1. Tôi đang ngồi ở Toilet. Đó là một quán bar. Khi đỗ xe, cậu bảo vệ hỏi: “Anh chị vào Toilet ạ?”. Em bụm miệng cười. Suy cho cùng vào Toilet là điều hết sức tự nhiên, có gì đáng phải cười? Nếu phải nghĩ một slogan cho quán Bar này, có thể lấy câu: Nơi tất cả mọi người hàng ngày phải đến. Nhưng suy cho cùng, Toalet cần gì slogan?
***
Nội thất của quán được nhấn bởi những chậu tiểu treo trên tường, quầy bar là một cái bồn tắm và chỗ của DJ có hình một cái xí bệt. Những cuộn giấy vệ sinh được treo khắp nơi. Tôi bỗng nhớ câu nói ai đó viết lên tường trong ký túc xá sinh viên: “Toilet là nơi duy nhất ta được là chính mình”.
Em lấy máy điện thoại ra nhắn tin rủ bạn: “Len Toilet đi” và cười thích chí khi bạn hỏi lại: “Toilet nao???”. “Bar Toilet o 198 Tran Nhat Duat”…
Em bảo: “Rủ bạn em lên cho vui, có hai anh em mình buồn lắm”. Tôi bỗng nhớ lý do khiến tôi bẵng đi một thời gian dài không gọi điện cho em – vì em kêu buồn mỗi khi đi với tôi. Thế hệ 8x là vậy đấy, tàn nhẫn như mưa nhiệt đới.
Trong tiếng nhạc ầm ầm, mỗi khi nói gì phải ghé sát vào nhau, có cái gì thầm kín, thân mật.
Em kể về một anh bạn, bị vợ bỏ. Đàn ông thế hệ 7x bây giờ kể xấu vợ thành thần, đồng thời khoe khoang là mình chiều chuộng vợ từng ly từng tý thế nào và không quên than thở về nỗi cô đơn không người chia sẻ.
Em chép miệng: “Tội cho anh ấy quá, người giỏi như thế mà phải khổ”.
Tôi cười chẳng biết nói gì. Nhớ lại 3 chiêu thức tán gái: tán gái kiểu sư tử – để gái theo và cung phụng, tán gái kiểu voi – lao tâm khổ tứ, tán gái kiểu chuột -luôn tỏ vẻ tội nghiệp để gái rủ lòng thương. Chẳng lẽ bây giờ mình lại xoay ra tán gái kiểu chuột?
2.
Tôi đang ngồi ở Toilet. Bạn tôi bảo đây là quán bar của học sinh, sinh viên. Có lẽ trong quán này anh là người già nhất. Anh đã cố xắn tay áo sơ mi lên mà vẫn có vẻ nghiêm túc như một cán bộ phòng thuế. Ở Toalet mọi người toàn mặc áo phông, hoặc ít nhất là sơ mi hoa.
Tôi cũng không hiểu tại sao lâu lắm rồi mới thấy gọi điện, bảo là muốn mời tôi đi ăn tối. Tôi trả lời ngay: “Vâng, em đang đói đây”. Tôi thấy háo hức như sắp sửa được đi phá kho thóc Nhật. Anh là người tẻ nhạt thứ nhì trên Trái đất này (người tẻ nhạt thứ nhất tôi chưa được gặp) nhưng đi với anh cũng vui vì anh cho tôi chọn đi đâu ăn gì mà tôi muốn, và tôi có thể gọi mấy đứa bạn đến chứng kiến và cùng vui.
Tôi nhắc đến chuyện Công ty anh đang tuyển người, anh bảo: “Được thôi nhưng làm việc nhận lương mỗi tháng hai triệu chán chết. Mà trong Công ty bọn anh muốn làm nghiêm túc”. Công nhận là buồn cười, kể ra hai triệu một tháng chẳng đủ cho tôi trả tiền điện thoại và tiêu vặt nhưng ở nhà tiêu tiền mẹ cho lâu lâu cũng buồn. Anh bảo đi làm chán chết nhưng lại đề nghị tôi làm một việc chán chết hơn là viết văn. Viết để kể về chính tôi, về thế hệ tôi, thế hệ 8x. Có gì để kể đây?
