Bé Sinh

Bên tai ông văng vẳng câu chửi của chồng cô Hằng: “Chắc chắn là con rơi của ông Cần chứ không ai.” Vậy là vô hình trung ông đã tự nhận mình là thủ phạm. Nhưng bây giờ ông làm sao đây?

(truyenngan.com.vn – Tác phẩm tham dự cuộc thi viết “Những câu chuyện cuộc đời”)

***

Bé Sinh

Nhìn đồng hồ mới hơn bốn rưỡi thấy còn sớm nên cô Nga tranh thủ ghé nhà em Hùng. Cô thắng xe đậu ngoài sân, nhìn vào trong nhà thấy người đàn ông có mái tóc hoa râm mắt đeo kính đang chăm chú cúi xuống tập cho bé gái đánh đàn organ. Bé gái chừng khoảng bốn hay năm tuổi đang nhấn từng phím đàn… ba…thương…con…vì…con…giống…mẹ…từng nốt nhạc chậm chạp vang lên.

Hùng là học trò của lớp 8 /7 cô Nga chủ nhiệm. Em hay đi học muộn, quần áo lại xộc xệch không tươm tất như các bạn nam cùng lớp. Nhiều lần em không thuộc bài. Cô Nga gọi điện mời phụ huynh đến trường để trao đổi về việc học của em nhưng lần nào cũng nhận được lời xin lỗi vì phụ huynh không đến được. Qua lí lịch và tìm hiểu ở các giáo viên năm trước cô Nga biết Hùng đang ở với ông nộị. Ông nội Hùng đã hơn bảy mươi tuổi là thương binh, và cũng là nhạc sĩ của hội âm nhạc Bình Phước. Hai ông cháu sống nương tựa vào nhau. Hùng lầm lì ít nói có vẻ tính cộc cằn. Bố mẹ Hùng li dị khi em lên lớp 6. Mẹ bỏ đi nơi khác sinh sống. Bố Hùng lên thành phố làm ăn, nghe đâu cậu ta lấy vợ khác giàu có, xây dựng cơ ngơi ở trên đó, nhiều lần về đưa Hùng lên nhưng em không đi vì thương ông nội. Mẹ em đi làm thuê cho quán xá lâu lâu ghé về thăm hai ông cháu, mua cho con lúc hộp sữa, khi cân đường hay bộ quần áo. Hùng thương mẹ lắm nhưng bố đã lấy vợ khác mẹ không thể về ở làm dâu để càng khó xử. Vốn đã lầm lì Hùng càng trở nên lầm lì hơn….

Tiếng xe dừng làm ông Cần giật mình, ông ra cổng đón khách.

– Dạ xin lỗi đây có phải là nhà của em Hùng không ạ? Cô Nga lễ phép hỏi.

– Vâng đúng rồi ạ. Thế cô là ai? Tìm cháu Hùng nhà tôi có việc gì không ạ? Ông Cần ngạc nhiên hỏi. Cô Nga vui mừng nói:

– Dạ cháu là cô chủ nhiệm của em Hùng ạ.

– Ôi, quá lỗi đã làm phiền cô giáo phải đến nhà. Ông Cần tỏ ra ái ngại. Cô Nga đành giải bày:

– Dạ không sao bác ạ! Vì chiều nay cháu về sớm nên tiện đường ghé thăm nhà bác và trao đổi viêc học của em Hùng với bác.

– Vâng, mời cô giáo vào nhà uống nước. Nói rồi ông Cần đon đả kéo ghế, rót nước mời khách.

