Vào cái ngày sau khi bà mất được ba năm, lòng tôi thắt từng nhịp… Và tâm tưởng tôi bà lại thấy bà về trong mơ với muôn chuyện tuổi thơ chập chờn những cảm xúc lúc xa lúc gần nhưng lại nồng đượm đến mức tôi tưởng mình đang là đứa trẻ của những ngày ấy.
***
Tôi đã lớn và bà đã về với hồn quê, sinh tử lại luân hồi phổ quát điều khiền vạn vật của vũ trụ. Tôi tường như thế nhưng vẫn không khỏi buồn khi bà mãi vắng bóng trong cõi bụi vương chóng tan này. Những lúc như thế tôi thường nghe ca sĩ Ngọc Khuê hát bài “Bà tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến. Bài hát ấy mượn chất đồng dao để gợi nên nỗi ám ảnh trong sự nhớ mong một người bà của làng quê Bắc Bộ. Và cảm xúc đưa tôi đi theo từng nhịp điệu, ca từ, cho tôi nhìn thấu câu chuyện của người nghệ sĩ đã tạo ra và xướng nó lên. Mơ màng đôi mắt, tôi thấy một làng quê nghèo, tĩnh lặng và tràn ngập tình thương. Có hai bà cháu đi trên con đường làng đầy nắng, đầy rơm, nhất nhất quyện vào cái mát dịu của những dòng mương xanh thắm. Tôi nghe lòng thoáng đau khi ngày mất mùa về với “thóc lép” hạt, hoa cà tím tái, vườn cải vàng lông gà, mặt trời như lời mời chào gian manh, đùa nghịch lòng người. Lòng tôi bỗng chua xót vì trong ngày họp chợ, bà “xâu” một quang gánh rau ra chợ bán nhưng chẳng được gì ngoài một gánh mưu sinh nặng trịch sự ế ẩm và đói kém.
Ấy thế những ngày khó khăn cũng trôi qua, người cháu lớn lên với niềm tin đỡ đần bà nhưng ngờ đâu sự trời lại làm đau đôi mắt người cháu với những giọt nước mắt thấu cùng sự mất mát. Bà đã âu yếm dắt cháu đi chơi ngày còn thơ nơi đầu làng, bà cũng vui mừng ra đầu làng đón cháu những khi cháu trở về và ngay lúc này đây cháu lại tiễn bà về với “mây trời” trên con đường làng “quanh co” chữ nghèo, chữ tình của muôn kiếp đời ngày ấy. Với một chữ “đưa” người nhạc sĩ đã dắt ta đi từ một niềm vui bình dị đến với bước đường của muôn vàn sự khắc khoải. Và cơn gió nào đó thốc từng đợt bụi làm mù mịt cả con đường đã tràn đầy hoài niệm, đã xưa nỗi nhớ, đã sâu nỗi thương…
Dòng đời tấp nập lại đuổi tôi chạy vội với những sự thúc giục của tương lai và nỗi nhớ bà tiếp thêm cho tôi sự nồng nhiệt trong mọi việc tôi làm, trong mọi người tôi yêu, trong những sự mà tôi khao khát và dự định thực hiện. Tôi đã bớt khóc vì nhớ bà như xưa. Tôi bắt đầu chiêm nghiệm những lời bà đã dạy và mỉm cười vì bà không bao giờ mất đi nữa. Nhưng trong những phút yếu lòng, tôi lại khóc vì nhớ bà như thuở trước. Kì thực tôi vẫn chưa đủ lớn để thôi trẻ con khi nghĩ về bà… Nhưng tôi không hoàn toàn là đứa trẻ quá ngây thơ và hay nũng nịu khi bà còn sống. Phải chăng việc bà mất đi cũng là một bài học của tạo hóa dạy tôi lớn khôn với những trọng trách, sự kế nhiệm thế hệ trong tương lai và để tôi biết rằng cái chết là một phép màu hồi sinh tâm thức những người đang sống…
Tôi lại nói về một người bạn đại học của tôi trong nỗi ganh tị khi nó vẫn còn bà nội. Nó là con gái, hơn tôi hai tuổi nhưng học chung lớp với tôi. Do có cùng cái tính mềm mại trong suy nghĩ, lại cùng thích hát, diễn kịch và viết lách nên hai đứa thân lại càng thêm thân. Tối hôm đó, một tối của ba tháng sau ngày bà tôi mất, nó đăng hình ngày còn bé của nó và bà mình lên Facebook. Tôi ngậm ngùi đọc cảm nghĩ của nó về bức ảnh và thấy lòng thèm khát vòng tay ôm ấp áp cùng nụ cười hiền từ của bà. Thế nhưng tôi không khóc mà chỉ thấy cực kì nao lòng và hồi tưởng về ngày thơ… Và tôi đã bình luận như thế này: “Ghét mày lắm vì bà tao mất rồi, mọi chuyện về bà tao cũng vì đấy mà chỉ còn là những hoài niệm tuổi thơ đầy xúc cảm”. Nó trả lời ngay, ngắn gọn nhưng chân thành: “Tao cảm động quá!”.