Anh hỏi: “Thực sự em muốn làm nghề gì?”. Tôi trả lời đại khái là: “Em muốn làm bác sỹ tư vấn tâm lý”. Anh gật gù tỏ vẻ đồng tình: “Công nhận em biết lắng nghe người khác”. Chứ lại còn không à? Chỉ riêng việc chịu đi chơi với anh và nghe anh nói đã đủ để tôi được cấp bằng bác sỹ tư vấn tâm lý.
Tôi hỏi: “Thực sự anh tâm đắc với quyển sách nào nhất?”. Anh trả lời đầy nghiêm túc về một quyển nào đó có bối cảnh là thời Chiến tranh thế giới thứ II, khi con người cận kề với cái chết, lúc đó chỉ có tình bạn và tình yêu là đáng kể…”Buồn cười nhỉ, thế còn tiền? Chẳng lẽ tiền lại không có giá trị sao?” Tôi chỉ nghĩ vậy mà không nói ra.
Dường như đoán được ý nghĩ của tôi, anh bảo lúc đó lạm phát rất ghê nên tiền không có giá trị mấy. Anh hỏi lại tôi: “Thực sự em tâm đắc với quyển sách nào nhất?”. Tôi định bảo: “Em chưa thấy tâm đắc với quyển nào (vì em đã đọc quyển nào đâu)” nhưng chợt nhớ lời đề nghị khiếm nhã của anh về việc tôi viết sách, tôi bảo: “Quyển sách tâm đắc nhất của em là quyển em sẽ viết ra”.
À tôi nhớ ra rồi , lý do anh rủ tôi đi ăn tối là vì anh vừa đi xa về. Cứ làm như là chuyện đó có can hệ đến tôi nhiều lắm.
3.
Khi đi xa về, khi trở lại cuộc sống thường ngày của mình, người ta thường mong có sự thay đổi, người ta thường mong có gì đó mới mẻ.
Tôi đang ngồi ở Toilet. Trong Bar Toilet, toilet sẽ được gọi là gì? Là Kho vàng. Nghe rất triết. Kho vàng – nơi mỗi người vào đó, để lại những gì vàng ngọc của mình.
Tại sao tôi lại ngồi đây? Có một người hẹn gặp tôi rồi không thấy gọi điện lại và tôi gọi điện cho em. Dù tôi cố tình không trả lời tin nhắn chúc Tết của em, dù gần cả năm không gặp, em vẫn như ngày xưa – nghĩa là vẫn ở Hà Nội và đồng ý đi ăn với tôi.
Ngày xưa, tôi đã bảo là tôi rất thích em, nhưng cũng cố kìm lòng để được thanh thản. Tôi vẫn nghĩ một cách đầy tự tin là để trở nên thân thiết với em là không khó nhưng sau đó dường như tôi sẽ bị bắt làm tù binh, tôi sẽ bị lệ thuộc.
Tôi vẫn nhớ có lần đánh bài với em, em thua hết số tiền em dành để trả tiền điện thoại nhưng tôi vẫn thản nhiên cầm số tiền đó trả tiền nước cho cả hội bạn – để chứng tỏ giữa tôi và em là vô tư, chẳng có chuyện gì…Ngày xưa, tôi và em đã lang thang qua bao quán cafe, mà lòng tôi dửng dưng. Sau chuyến đi xa về có gì khác không?
Tại sao tôi lại ngồi đây? Tại sao tôi gọi cho em? Có gì mà phải nghĩ nhiều đâu?
Trong tiếng nhạc ầm ầm, giữa những người xa lạ, không hiểu sao tôi vẫn có cảm giác yên bình, như ở nhà mình. Tôi nhớ lại nỗi cô đơn khôn xiết khi một mình giữa phố phường xa lạ, những ngôi nhà xa lạ. Mưa – những cơn mưa quen thuộc thế ở nơi khác cũng có gì khang khác…Tôi nhớ những căn phòng đã ở cả tháng mà chẳng hề muốn sắp xếp lại đồ đạc và chẳng nhớ bức tranh trên tường có hình gì. Trong những chuyến đi xa, tôi thường mua rất nhiều sách, chất đống sách trên bàn, như thể để tìm chút hơi ấm.
Không biết em nói thật hay là bộ, em có vẻ cũng quan tâm đến sách. Và em đang luôn miệng hỏi tôi: “Anh thấy ở đây thế nào?…Anh có vui không?…Anh có mệt không?”.
