Suốt hàng trăm năm qua, giới học giả thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới nhất trí rằng sự ghen tỵ là một hiện tượng đặc thù của con người mà trong đó, con người có những suy nghĩ hoặc hành vi gây nên những hệ quả tiêu cực đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chính họ. Về lâu dài, thói ghen tỵ và đố kỵ không chỉ “gặm nhắm” và làm hao mòn con người về mặt thể chất, mà còn có thể hủy hoại mọi mặt cuộc sống của con người nếu không được khắc phục. Các nhà nghiên cứu ngày nay đã và đang phát hiện ra thêm nhiều bằng chứng khoa học chứng minh quan điểm này.
GHEN TỴ LÀ GÌ?
Ghen tỵ là một phản ứng đau khổ của con người mỗi khi đối diện với những sự so sánh xã hội không thuận lợi cho bản thân mình, một “tình trạng mà quyền lợi đáng mơ ước của nhóm người này khiến cho một nhóm người khác có những cảm xúc phản hồi tiêu cực bao gồm sự tự ti, hung hãn, và oán giận,” – định nghĩa sự ghen tỵ trích từ công trình nghiên cứu khoa học “Thấu hiểu hiện tượng ghen tỵ” của giáo sư Richard Smith và giáo sư Sung Hee Kim đăng trên tạp chí Psychology Bulletin năm 2007. “Quyền lợi đáng mơ ước” thường là những mục tiêu vượt ngoài khả năng của nhóm người ghen tỵ, nên những người này có xu hướng đáp trả tình trạng đó bằng những phản ứng tiêu cực dưới nhiều hình thức khác nhau. Bản thân sự ghen tỵ cũng là một cảm xúc có tính chất thù địch. Thái độ thù địch cộng với sự tự ti khiến người ghen tỵ cảm thấy xấu hổ hoặc nhục nhã vì vị trí yếu thế của mình trong xã hội và có xu hướng chống đối.
Sau đây là một vài đặc điểm nhận diện người có thói ghen tỵ và đố kỵ:
- Mỗi khi bạn gặt hái thành công, họ tỏ thái độ không vui và ngay lập tức thay đổi cách đối xử với bạn.
- Họ ngấm ngầm tìm cách hạ bệ uy tín của bạn.
- Họ soi mói những khuyết điểm và lỗi lầm của bạn để từ đó chỉ trích bạn về mọi việc.
- Mỗi khi họ nhận xét hay bình phẩm về những vấn đề nhất định, mọi lời họ thốt ra đều có tính chất mỉa mai hoặc châm biếm.
TÁC HẠI CỦA GHEN TỴ
Trong bài báo “Bản chất của Ghen Tỵ” của mình, Tiến sĩ tâm thần học Natalie Reiss viết về thói ghen tỵ và đố kỵ như sau: “Sự ghen tỵ hủy hoại kẻ ghen tỵ lẫn người bị đố kỵ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Kẻ ghen tỵ thường xuyên sống trong sự bức bối, đau khổ, thù địch và oán giận vì mình không có những thứ tốt đẹp mà người bị ghen tỵ có được. Bị mờ mắt vì lòng đố kỵ, những kẻ ghen tỵ thường không nhận thức được hoàn cảnh xung quanh mình và nhìn thấy được những ưu điểm của bản thân. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy sự ghen tỵ chính là nguồn cơn của chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, thành kiến tiêu cực và cảm giác bất hạnh.”
Những biểu hiện tiêu cực trên của thói ghen tỵ dần dà hủy hoại các mối quan hệ của kẻ ghen tỵ, cô lập anh ta khỏi những thái độ sống tích cực và những mối quan hệ tốt đẹp. Chẳng ai muốn giao tiếp hay thiết lập quan hệ với những kẻ chỉ suốt ngày ghen tỵ và đố kỵ với người khác bởi bầu không khí tiêu cực mà những người này tạo ra. Kết quả là những kẻ ghen tỵ thường không có mối quan hệ tốt với gia đình, người thân và có rất ít bạn; càng không có ai đủ thân thiết để sẵn sàng giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. “Điều tệ hại là nếu may mắn được giúp đỡ hay hỗ trợ, kẻ ghen tỵ chẳng những không biết ơn những người giang tay giúp đỡ mình mà còn có thái độ thù địch với họ, đồng thời khước từ sự giúp đỡ,” – Tiến sĩ Reiss nhận định.