Đêm đó, tôi nằm mơ… Nắng, cứ trong veo trong đáy mắt. Trên con đường làng nắng bị nhuộm đỏ, bà tôi lưng còng với gánh rau ế chưa bán hết thì chợ đã tan. Gió cuốn cát bay, liêu xiêu dáng bà với những giọt nhọc nhằn tuôn ướt cả một đời lam lũ. Quà bánh bà cho, câu chuyện bà kể, lớn dần theo năm tháng. Tôi thấy nhớ tuổi thơ thầm lặng với dáng bà về héo hắt cả đường xưa.
Tôi còn nhớ đương đêm hôm đó tôi thèm kẹo chocolate Nhật vì một đứa bạn vừa khoe việc ba nó vừa đi công tác Nhật về mua cho nó nhiều quá lắm, nó còn nói kẹo chocolate Nhật ngon nhưng nó không dám ăn nhiều vì sợ phì ra dù kẹo không ngọt mấy. Thế là ngay khi vừa chìm vào giấc ngủ, tôi liền mơ thấy bà với đầy quà bánh với cái vị ngọt thổn thức của quê hương. Tôi đã đi xa với những thèm khát xa xỉ… Giờ đây tôi chỉ thèm mỗi thức quà bà cho, kẹo kia có ngon mấy mà không có hồn quê với tuổi thơ thì cũng chỉ là “miếng tồi tàn”. Và khi tỉnh dậy tôi mới nhớ ra rằng còn khoảng độ hơn một tuần nữa đến giỗ của bà. Dù đã mất đi nhưng bà vẫn dành tình thương bao la cho tôi. Bà gọi tôi về vì nhớ tôi. Bà cho tôi ăn vì bà muốn tôi được khỏe mạnh và sáng suốt hơn. Tôi thấy lòng ấm áp khi nhìn vào đôi mắt sáng như ánh đèn đom đóm của bà, mắt tôi vui thấy rõ khi bà dúi vào tay tôi bao nhiêu quà bánh để bù cho sự thiếu thốn ngày còn thơ của tôi. Ấy vậy tôi đã no một bụng đạo lý và tình thương…
Ngày mai, nắng vẫn đi trên con đường quê xanh màu kí ức, gió lại vuốt ve dòng sông và tâm hồn tuổi thơ với những khoảng trắng vắng lặng. Nhìn lại khoảng thời gian đã xa, tôi chợt buồn và nhớ mong… Ai sẽ cho tôi một “vé đi tuổi thơ” để yêu thêm ngày còn bé bên bà tôi hiền từ…
Gió cứ cuốn… Mây cứ trôi… Đường làng cong cong đôi quanh gánh ế không. Bà tôi về trong kí ức nhọc nhằn. Tôi đứng đó… Buồn và hối tiếc… Tôi chưa bao giờ làm bà vui…
Tôi thi hát trượt nhưng tôi đã hát bài “Bà tôi” bằng tất cả lòng mình. Tôi cũng đã đỗ đại học nguyện vọng một trong khi bà đang đương đau với cơn bệnh lúc xế chiều. Và tôi đã kể cho bà nghe như thế và bà đã cười… Một nụ cười mà tôi cứ nhìn thấy nó mỗi khi tôi cố gắng làm bất cứ chuyện gì…
Hứa với bà bằng tất cả tâm tình của con, con sẽ tiếp tục ước mơ dù vẫn còn lắm gian khó. Bà hãy an tâm ở chốn bồng lai, con sẽ lo liệu được an ổn phần mình… Hai mươi tuổi và vì con có bà, con đã lớn và cứng cỏi hơn bao giờ hết.
Hải Ngọc