Ở cuối căn phòng dài và hẹp như một toa tàu của Bar Toilet có đặt một bàn bi a. Những gã trai mặc áo may ô, quần bé như mượn của em trễ xuống giữa hông đang thành thạo lùa những viên bi a vào lỗ, và nhân tiện lùa cả những em mặc quần cộc để khoe đôi chân dài miên man đang cầm chai bia đứng xem. Những gã đó là hiện thân cho sự sành điệu?
Mốt bây giờ là mặc những cái quần bé tý, như thể nói với mọi người rằng tôi sẽ không bao giờ lớn. Chúng ta có ai thích trở thành người lớn không? Chẳng ai thích cả nhưng nhiều người không dám nói ra. Có những gã dám nói thẳng ra những điều người ta ngại nói, làm những gì người ta ngại làm – dù chỉ là một biểu hiện nhỏ như mặc một chiếc quần lạ kiểu và vì thế được các em ngắm nhìn với vẻ ngưỡng mộ.
4.
Tôi vẫn ở Hà Nội, dù có dự định đi đâu đó – gần nhất là đi Trung Quốc nhưng tôi vẫn chưa đi đâu. Hàng ngày tôi ngủ dậy muộn, đi ăn sáng, vào mạng Internet lang thang. Và hình như tôi cũng mong có sự thay đổi, mong có gì đó mới mẻ.
Tôi đang ngồi ở Toilet. Hôm nay buồn buồn, tôi muốn uống nhiều và vì thế hay phải vào Kho vàng. Khi đi xuyên qua đám người đang đứng uốn éo theo tiếng nhạc, tôi biết nhiều ánh mắt đang dán vào tôi. Cũng có thể vì thế tôi hay vào Kho vàng.
Tại sao tôi lại ngồi đây? Tôi không ngồi đây thì ngồi đâu. Nếu ngày mai có Bar nào mới mở và là mốt, tôi sẽ lại ngồi đó. Các quán Bar mở ra là để cho người ta ngồi mà. Đi với anh hay đi với ai chuyện đó đâu có quan trọng.
Ngày xưa, anh bảo là anh rất thích tôi. Hình như đấy không phải là một lời tỏ tình. Tôi đã đi với anh qua bao quán cafe, thấy anh thấy anh nửa như muốn gần lại với tôi, nữa như muốn lảng xa ra. Chẳng biết anh muốn gì nữa và chuyện này thật là tẻ nhạt…Tẻ nhạt như thể mỗi ngày của tôi bây giờ và tôi muốn có cái gì đó thật là khác, thật là mãnh liệt…như thể con sóng, cuốn tôi đi.
Tôi muốn cười phá lên. Anh hay nói: “Suy cho cùng…” còn tôi hay nói: “Hình như…”. Kể cũng đúng, tôi còn rất trẻ mà anh như thể đã quá già. Tôi biết anh thích sách và tôi nói chuyện sách với anh. Hình như sách là chỗ dựa của anh nhưng cũng là rào cản của anh. Có những khoảng khắc mệt mỏi buông xuôi, tôi cũng muốn được anh nắm tay dắt đi, được dựa vào anh…Có lẽ anh cũng đoán ra nhưng dường như anh cố tình không biết điều đó.
Anh hỏi: “Sinh nhật em thích được tặng gì?”. Tôi bảo: “Anh thử đoán xem em thích được tặng gì?”. Anh bảo: “Trong sách bảo những người tuổi Thiên Bình như em thích được tặng nước hoa”. Thấy chưa, lại sách. Tôi thích được tặng gì ư? Tôi thích được tặng điện thoại Nokia loại mốt nhất, được tặng máy tính xách tay Vaio, được tặng xe SH, được tặng căn hộ ở đường Nguyễn Chí Thanh…
Nếu nói thích được tặng gì, ai cũng thích như tôi thôi, không cứ tuổi Thiên Bình, tại sao sách không kể những cái đó? Sách của anh sai hay tôi sai đây? Anh là người khá thông minh và chắc anh cũng đoán được những gì tôi thích và ai cũng thích, tại sao anh còn phải hỏi tôi và phải giở sách ra – như thể tất cả chân lý nằm trong đó.