KHẮC PHỤC SỰ GHEN TỴ
Bước đầu tiên quan trọng nhất để khắc phục thói ghen tỵ chính là thừa nhận nó. Đây là điều không đơn giản, bởi ghen tỵ là một cảm xúc tự nhiên của con người nhưng lại có tính chất tiêu cực và không được chấp nhận trong mọi giao dịch và hoạt động nghiêm túc của xã hội, nên phần lớn chúng ta có xu hướng phủ nhận nó trong cả môi trường công việc lẫn cuộc sống cá nhân. Một khi chúng ta thừa nhận tình trạng hay ghen tỵ của chính mình, chúng ta có thể khắc phục và loại bỏ nó dần dần bằng liệu pháp nhận thức hành vi và các kỹ thuật tự giúp mà mỗi người đều có thể tự thực hiện được cho mình. Nếu những kỹ thuật này không hiệu quả và thói đố kỵ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, hãy tìm gặp chuyên gia tâm lý để được tư vấn.
Sau đây là một vài cách khắc phục thói đố kỵ được đề xuất bởi Tiến sĩ Smith và tiến sĩ Kim:
- Tin vào bản thân và kiên trì: Trong trường hợp này, “kiên trì” nghĩa là chúng ta cần thường xuyên nhìn nhận những suy nghĩ mình đã và đang có và xem xét xem chúng có liên quan đến sự ghen tỵ của mình với người nào đó hay không. Nếu bạn nhận ra rằng chúng là những suy nghĩ có tính chất đố kỵ, hãy tự nhắc nhở bản thân mình rằng việc giữ những suy nghĩ đó trong đầu không những không ích lợi gì cho bản thân mình mà còn gây hại cho cuộc sống của mình. Bạn càng quản lý tốt những cảm xúc của mình và kịp thời điều chỉnh chúng, bạn sẽ dần loại bỏ được thói ghen tỵ.
- Dẹp bỏ những suy nghĩ tiêu cực và tập trung vào những điều tốt đẹp: Mỗi khi bạn nhận thấy mình đang có những suy nghĩ tị nạnh với ai đó, hãy nhanh chóng nhắc nhở bản thân rằng những điều tốt đẹp hay quyền lợi mà người kia đang có không phải là điều gì đó quá to tát giữa thế giới rộng lớn này; thay vào đó, hãy tập trung nghĩ về những điều tích cực và thiết thực trong tầm quản lý của chính mình (một kỷ niệm đẹp, những công việc thú vị bạn sắp hoàn thành,…) hoặc chuyển qua hoạt động khác. Bằng cách định hướng những gì mình nghĩ, bạn sẽ hạn chế được những suy nghĩ tiêu cực và dần hình thành thói quen quản lý tốt cảm xúc của bản thân.
- Yêu thương và chăm sóc bản thân: Tự nhắc nhở bản thân về những ưu điểm và lợi thế của chính mình. Chiến lược này không làm triệt tiêu sự ghen tỵ ngay lập tức, nhưng mang lại lợi ích vô giá lâu dài cho cuộc sống của bạn, giúp bạn cảm thấy yêu đời và hạnh phúc hơn, dễ dàng vượt qua được những cảm xúc tiêu cực mỗi khi chúng xuất hiện – bao gồm sự ghen tỵ.
Cũng theo Tiến sĩ Smith và tiến sĩ Kim, trên đây là những giá trị cần sớm được truyền dạy và định hướng cho trẻ em ngay từ khi các bé còn nhỏ. Mọi đứa trẻ cần phải được học cách tôn trọng người khác, bao gồm cả sự tôn trọng những sự khác biệt xung quanh mình, và hạn chế so sánh mình với người khác. Khi những đứa trẻ được người lớn giáo dục và định hướng đúng đắn, chúng sẽ không dễ tự ái, không để bụng những suy nghĩ hẹp hòi hoặc đố kỵ với người khác; từ đó, các em dễ dàng sống hòa đồng với mọi người, dễ gặt hái thành công và hạnh phúc trong cuộc sống hơn.
Nguồn: Ths. Phan Nguyễn Khánh Đan