Cô Nga trao đổi với ông Cần về tình hình học tập của em Hùng cũng như những khuyết điểm em còn vi phạm. Cô mong phụ huynh chú ý quan tâm em hơn và cô hứa sẽ cố gắng động viên, giúp đỡ để Hùng tiến bộ. Chợt Cô Nga đưa mắt nhìn bé gái vẫn chăm chú mân mê phím đàn hỏi:

– Bác cũng nhận dạy kèm đàn cho trẻ ạ? Một thoáng bối rối ngại ngùng ông Cần nói:

– À…vâng…mà không…bé là con tôi đấy. Cô Nga tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Thật à bác? Như để xua tan sự nghi ngờ của cô ông Cần quay vào bảo con bé:

– Bé Sinh ngoan chào cô giáo đi con! Con bé buông đàn, rời ghế đến trước mặt cô:

– Con chào cô giáo ạ! Cô Nga liền xoa đầu bé:

– Con ngoan quá, con mấy tuổi rồi?

– Dạ con bốn tuổi ạ! Nói xong con bé đến ngồi vào ghế đàn tiếp. Những ngón tay non nớt nhấn trên phím đàn, từng nốt nhạc trầm bổng lại vang lên xem ra bé đã thừa hưởng được ngón đàn của ông Cần. Cô Nga không thể nào tin được bé Sinh là con ông Cần. Ông Cần như đọc được trong ánh mắt cô giáo sự hồ nghi, ông thanh minh:

– Thực ra bé Sinh chỉ là con nuôi của tôi thôi cô à. Thì ra là vậy, như có điều gì đó làm cô Nga nghĩ ngợi…

Một lần Hùng đến lớp muộn, cô Nga hỏi lý do em bảo rằng:

– Thưa cô tối qua bé Sinh cô nhỏ của em bị sốt cả đêm, ông nội quên đánh thức em dậy đi học. cô Nga không hiểu lắm nhưng đang giảng bài nên đành cho Hùng vào lớp. Hôm sau cô gọi điện mời phụ huynh lên xem hư thực thế nào nhưng không thấy phụ huynh nhấc máy…

– Cháu có điều thắc mắc không phải bác bỏ qua cho, sao bác lại nhận nuôi một đứa bé như vậy? Thế mẹ của bé ở đâu, làm gì mà lại cho con? – Cô Nga tò mò hỏi.

Ông Cần đưa mắt xa xăm:

– Chuyện dài lắm cô ạ, tôi cũng không ngờ cơ duyên tôi làm bố của bé. Ông đăm chiêu nhìn ra sân… Mặt trời ngả bóng, nắng đã dịu ngoài ngõ, tiếng lũ học trò tan trường về ríu ran nhưng cô Nga nói:

– Chuyện thế nào bác có thể kể cho cháu nghe được không ạ? ông đung đưa:

– Nếu cô không thấy phiền thì tôi sẽ kể…

– Vâng bác cứ kể đi ạ vì khó có dịp cháu ghé được.

… Đêm nay bác sĩ Hoàng trực nên không tham gia chuyến du lịch biển Vũng Tàu của bệnh viện nhân dịp lễ ba mươi tháng tư.Nghề của các anh là vậy phải làm việc hai bốn trên hai bốn. Bác sĩ Hoàng muốn đi Vũng Tàu với vợ con lắm nhưng những ngày lễ thế này công việc của các bác sĩ khó vắng mặt bởi không biết bao nhiêu ca cấp cứu do tai nạn giao thông. Có một ca sản phụ vào lúc đêm, khai là sinh viên cao đẳng Bình Phước đi chơi bị đau bụng dữ dội và vỡ ối. Sau đó được chuyển xuống khoa sản. Chưa kịp làm thủ tục nhập viện, cô rên la đau đớn nên cô hộ lý đưa lên bàn sinh. Hơn hai mươi phút sau, một bé gái oa…oa cất tiếng chào đời. Cô hộ lý gọi người nhà bế trẻ sơ sinh qua phòng, sau khi đã tắm rửa cho bé xong và làm thủ tục nhưng không thấy người nhà của sản phụ. Cô gái sinh xong mê mệt, thiếp đi được đưa vào phòng hồi sức. Gần sáng cô tỉnh dậy thấy phòng vắng lặng lạnh toát, bụng sao nhẹ lâng, hình như mình đã trút gánh nặng của cuộc đời. Cái thai này đã hành hạ bấy nay, cô phải dấu giếm để không ai biết. Cô mới là sinh viên năm hai tương lai còn phía trước. Ba mẹ ở quê mà biết chắc cô không thể sống. Thôi thì xem như kiếp này mình nợ đứa bé, kiếp sau mình trả vậy. Cô gái lặng lẽ rời phòng, trốn khỏi bệnh viện. Cô đi như chạy vì sợ người ta bắt gặp.