Nhìn bọn con trai đang nhún nhảy điên cuồng hay đang chọc bi a trong Bar Toilet, tôi cười đầy sảng khoái. Tôi soi thấy mình trong đó, soi thấy tuổi trẻ của mình trong đó nhưng không phải là tôi ngưỡng mộ bọn đó. Tôi dẫu sao cũng đã lớn rồi, đôi khi trong Toilet này tôi thấy mình là người già thứ nhì sau anh và tôi biết bọn đó như thể những con thiêu thân, như thể là những ánh đèn chói loà trong đêm rồi tắt, vậy thôi. Anh thì tẻ nhạt như bóng đèn 60W ở khu nhà của tôi, cứ sáng bền bỉ đêm ngày…Thật ra tôi cũng chẳng biết thế nào nữa.
Ai đó bảo: “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt, còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Mẹ tôi thì không cho là như thế và tôi cũng đồng ý với mẹ.
5.
Tôi đang ngồi ở Toilet, nơi có đầy những cô bé con nhà lành cố làm ra vẻ mình là cave và đầy những cô cave cố làm ra vẻ mình là con nhà lành. Tôi rơi vào trạng thái trống rống mãn tính khi một ngày đi qua, lại thấy buồn thê thảm.
Tôi đã ngoài 30 tuổi, đã cảm thấy hơi thở nặng nề của cái gọi là khủng hoảng giữa cuộc đời, khi tôi biết tôi sẽ chẳng thể trở thành Bộ trưởng hay Đại biểu Quốc hội như tôi đã từng hứa với một người. Mà tôi cũng chẳng cần giữ lời hứa bởi người ấy đã chết vì bệnh ung thư. Ước mơ về một tương lai hạnh phúc đã lùi xa? Sự mở đầu rất sáng sủa, hai lần nhận học bổng và tấm bằng tiến sỹ nhưng cuộc sống như thể đã bị đem ra tiêu xài phung phí.
Công việc của tôi như thể là hát xẩm, những ngày của tôi ngày nào cũng giống ngày nào…Những người thân dường như sống trong một thế giới khác, xa lạ với tôi. Tôi thấy nặng nề, tôi muốn nói ra điều gì đó. Có thể tôi sẽ nói với bạn, nói với bác sỹ tư vấn tâm lý, có thể tôi sẽ viết blog.
Tôi có ít bạn, có những người được gọi là bạn chỉ hoàn toàn do thói quen, nhưng người mà ta gọi đến khi muốn có người chơi cùng, ăn cùng, uống cùng – vậy thôi. Tôi chọn cách viết lên mạng. Tôi viết cho mình và chẳng hề có ảo tưởng gì. Vấn đề là làm sao để tất cả mọi người đều vui vẻ. Nếu phải lên án ai và cái gì đó, tôi muốn lên án sự trống rỗng. Có những người chẳng biết làm gì, đi uống bia hay xem bóng đá, để qua ngày đoạn tháng.
Nhân vật của tôi không phải là chính tôi, mà chỉ có một số những tương đồng với tôi về cái nhìn… Có ai đó thấy mình cũng suy nghĩ như tôi về một số vấn đề, có ai đó thấy Bar Toilet là có thật, có ai đó thấy sự nghiệp và tiền bạc đôi khi chẳng mang lại hạnh phúc trên đời.
Chẳng ai viết 100% sự thật. Nhất là khi viết về tình yêu. Khi người ta không yêu, có thể dễ dàng viết về tình yêu. Có một cái gọi là hội chứng sợ tình yêu. Khi không yêu, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Nhưng dẫu sao, tôi cũng mong đợi tình yêu, mong đợi sự dịu dàng, lãng mạn để tôi có thể chìm vào đó, nhẹ nhàng như ngày nào bé được mẹ đắp chăn. Những hồi tưởng đẹp đẽ ở sâu trong tôi, được gọi lên để che lấp những gì tồi tệ của ngày hôm nay…
Có cái gì gọi là tương lai tươi sáng không? Đối với đàn bà mọi chuyện có vẻ dễ dàng hơn: lấy được người mình yêu, tổ chức đám cưới linh đình, tuần trăng mật, chụp nhiều ảnh…
Có thể em cũng đang sống với những ảo tưởng về cuộc sống tươi đẹp trong tương lai, dolce vita với biệt thự, xe ô tô và những biểu hiện khác của cuộc sống giàu sang thấy nhan nhản trên các cuốn phim truyền hình.
