Đối với một số người, quá khứ chỉ là những kỉ niệm, những kí ức thoang thoảng đâu đó, lâu lâu lại ùa về, nhắc đến thì nhớ. Nhưng với tôi đó lại là một nổi ám ảnh, một phần cuộc sống, một phần con người mà dù đã cố vùng vẫy, đã cố rủ bỏ nhưng tôi chẳng thể nào dứt ra được.
***
Khi tôi 5 tuổi, tôi nghĩ mình có thể hô mưa gọi gió. Nó chính xác theo đúng nghĩa đen, tôi có thể đứng cả nửa giờ ngoài mưa chỉ để ngẩng mặt lên thầm ra lệnh cho ông trời ngừng mưa
Năm tôi 6 tuổi, tôi xách chiếc túi vải, bên trong đựng ít quần áo về ở với cha, tôi khóc như mưa và cảm thấy bất lực, tủi thân.
Tôi còn nhớ, những ngày về ở với cha và anh, chị. Tôi đã thấy mình lạc lõng đến mức nào. Cha tôi là một người phong kiến và tình cảm trong ông cũng chẳng dư giả với tôi là bao. Hằng ngày đều là cuộc chiến khốc liệt, cuộc chiến với cha tôi – ông toàn hỏi tôi ” Mày có muốn về ở với mẹ không? Cứ trả lời thành thật, nếu muốn tao cho mày về” bởi ông sợ công nuôi tôi thành công dã tràng, với tôi đó là niềm khao khát, đương nhiên, bao nhiêu ngày tôi sống cùng ông cũng là bấy nhiêu ngày tôi trả lời là có, ông liền mím môi, nghiêm mặt lại. Tôi sợ ông. Tôi đã thấy mình ngu ngốc chừng nào, nhưng tôi mãi cứ hi vọng, tôi sợ có một ngày nếu tôi trả lời khác đi, tôi sẽ bỏ lỡ mất cơ hội cuối cùng được sống bên mẹ. Cuộc chiến với cha tôi là cuộc chiến tinh thần của sự dũng cảm và hèn nhát, còn cuộc chiến với những người anh, chị khác mẹ với tôi là cuộc đấu tranh chống lừa dối, bôi nhọ, hạch sách, ẩu đả và xâm hại. Có lần, tôi đã ngây thơ tin rằng, họ sẽ dẫn tôi về với mẹ, và bảo tôi hãy trốn dưới gốc cây sau nhà. Tôi ôm cái túi vải của mình ra gốc cây trong cơn mưa tầm tả, trong niềm hân hoan, tôi mường tượng đến cái ôm của mẹ, niềm hạnh phúc của mẹ khi được gặp tôi. Tôi đã đợi, đợi đến lúc mưa chẳng thèm rơi, đến khi tôi lạnh cóng, tê cứng mà chẳng thấy bóng dáng một ai. Tôi mới cay đắng nhận ra rằng, tôi là đứa không nhà, tôi lùi lũi trở vào trước những nụ cười châm biếm, cười cợt. Tôi quá nhỏ để biết được đó là trò đùa. Tôi không thích mưa nữa.
Tất nhiên đa số đều là những trò trẻ con, còn lại tôi chẳng biết nói với ai, tôi chỉ biết câm nín. Vì thế một đứa trẻ như tôi lúc bấy giờ cảm giác phải một mình chống chọi với cả thế giới rất khó khăn, tôi đã tổn thương rồi lì lợm rất nhiều. Tôi nhớ mẹ, nhớ mọi thứ trước kia và những lúc như thế tôi thường lên đồi, trèo lên cây thật cao ngồi ngắm cánh rừng xa tắp, lần đầu tiên tôi hiểu cái nhìn xa xăm của mẹ. Tôi không còn trách mẹ đã không giữ tôi lại.
Năm tôi 7 tuổi, tôi xách chiếc túi vải đi đi về về giữa hai ngôi nhà, tôi có thể vừa đi vừa hát mặc trong lòng là những tổn thương chất ngất, là đầy ắp những dối lừa, sợ hãi, tôi thấy mình khác những đứa trẻ cùng tuổi. Rồi tôi bất cần.
Vài năm sau, mẹ tôi mất, cha tôi bỏ đi, tôi cô đơn hơn và mặc cảm. Tôi thấy cuộc sống dài đằng đẵng, không biết mình là ai, tôi như mộng du bên cuộc đời mình.
Năm 19 tuổi, tôi đỗ đại học, tôi bất an nhưng là khoảng thời gian tôi thấy hạnh phúc nhất, thế giới quan của tôi như mở rộng không còn chỉ là trẻ mồ côi. Tôi có những người bạn chân thành cho đến bây giờ, tôi thấy mình được yêu thương, được chia sẻ, được giận hờn và được tha thứ.
Sau ngày tôi ra trường, cơm áo gạo tiền là nổi lo thường trực hơn bao giờ hết nhưng tôi không còn khóc vì một sự bất công, vì một lời nói vô tâm của bất kì một người dưng nào nữa, chai lì và vô cảm hơn
29 tuổi, tôi có một công việc tương đối ổn định, tôi có thể vui vẻ tụ tập bạn bè, nói chuyện vui cười, tương lai tôi tươi sáng nhưng tôi chẳng biết yêu, quý trọng một người sao cho đúng, trái tim của tôi mãi đập ở những nốt trầm, tôi vẫn thấy cuộc đời dài đằng đẵng, vẫn cô đơn, vẫn tổn thương. Chỉ muốn yên lặng, khép mình. Tôi có cảm giác mình đã sống đủ hết một kiếp người.
Tôi chỉ hi vọng rằng, cuộc sống này đừng tạo thêm một đứa trẻ nào như tôi, hi vọng tất cả những trẻ nhỏ được sống dưới mái ấm của mình, được vô tư cười đùa, được yêu thương và biết yêu thương.