Cả khoa sản náo lên vì chẳng thấy sản phụ đâu, ba ngày trôi qua không thấy cô gái quay lại làm thủ tục. Các cô điều dưỡng của bệnh viện vẫn phải chăm sóc bé và chờ đợi. Hơn một tuần vẫn không thấy bóng dáng…

Ông Cần đi tái khám vì lâu lâu vết thương cũ lại làm cho con mắt của ông xốn lên khó chịu vô cùng. Khám và lấy thuốc xong, tiện ông ghé thăm bác sĩ Hoàng( bác sĩ Hoàng là con một đồng đội cũ của ông ở chiến trường, cùng tham gia trận đánh vào Lộc Ninh năm 1972 đã hi sinh, nên ông xem Hoàng như con trai mình). Bác sĩ đang bận trao đổi với cô điều dưỡng thấy ông Cần đến nên chia sẻ câu chuyện. Ông nhìn đứa trẻ sơ sinh đang ngủ trong chiếc giường nôi, bé được quấn khăn ủ ấm kĩ, trong lòng ông dâng lên nỗi niềm thương cảm lạ. Giá như nhà ông có một bé gái, tia sáng lóe lên trong đầu ông nhưng thoáng biến mất. Ông chợt nghĩ đến cô Hằng ở cùng xóm, lấy chồng bao năm mà vẫn chưa có con. Hai vợ chồng cô ao ước một đứa con thôi mà sao vô cùng khó khăn. Nghe đâu đi bệnh viện này đến bệnh viện kia. Chưa hết, nghe ai nói chùa nào linh thiêng cũng đến cầu tự. Vậy mà ông trời vẫn không thương xót hay chưa nghe thấy. Nên ông nói:

– Ở cạnh nhà bác có một cô lấy chồng bao năm nay mà chưa có con hay bác nói cô ấy đến nhận nuôi.

Đang trong lúc chưa biết xử trí thế nào về đứa trẻ sơ sinh, bác sĩ Hoàng như gỡ được rối.

– Vậy cháu nhờ bác đưa cô ấy đến đây để cháu làm tục, cho cô ấy tạm nuôi chờ ngày mẹ đứa bé quay lại.

Tưởng đâu mọi thứ đã êm xuôi dễ dàng. Nhưng sự đời đôi khi khó như ta nghĩ. Cô Hằng mang bé về nhà thì chồng cô không đồng ý, phản đối kịch liệt. Anh ta sang nhà ông Cần chửi bới thậm tệ. Bởi biết đâu là con ông Cần chăng. Biết đâu ông quen cô gái trẻ nào giờ sinh con không nuôi được nên nhờ người khác. Làm sao có thể chấp nhận nuôi con cho ông Cần. Cô Hằng ao ước một đứa con để nuôi vậy mà giờ chồng mình hết sức ngăn cản. Mà điều chồng nói làm cô bán tính bán nghi, biết đâu mai này mẹ đứa bé về đòi lại. Hơn nữa chồng cô luôn có thành kiến không tốt về ông Cần cho rằng nhạc sĩ đàn ca sướng hát rất lãng mạn và đa tình….

