy cây ổi nghe rào rào tiếng lá va nghe như ai hát trưa hè. Mỗi khi nhà có khách ngoại thường mắc mùng ngoài hàng ba cho anh em nằm, gió thổi muốn tung nóc mùng mà nghe mát lạnh, chẳng chút lo lắng sợ sệt, còn lấy đó làm hứng thú để kể chuyện ma nhát nhau dù trước nhà chi chít mồ mả còn chưa đủ sợ. Gió vườn nhà ngoại là những cơn gió mang mùi trái xoài trái ổi hoa sen mà sau này đi tới đâu cũng nhớ nhưng không tìm lại được.
. Má giận ngoại đi sang xứ khác vác theo đứa con gái lên 7 lên 8 gì chẳng nhớ nổi. Cái nhà lạ hoắc khi ấy ở cũng là nhà sàn lợp tôn kế bên chùa và ngay trước cái ao đầy rau Ngổ. Trước nhà có một vườn cà gió tới mùa quả đỏ cả một góc trời. Gió không len qua nổi cái vườn để vào tận nhà nên lúc nào cũng nghe rúc ríc rúc ríc như người ta đi lén vào vườn hái trộm. Có khi gió thổi từ chùa qua nghe mùi nhang thơm nức mũi làm khóc tỉ tê nhớ tiếng chuông chùa cách nhà ngoại một con đường mòn. Tiếng tụng kinh lẫn vào gió lại càng thanh. Con nhỏ nhỏ xíu suốt ngày thiếu bạn, hết đi tìm cây u du đến lá dừa lá mít để chơi trò cất nhà chòi trước sân. Gió khi ấy có mùi tủi thân, nhớ nhà, nhớ ngoại và cô độc.
. Cuộc đời của má là những chuyến đi rày đây mai đó. Chẳng ở chỗ này được lâu thì đã đến chỗ khác, cũng nhờ vậy mà con nhỏ được má vác theo đi được khắp nơi. Chuyến “lang bạc” ra tận đảo sống cũng chừng hơn một năm nghe mùi gió biển cũng chẳng thể nào quên. Gió ở đó khác xa mùi gió ngọt lành trong khu vườn của ngoại. Gió ở đó có mùi mặn, hăng hăng, mùi tôm cá, mùi con ghẹ, mùi muối quá nồng của thời biển còn thanh sạch. Mấy buổi má gởi cho vào học ở nhà cô giáo gần biển, vừa nghểnh cổ nghe dạy vừa nghe con tắc kè bò trên cây xà ngang kêu lên mấy tiếng tắc-kè, vừa hít mùi gió biển luồn vào nghe mát ở gan bàn chân. Mấy buổi chiều tụ tập đám con nít chạy ra biển tắm đã đời lăn lộn trên bãi cát nghe gió thơm mùi con sò con ghẹ mà mê. Nhà của má cất chồm ra biển nên ngày ngày đêm đêm biển đánh tơi bời vào ghềnh đá nghe ầm ầm rồi mang theo tiếng gió hụ hụ. Nhà sàn vách gỗ nên nằm phía nào cũng có gió trườn vào nghe mát khắp mình mẩy. Có bữa nào bệnh nằm đó thì thôi rồi, lạnh phát run có ém thêm vài cái mền cũng không chạy thoát. Vậy mà mê, không nghe tiếng sóng vỗ vào mấy cây cột chống sàn nhà là nhớ không ngủ được lúc bị và ngoại bắt về ở lại vườn.
. Có cái gió ở Sài Gòn là lạ lùng nhất. Lúc hầm hập, lúc lạnh run, lúc mát đã đời. Sài Gòn cưu mang nhiều mảnh đời từ nhiều vùng quê khác nhau nên gió thổi cũng pha trộn nhiều điệp khúc khác nhau, như chiều lòng người này một chút người kia một ít cho giống các vùng quê, cho người ta đỡ nhớ cơn gió xứ mình. Chỉ có mình đòi hỏi quá, hai chục năm sống ở xứ này, vẫn không thấy cơn gió nào giống gió thổi trong vườn ngoại hay cơn gió nào hao hao cái gió biển hồi nào được hưởng.
Chỉ trong mấy năm mà đi qua mấy vùng đất nên có khi ngồi bần thần muốn ráp lại cho đúng đoạn nào khớp với độ tuổi nào cũng vẫn không thể ghép khít được. Đoạn ký ức trước lại nhớ ra phía sau, đoạn giữa lại thành đoạn đầu, có kể cũng đầu đuôi đứt đoạn không biết chổ nào trước chổ nào sau. Cái đó là buồn nhất. Hình ảnh như phim cũ quá, thiếu mảnh này thừa mảnh kia nên rốt cuộc trăm lần như một, mỗi khi ai hỏi khi đó mấy tuổi đố mà biết để trả lời. Cái này cũng tại má, lôi đi nhiều quá lúc còn nhỏ quá nên uổng quá chẳng nhớ được gì cho ra hồn ra vía.
Chỉ nhớ những cơn gió đi qua đời mình. Lúc buồn tong teo lúc vui vật vã. Mà gió đi qua thì chẳng bao giờ gặp lại.
Mà gió chắc chẳng bao giờ biết cô đơn. Hỏi một câu biết rằng hơi lãng nhách.
Diệu Hạnh