22h30, các bạn của em đến. Em giới thiệu là người mẫu. Bây giờ ai chả là người mẫu. Tôi bảo: “Anh cũng là người mẫu”. Mấy cô bé nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên. Tôi bảo: “Anh làm mẫu cho Xưởng phim hoạt hình”.
Mấy cô bé hét lên hỏi nhau: “Hôm nay ngày bao nhiêu, hôm nay thứ mấy”. Bây giờ có mốt tỏ vẻ không biết hôm nay thứ mấy, như thể cả tuần chỉ toàn ngày chủ nhật. Như thể thời gian dừng lại và lúc nào cũng là mùa xuân, lúc nào cũng là glamour – quyến rũ. Bây giờ có mốt cái gì cũng khen quyến rũ quá…Kể cả Bar Toilet này.
Nếu tôi không ngồi đây, giờ này tôi sẽ làm gì? Có lẽ tôi sẽ ngủ. Tất cả chúng ta đều thiếu ngủ, tất cả chúng ta đều vội vàng, mặc dù chẳng nhớ hôm nay là thứ mấy.
6.
Tôi đang ngồi ở Toilet, những gì tôi đã uống làm tôi vui lên một chút, dường như cả ngày hôm nay của đã trôi qua, tẻ nhạt, vô ích và bây giờ mới thực sự là sống. Tôi hoà mình vào đám thanh niên đang lắc lư theo tiếng nhạc, tôi như quên đi tất cả những gì khó chịu trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm và trong đời. Tôi thấy tôi cũng đang như mọi người, bây giờ chỉ còn làm một việc duy nhất là uống và nhảy. Toilet chật cứng, như thể hai người bây giờ chỉ được nhảy bằng một chân.
Tôi mới ngoài 20 tuổi và tất cả đối vơi tôi còn ở phía trước. Nếu chuyện tôi với anh chẳng đi đến đâu thì cũng không hề hấn gì, có thể tôi sẽ gặp được một người khác, giàu hơn, đẹp trai hơn, lịch sự hơn, đỡ tẻ nhạt hơn.
Anh uống rất ít, uống như thể trong anh có một cái cốc chia độ và sự bình thản của anh lúc này giữa đám người đang quay cuồng cũng khiến tôi thấy tẻ nhạt. Dường như anh chẳng bao giờ say và như thế cũng có nghĩa là anh sẽ chẳng bao giờ điên lên vì tôi, chẳng bao giờ hy sinh tất cả vì tôi. Đôi khi người ta cần phải say mà anh thì cân bằng quá mức. Sự rụt rè của anh khiến tôi thấy mình không glamour – không quyến rũ chút nào.
Anh ngồi trầm ngâm như đang đánh cờ hay đang nghĩ đến tình hình Một Răng, Một Rắc gì đó – cứ như thể tình hình chính trị thế giới ảnh hưởng đến việc làm ăn của Công ty anh nhiều lắm.
Anh gọi điện thoại cho bạn, rủ lên Toilet. Tôi biết anh gọi bạn lên chỉ cốt để thấy anh vẫn giữ phong độ, vãn đi uống, đi nhảy với cả mấy em xinh đẹp. Tôi hỏi anh: “Bạn anh ở đâu?”. Anh bảo: “Ở trên mạng”. Tôi biết thừa về những vĩ nhân trên mạng. Ngoài đời, đó chỉ là những gã thất bại, những gã bất tài – không thể hiện nổi mình trong đời thực và đành thể hiện mình trên mạng. Cũng phải thôi, mỗi người đều muốn chứng tỏ điều gì đó, con người mà.
Tôi đã hiểu. Tôi biết mình cần ai và cần cái gì. Có lẽ không phải là anh và những cái xa vời của anh như là viết văn. Cái tôi cần là ở đây, Bar Toilet và bây giờ: thêm một ly Gin và Tonic.
Cũng có thể tôi sẽ viết, câu chuyện của tôi bao giờ cũng sẽ bắt đầu từ một quán Bar nào đó, giống như phim “Bố già” nào cũng bắt đầu từ một cuộc hội hè. Quán Bar – nơi người ta gặp nhau, nơi người ta sống, nơi người ta thể hiện mình. Không chỉ tôi, không chỉ anh, ai cũng vào Toilet trước khi đi ngủ. Rồi người ta có thể ngủ, ngủ say không mộng mị hay có thể trằn trọc. Hình như…hay đúng hơn là: suy cho cùng, ngày mai là một ngày mới.
Phan An