Cuối cùng cô Hằng đành mang bé sang cho ông Cần nhờ trả lại bệnh viện. Bản thân cô không dám đến bệnh viện vì sợ bác sĩ mắng. Ông Cần cũng hết lời thanh minh. Nhìn đứa trẻ sơ sinh đang ngủ ngon mà lòng ông xót xa thương cho số phận của bé mới sinh ra đã là đứa trẻ vô thừa nhận. Thật ông trời bất công người muốn có con thì khó, kẻ không muốn thì lại sinh ra rồi bỏ trốn. Bây giờ đưa bé vào bệnh viên lại thì thế nào? Mình đã phụ lòng bác sĩ tin tưởng nhờ mình. Hay là….một ý nghĩ hình như vừa thoáng qua…không, không thể được, trăm ngàn lần là không được. Bên tai ông văng vẳng câu chửi của chồng cô Hằng: “Chắc chắn là con rơi của ông Cần chứ không ai.” Vậy là vô hình trung ông đã tự nhận mình là thủ phạm. Nhưng bây giờ ông làm sao đây? Thật bài toán mà không có đáp án. Phải chăng mình có nợ con bé ở kiếp trước…

Ông Cần được về phép thăm nhà trước khi cùng đơn vị hành quân vào Nam.Thằng Nhân vừa được mười tám tháng cũng bập bẹ gọi bố…bố… Nó quấn chân bố cả ngày. Ông Cần dành hết thời gian quý báu ngắn ngũi của hai ngày phép chăm sóc cho con trai bé bỏng và vợ mình. Hai ngày phép sao mà chóng vánh như gió thoảng, ông đành tạm biệt và hôn lên trán con trai yêu dấu khi con còn đang ngủ say. Ông cố nén để những giọt nước mắt không rơi xuống má con trai, sợ nó thức giấc. Rồi ông bùi ngùi an ủi động viên vợ: ” Em ở nhà cố gắng thay anh chăm bố mẹ già và con trai nhé, đất nước thống nhất anh sẽ về…”

Đơn vị nhận được lệnh hành quân đánh vào Lộc Ninh cũng là lúc ông Cần nhận được tin nhà vợ ông không qua khỏi cơn sinh tử trong lúc vượt cạn. Trời ơi! Thì ra chỉ hai ngày phép ngắn ngũi đó cũng đủ cho ông và vợ mình có kết quả tuyệt vời của tình yêu. Nhưng tiếc thay…Khi người nhà đưa vợ ông lên trạm xá bị vỡ nước ối trên đường đi. Đứa bé ngộp trong bụng mẹ không còn cất tiếng khóc chào đời. Vợ ông mê man lại băng huyết. Các bác sĩ hết lòng cứu chữa trong điều kiện hiện có. Xót xa một điều nữa đứa bé sơ sinh ấy là con gái…

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, thống nhất đất nước, ông được giải ngủ về nhà do sức khỏe yếu và là thương binh vì chiến tranh đã cướp đi của ông một mắt. Ông phải một mình gà trống nuôi con, chăm sóc bố mẹ già. Rồi bố mẹ ông lần lượt qua đời. Ông cùng con trai vào Bình Phước lập nghiệp. Con trai ông cưới vợ sinh cho ông một đứa cháu trai đích tôn. Ông vui với hạnh phúc của con cháu.

Giờ đây ông không thể nào lý giải nỗi về sự dun dủi có mặt của một đứa trẻ sơ sinh trong ngôi nhà. Ông bàng hoàng nghĩ đúng là mình nợ đứa bé gái này?

Ông Cần đã bỏ bớt các sô đám cưới người ta gọi mà chủ yếu kèm đàn cho trẻ đến nhà để có thời gian chăm sóc cho bé Sinh. Ông cho bé bú bình, mỗi ngày pha sữa trong bình lớn để trong tủ lạnh ngăn hộc dưới cùng. Khi bé bú sữa thì ông rót ra bình nhỏ một ít, dư để vào hộc( khẩu vị và nhiệt độ sẽ đều trong ngày. Ngày cúp điện thì ông bỏ nước và cục đá trong bình đá để ngâm sữa.)

Thằng Nhân con Ông Cần ở thành phố về thăm nhà thấy tình cảnh bố, Nhân phản đối kịch liệt: ”Bố già rồi một thằng cháu nội còn chưa chăm xong, sức đâu mà chăm một đứa bé như vậy. Không khéo hàng xóm cho là con bố”. Thằng Hùng cháu nội ông càng khó chịu hơn vì bao nhiêu tình thương ông giành cho nó, bây giờ như ông đã giành hết cho bé Sinh. Nhất là mỗi khi bé khóc oa oa Hùng không sao ngủ được, chốc chốc ông nội sai lấy cái tả, khi cái áo, lúc cái khăn, lại bình sữa… học bài cũng không xong, cả hai ông cháu phải cuốn theo con bé. Thằng Hùng rất ngây thơ nhưng nhiều lúc nó hỏi ông nội: ”Sao không thấy mẹ con bé đến đón nó vậy ông? Hôm trước ông nói chỉ trông tạm thôi mà?” Mỗi lần thằng Hùng hỏi, ông lại thấy day dứt vì lúc đầu về ông muốn nói trấn an để nó đồng ý mà không ngờ mẹ bé Sinh vẫn…

Điều ngại nhất và cũng là đề tài cho mọi người xầm xì là khi ông Cần bế bé Sinh đi tiêm ngừa. Có người hỏi: ”cháu nội hay cháu ngoại, sao bố mẹ nó đâu không bế đi?”. Nhiều lúc ông muốn nói: “Con tôi” nhưng ông không đủ dũng khí vì ông sợ người ta sẽ cười ông «Cha già con mọn».

Một lần thằng Hùng nó hỏi: ”Ông nội ơi cháu gọi bé Sinh là gì?” Ông nửa cười nửa mếu mà rằng: “Ừ thì là cô Sinh”. Thằng Hùng phản ứng ngay: ”Không, cháu không gọi vì nó bé hơn cháu mà.” Ông đấu dịu: ”hay cháu gọi cô nhỏ đi nghe hay mà tình cảm nữa”. ”Vâng, cô nhỏ”. Thằng Hùng vừa gọi vừa cười.

Thằng Hùng hôm nay lại đến lớp trễ, nhưng cô chủ nhiệm chỉ nhẹ nhàng bảo: ”Em vào lớp nhanh lên” chứ không chấp vấn lí do. Cô nghĩ chắc tối quá bé Sinh bị sốt. Hai ông cháu lại hì hục chăm bé Sinh: chồm khăn ấm, cho bé uống hạ sốt và theo dõi xem nhiệt độ có hạ bớt không…

Bé Sinh xem ra cũng có năng khiếu học đàn, ngón đàn của bé ngày càng lảnh lót. Thời gian rảnh ông Cần còn dạy bé Sinh tập vẽ và tô màu…

Ngọc Dung

Related Posts

Trả nợ

Nhưng thiên hạ lại tin con dâu bà, người ta kéo đến nườm nượp cốt để được “Thánh” chỉ bảo, người ta đã phong con dâu bà là thánh sống,…

Read more

Chỉ đơn giản là cắt cành nơi chim đậu, chúng sẽ tự bay lên

Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một vị vua nhận được món quà là hai con chim ưng rất đẹp. Chúng là hai con chim ưng thuộc loài đẹp nhất…

Read more

Bước chân sẽ đi về đâu

Tôi người đàn bà đã từng trải, 40 tuổi, đã gặp bao ngang trái của cuộc đời, đối với tôi giờ đây đã quá nửa đời người, tôi chỉ muốn…

Read more

Bài học dạy con từ tỉ phú Lý Gia Thành

Lý Gia Thành từng căn dặn con trai: “Con hợp tác với người khác, phải coi trọng hiểu đạo! Giả sử con lấy 70% lợi nhuận là hợp lý, 80%…

Read more

Đi qua cổng làng

Rít xong điếu thuốc lào Khánh ngửa mặt lên trời há hốc mồm ra thở khói, mắt nheo nheo nhìn đàn em một lượt rồi quát lớn: – Thằng Quý…

Read more

Yêu thương nơi băng ghế nhỏ

Đôi khi, điều duy nhất chúng ta cần làm đơn giản chỉ là lắng nghe. *** Đó là một chiếc ghế dài rất rất bình thường. Chẳng có điều gì…

Read more

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *