Cứ tin đi rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười. 🙂
***
1.
Tôi đang muốn viết một câu chuyện. Nhưng tôi không biết bắt đầu nó như thế nào. Các bạn biết đó, để bắt đầu một cái gì đó, không chỉ nằm trong phạm trù văn chương, hầu hết đều rất khó khăn. Vậy nên cổ nhân mới có câu rằng, một việc được bắt đầu là coi như thành công một nữa.Nhưng bắt đầu thì có hàng trăm cách, và cái khó nằm ở chỗ chọn cách nào để thành công và cuốn hút nhất… Mà thật tình trước giờ, một người theo chủ nghĩa ngẫu nhiêu như tôi thích bạ đâu viết đó, không mấy chú ý đến những đoạn mở đầu của mình.
Chả hiểu hôm nay tôi ăn nhầm cái thứ gì mà chú trọng câu mở lời quá xá..Nên lẽ ra câu chuyện này được kể từ lâu rồi, mà cứ còn ngập ngừng hoài là vậy…Nhưng trễ nãi vậy là đủ rồi, nên dù chưa biết là sẽ chọn cách nào, thì tôi cũng đành phải bắt đầu những tình tiết đầu tiên của cái phiếm khúc này. Vừa viết vừa chọn cách bắt đầu…
***
Câu chuyện này có thể bắt đầu như thế này.
Bắt đầu từ hai ánh mắt.
Một ánh mắt xa thoai thoải, nhìn heo hắt và buồn không thể tả. Nhất là khi ánh mắt đó được đặt trên khuôn mặt của một người phụ nữ, thường gợi lên sự mong manh yếu đuối. Theo sự phân chia của các cánh mày râu, thì phụ nữ gồm hai phân loại là phụ nữ đẹp và phụ nữ xấu. Đó là dựa theo nhan sắc. Cũng là phân chia của đàn ông, nhưng theo tuổi tác, thì phụ nữ lại gồm trẻ, già và trung niên… Và người phụ nữ được chọn để bắt đầu câu chuyện này, gọp cả hai cái phân loại ( mà chắc là được mấy vị “tổ sư” đề ra trên bàn nhậu),thuộc vào loại phụ nữ trung niên đẹp… Mà trước giờ, khi cái buồn đi với cái đẹp, thì một là cái buồn kia trở nên xao xác hơn hoặc là cái đẹp kia trở thành mỹ miều hơn.Trong trường hợp này, tiếc thay, lại là vế đầu.
Còn ánh mắt thứ hai là ánh mắt của một thằng nhóc. Ánh mắt dại dại. Hai con mắt lồi và cách xa nhau. Mũi tẹt. Khuôn mặt rất quen thuộc nếu bạn từng một lần gặp những đứa trẻ không may bị hội chứng Down. Thằng bé đang chạy trên chiếc xe đạp ba bánh vòng quanh trước sân. Chả hiểu sao đầu nó quay liên tục như một cái chong chóng. Cứ như là nó đang đang cố gửi ánh mắt vô hồn của mình ra tứ phía.
Thỉnh thoảng hai ánh mắt đó gặp nhau. Ánh mắt có hồn chợt long lanh.Còn ánh mắt vô hồn thì dừng lại một chút rồi cái đầu lại xoay. Có lẽ ở độ tuổi của nó, một đứa trẻ bình thường còn không hiểu hết những xúc cảm trong tia nhìn xa xăm kia, huống chi nó bị Down, hội chứng Trisomy 21.
Vài người đi qua trước nhà. Người phụ nữ vội đưa tay quẹt mắt. Rồi chị cười chào xã giao. Những người đi qua cười chào lại. Bất thần, ánh mắt họ quét xuống chỗ chiếc xe đạp ba bánh đang chạy vòng vòng, và cái đầu của thằng bé lái nó cũng quay vòng vòng một cách khó hiểu. Và rồi, họ buông ra một ánh nhìn thương hại kèm với cái tặc lưỡi…
Người phụ nữ đẹp trung niên kia chợt gục đầu trên đôi bàn tay.
Hoàn toàn có thể bắt đầu câu chuyện này bằng hai ánh mắt đó. À không, phải là ba ánh mắt chứ. Ánh mắt xa xăm buồn bã, ánh mắt tê dại vô hồn và ánh mắt thương hại không đúng chỗ như lưỡi dao cắt khứa vào vết đau đã đủ trầy trụa và chưa thôi rướm máu…
***
Mà bắt đầu như trên thì vừa buồn vừa yên lặng quá.Thôi thì thử tìm một lựa chọn khác.
Lần này là một bệnh viện đông đúc toàn người là người. Dù trên tường màu trắng tinh khiết của bệnh viện, người ta dán đầy những biểu ngữ ” Đi khẽ, nói nhỏ…” nhưng thiệt tình là không khí của cái phòng khám vào lúc này là rất náo nhiệt. Người đi qua đi lại, tiếng nói, tiếng gọi nhau tạo nên một sự rôm rả, mà nếu chỉ dựa vào tần suất và cường độ âm thanh mà bỏ ngoài tai nội dung của nó, thì rất có thể làm chúng ta liên tưởng đến một cái chợ. Nhưng khi bỏ ra một chút lắng nghe, thì như một cái quảng cáo nào đó, chúng ta sẽ nhận về một chút thấu hiểu. Một giọng đàn ông trầm nhưng không ấm, có cái gì đó rất vô cảm, và những gì người đàn ông đó nói kéo chúng ta ra khỏi cái chợ mà chúng ta liên tưởng nãy giờ, trở về với cái bệnh viện thực tế…
– Chúng tôi đã cố gắng hết sức…Nhưng thật sự là do nội mạc tử cung của chị nhà không cho phép trứng làm tổ được…
Người bác sĩ nói, chỉnh chỉnh cái mắt kiếng.Khuôn mặt thì ông ta dùng hết khả năng để kết hợp ánh mắt, cái mím môi, cũng như những cử chỉ nhỏ khác của cái mũi, để tạo nên khuôn mặt “tôi rất lấy làm tiếc”. Rồi ông đứng dậy bỏ đi.
Người đàn ông kia thất thần. Anh quay qua tìm vợ. Nhưng lúc này thì không thấy đâu. Anh vội vã chạy đi tìm. Xuyên qua tất cả dòng người.Những người đàn bà bầu bì trong vẻ mặt vừa lo âu, vừa hứng khởi. Những người đàn ông dìu người vợ thân yêu của mình cùng với những câu hỏi quan tâm rất mực…
Vợ anh ngồi ở hoa viên của bệnh viện. Những đóa hoa vàng trên nền lá xanh. Nắng chiếu nghiêng trên khuôn mặt vợ anh, tạo ra hai nửa. Nửa sáng nửa tối. Anh dừng lại trước khuôn mặt đó.
– Thôi mà em, cùng lắm thì mình xin con nuôi..
– Không, anh bỏ em đi…anh lấy người khác đi, người có thể cho mẹ anh một đứa cháu đích tôn đi..em xin lỗi..em không thể…
– Em nói cái chuyện điên rồ gì vậy?
– Em yêu anh…
Và rồi nước mắt rơi.
Và rồi một gương mặt gục xuống trên đôi tay.
Và rồi người phụ có khuôn mặt gồm hai nửa kia đứng bật dậy.
Chạy đi.
Người chồng đứng nhìn hai mảnh của vợ mình đang biến mất.
Người vợ yêu chồng.
Người con dâu không được làm mẹ.
***
Chọn một cái bắt đầu thôi mà cũng phiền lòng nhức óc vậy sao? Thôi thì để chắc cú, tôi quyết định dẫn các bạn đi xa hơn một chút, rời khỏi chốn của những nỗi buồn, bất hạnh và những giọt nước mắt kia đi…
Câu chuyện này có thể bắt đầu ở một ngôi đình nằm ở ngoại ô thành phố. Nó nằm giữa một cánh đồng trống hoắc. Nhìn cái vẻ ngoài tồi tàn của nó, chả ai tin là nó lúc nào cũng có ngườitới viếng, tới cúng bái và câu xin đủ thứ…
Nó nổi tiếng như vậy là vì sự rộng lượng của ba vị thần trấn trong đình. Đó là Thần Lầm Lẫn, Thần Sửa Lỗi Sai và Thần Có Mặt Cho Đủ Đội Hình.
Bình thường khi có ai đó vào thắp nhan cầu xin, Thần Lầm Lẫn sẽ lấy giấy ghi lại những lời cầu xin.Nhưng vì cái thói lầm lẫn được mặc định từ lúc phong thần nên dù rất tỉ mẫn thì thần vẫn cứ lộn ước muốn của người này sang người kia. Nên thần mới có vị trợ lý là Thần Sửa Lỗi Sai. Thần này cứ mỗi lần nhận giấy tờ từ Thần Lầm Lẫn chuyển qua là y như rằng phải căng mắt ra để tìm cho đúng điều ước và gia chủ…Công việc của thần lúc nào cũng tất bật, nên thần gầy gò, khuôn mặt hốc hác chứ không đươc đầy đặn nhìn phúc hậu như thần Lầm Lẫn. Nên ai nhìn thần Sửa Lỗi Sai cũng không có thiện cảm bằng khi nhìn vào Thần Lầm Lẫn. Và vì vậy mà họ cứ vào Đình là một điều Lạy thần lầm lẫn, hai điểu Xin thần lầm lẫn…mà không biết là người thực sự mang tới cho họ điều ước muốn lại là vị thần trông có vẻ khắc khổ ngồi bên cạnh…Nhưng nói gì thì nói, chứ khi cúng bái, thì khách thập phương vẫn dâng hương và lễ vật đủ ba phần, nghĩa là họ cũng không biết cái vị thần dong dỏng cao với gương mặt điển trai kia, đúng như cái tên của mình, cũng chỉ là đứng cho đủ đội hình vậy thôi, chứ chả có miếng ảnh hưởng nào…
Lúc này là giờ nghỉ trưa. Không có ai viếng nên các vị thần rũ nhau làm vài ly gọi là… giải khuây. Nhưng càng uống càng hăng say, càng hứng thú, phải gọi là nâng ly và cạn chén ( Đúng là xỉn thiệt rồi, nâng cái ly lên, mà uống hết cái chén…)
Mà mấy vị thần này cũng kỳ, nhậu qua luôn giờ nghỉ trưa. Buổi chiều bắt đầu. Lại có người đến cúng bái rồi mà cả ba đều bò lồm cồm hết. Chỉ có mình Thần Có Mặt Cho Đủ Đội Hình là còn tỉnh chút thôi( vì có lẽ ngay khi chén chú chén anh thì thần này cũng chỉ…có mặt cho đủ đội hình thôi).Thế là thấn ấy vạn bất đắc dĩ lắm mối ngối vào ghế chính tọa…
Mà cũng may chiều hôm đó chỉ có ba người đến cầu nguyện thôi.
Thần Có Mặt cho Đủ Đội Hình trong lần đầu tiên có mặt không chỉ để đủ đội hình ngồi vò đầu bứt tai vì hơi men còn lâng lâng, và cả những nguyện cầu, những câu chuyện, những lời than vãn, những giọt nước mắt cứ lộn xộn cả lên…
Buổi tối. Thần Lầm lẫn dậy trước khi thần Sửa Lổi Sai vẫn còn li bì. Thần hỏi chuyện biết được chiều có ba người đến. Thần Có Mặt Cho Đủ đội Hình gói gọn lại một câu:
– Dạ, chỉ có ba người, và họ đều cầu tử thôi ạ…
– Vậy à tốt lắm, vậy thì cứ thế này..thế này..mà làm…
Thần sửa lỗi sai vẫn ôm chai rượu ngáy khò…
Bắt đầu câu chuyện theo kiểu này vui thì vui thiệt đó, nhưng có vẻ bê tha quá. Tôi muốn các bạn biết là tôi vừa thở dài, vì câu chuyện đã đi quá nửa, mà tôi vẫn chưa chọn được phần mở đầu. Phải làm sao đây?
2.
Con người là một thực thể của sự thay đổi. Nhiều khi là thay đổi như một cái chong chóng luôn đó. Vậy nên mới mấy ngày trước tôi còn tự trói buộc mình trong những nghĩ suy phức tạp về cách bắt đầu. Nhưng hôm nay thì tôi đã nghĩ khác. Tôi nhận ra rằng một câu chuyện vẫn có thể bừng sáng với một cách bắt đầu rất bình thường (đôi khi là tầm thường), chỉ cần một cái kết lung linh, hoành tráng và đầy bất ngờ… Vậy nên thôi sẽ không băn khoăn về những mở đầu nữa… Cái chong chóng trong đầu tôi đã chuyển qua đi tìm một cái kết thúc rồi…
***
Vậy thì có thể tưởng tượng ra một cái kết như thế này.
Một bầu trời đêm rất cao và rất xa. Màu đen không hẳn là màu đen. Có nhiều thứ màu xám gợn lên xen vào giữa. Trăng rằm viên mãn như một cái bánh trôi, lềnh bềnh trên dòng sông đêm phẳng lặng. Dù trăng tròn nhưng không hiểu sao, nhìn vầng trăng đó thấy rất cô quạnh. Chắc tại bầu trời đêm kia không một ánh sao, chỉ có ánh trăng một mình cố thắp lên những ánh sáng. Đôi khi là vô vọng.
Thằng bé bị Down vẫn giữ cái thói quen, có lẽ thuộc về tiềm thức của mình, quay đầu liên tục về bốn phía. Vẫn là hai con mắt cách xa nhau, cái mũi tẹt. Ánh mắt nhìn tê dại. Nhưng lúc này nó đang ngồi trong vòng tay của một bà lão. Bàn tay nhăn nhúm thời gian nhẹ nhàng vuốt mái tóc ít ỏi của nó. Bà chép miệng thở dài…
Con trai bà vừa về tới. Rượu. Nồng nặc.
– Con lại uống rượu à?
Những tràn cười lạnh lùng vang lên thay cho lời đáp. Anh đi qua bà mà không dừng lại. Nhưng khi chuẩn bị bước qua thềm cửa thì anh quay qua nhìn đứa trẻ kia và nói:
– Mẹ thì vui rồi, mẹ có cháu bồng rồi. còn con, vợ con chết rồi…chết rồi…mẹ có biết không?
Giọng anh đột nhiên trở nên kích động. Khuôn mặt người mẹ già rung chuyển. Những nếp nhăn như sóng vỗ. Mắt bà long lanh, nhưng tuyệt không một giọt nước mắt nào lăn trên má.
– Vợ anh chết là chuyện đã rồi, tại sao anh lại cứ phải thế này…Anh còn cuộc sống của mình, anh còn có người mẹ già này, còn có đứa con này…
– Nó không phải con con ! Chính vì cứu nó, mà vợ con mới phải chết..không phải..không phải…
Anh lắc đầu liên tục, cứ như cái thảm cảnh vợ anh với tấm thân đầy máu dưới chiếc taxi kia đang quay về trong tâm khảm của anh. Rõ ràng như mới hôm qua. Anh đứng tựa lưng vào cửa. Và rồi trượt xuống…
– Nhưng chính vợ anh muốn chúng ta nuôi nó, muốn anh coi nó như là con của mình…
Giọng bà già lạc đi. Bà vẫn khao khát có một đứa cháu. Nhưng không phải thế này. Khi bà mất đi người con dâu và phần nào đó mất luôn người con trai của mình.Còn đứa cháu đang quay đầu liên tục trong vòng tay bà thì lại…
Không khí im lặng bao trùm lên tất cả. Tựa như có một vị thần khổng lồ nào đó đang để tấm thân hộ pháp của mình lên, làm ngột ngạt cả không gian…
Nhưng bất chợt thằng bé bị down vốn chưa từng nói một câu nào từ khi được bà và anh mang về từ bệnh viện bỗng mở miệng.Nó chỉ nói vài tiếng rời rạc, bập bẹ nhưng làm cả không gian như tan chảy, như sự yếu ớt từ cái lưỡi dù dày nhưng đơ cứng của một đứa trẻ bị Down đã nâng vị thần hồ pháp kia đi chỗ khác.
– Bà… ba…bà…ba…ba
Hai mẹ con nhìn nhau. không hiểu đứa trẻ gọi ai. Chỉ thấy trong mắt nhau những điều đồng cảm. Nhưng có lẽ là không đủ. Ánh trăng tròn và viên mãn nhưng thiếu những ánh sao đêm lấp lánh cũng khiến bầu trời như một tấm lưới cô đơn mà thôi.
Người vợ yêu chồng rất mực đã không còn.
Người con dâu không được làm mẹ đã không còn.
***
Buồn không thể tả. Nhưng cũng đã lỡ tả mất rồi. Nên đành phải đi tìm một cái kết khác, kéo ánh trăng cô độc kia xuống…Nhưng tôi nhận ra rằng những nhân vật mà tôi tìm đến và kể lại cho các bạn nghe, cho đến lúc này toàn những người có tâm sự, có chuyện buồn. Vậy nếu muốn một một kết có tiếng cười, thì phải đi tìm một người khác, một người chưa xuất hiện trong câu chuyện này.
Thật ra anh ta cũng đã xuất hiện. Nhưng vì tôi lười nhác nên đã không miêu tả. Anh ta là một trong ba người đã đến cầu nguyện trong đình vào cái buổi chiều mà các vị thần say xỉn…
Lúc này anh ta đang xếp hàng mua..cháo sườn.
Buổi sáng, tiệm cháo sườn dưới gốc cây vú sữa lúc nào cũng đông kín người. Những người mẹ trẻ ( thỉnh thoảng cũng có mẹ già), bà nội, bà ngoại xếp hàng rồng rắn. Anh gần như là người đàn ông duy nhất đứng giữa cái hàng dài ngoằn đó.
Anh nhích từng bước trên cái chân cà nhắc của mình. Phải nói ngay cho các bạn biết, anh ta là một chàng trai trẻ, 23 tuổi, và là một cầu thủ bóng đá đầy triển vọng…nếu như không có cái chấn thương quái ác đó. Nếu các bạn là một cầu thủ, các bạn sẽ biết đôi chân quý giá như thế nào. Còn nếu các bạn là một bác sĩ y học thể thao thì hẳn nhiên các bạn càng hiểu hơn cái đầu gối quan trọng ra sao với một vận động viên chuyên nghiệp. Và nếu bạn am tường một mớ cơ bắp, gân, mạch máu, dây chằng bám víu chằn chịt quanh gối, thì bạn sẽ biết thứ gọi là dây chằng chéo trước. Và khi bạn biết nó, và cũng biết rằng anh chàng đang xếp hàng mua cháo sườn kia từ năm 18 tuổi đến nay đã 4 lần lên bàn mổ vì cái dây chằng đó, thì bạn sẽ tự mình rút ra cái kết luận này: tài năng nếu có của anh ta sẽ chỉ mãi là triển vọng thôi, sự nghiệp cầu thủ của anh ta chấm dứt rồi…
Và thực tế đã xảy ra như vậy đó.
Cuối cùng, dù cái đầu gối đang đau kinh khủng vì tiết trời chợt nhiên trở gió vào buổi sáng, anh cũng đã trụ vững tới lúc đưa được cái gà-mên cho người bán cháo.Mua được cháo anh hí hửng quay về. Gần như cơn đau tan biến…Trông anh như một đứa trẻ, trên đường về nhà, để gặp… một đứa trẻ khác.
Căn nhà nhỏ của anh đang òa trong tiếng khóc trẻ thơ. Đứa trẻ anh nhặt được cách đây một tháng lại khóc. Thằng bé kháu khỉnh nhưng cũng nhõng nhẽo ra trò, làm anh nhiều phen mệt mỏi vì không sao làm cho nó nín khóc được, khi mà những tiếng thét gào của nó không đủ để cho anh hiểu nó đang cần gì… Nhưng với anh, tiếng khóc của nó mang một hàm nghĩa khác. Nó khóc, nghĩa là nó vẫn sống và vẫn đang muốn sống…
Anh nhặt nó bên một dòng sông khi anh đang có ý định…tự tử. Lúc tôi giới thiệu anh ta là một cầu thủ, hẳn không ít các bạn có thoáng nghĩ trong đầu tới những màn ăn chơi trụy lạc. Cầu thủ ngày nay làm được nhiều tiền, và đó cũng là một hệ lụy tất yếu. Nhưng chàng trai của chúng ta không như vậy. Anh ta siêng năng trên sân tập, và sống rất chuẩn mực ngoài đời. Nhưng một ngày nọ người bác sĩ bảo rằng, chấn thương của anh không thể vãn hồi được nữa…và rồi sự thất vọng đẩy chàng trai trẻ lao vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Và chẳng hiểu bằng “con đường” nào ( vì “con đường” nào anh cũng có… tham gia) đưa anh đến cái xét nghiệm dương tính với HIV… Và như một người hèn nhát, chàng trai tự đi tìm cái chết sau khi đã vào đình xin với các vị thần về việc mình cầu tử-quyên sinh-, nghĩa là xin chết một cách nhẹ nhàng, thay vì phải chết dần chết mòn , và xin gửi lời tạ lỗi đến với ba mẹ…
Nhưng khi anh ra bờ sông và chuẩn bị giã từ thế giới, một tiếng khóc thất thanh từ trong một gốc cây vang lên, xé toạc bầu không khí yên ắng. Và chẳng hiểu vì sao tiếng khóc ấy gọi anh trở về với cuộc sống. Lạ thường. Không ai hiểu được. Chính bản thân anh cũng không hiểu.
Nhưng khi đưa đứa bé đi kiểm tra sức khỏe thì anh biết đây là một bước đi của số phận. Đứa bé này cũng bị nhiễm HIV. Và không ai muốn có trách nhiệm với nó, dù rằng nó hoàn toàn không thể quyết định được việc mình bị HIV hay không? Nó khác anh. Anh tự đưa mình vào cái vòng xoay cay nghiệt này. Nhưng nó không cam tâm. Khi bị bỏ rơi, nó vẫn gào lên cho thế giới biết nó tồn tại. Nó vẫn muốn sống. Vẫn khát khao ánh mặt trời.
Một đừa trẻ con làm được điều đó, thì tại sao anh lại bạc nhược và hèn nhát như thế này…
Con virus HIV có thể đẩy con người xa nhau với những ánh mắt hay những cái chỉ tay kì thị, nó cũng làm con người chết dần chết mòn trong bóng tối. Nhưng có khi, cái con virus thuộc nhóm Retrovirus với đặc tính sao mã ngược lạ đời của mình, lại mang con người đến gần nhau, truyền cho nhau sức sống và dũng khí để tồn tại.
Mặt trời có khắp mọi nơi, ngay cả dưới chân núi hay tận sâu biển khơi. Chỉ là con người có chịu thay đổi góc nhìn để được thấy hay không thôi.
***
3.
Các bạn biết không, từ nãy giờ tôi vẫn còn đang gục gặc cười thỏa mãn với cái kết mà tôi vừa giới thiệu. Tràn đầy niềm tin, tràn đầy hạnh phúc.
Nhưng khi tôi mở mắt ra ( tại tôi cười tít mắt đómà), thì tôi lại thấy một cảnh tượng khác. và tôi chợt nhận ra rằng, cuộc sống này không phải màu hồng. Các nhà văn đều biết điều đó, và các nhà tập làm văn như tôi, cũng nên biết là vừa…
Tôi vừa thấy một người điên.
Đó là một người phụ nữa với mái tóc dài không bới lên, tạo thành một đám rối bời, như ổ quạ. Và loại trừ cái mái tóc đó ra, thì không khó để có thể nhận xét rằng, đây là một người phụ nữ trung niên đẹp. Chị ta ngồi trên bậc cửa. Ánh mắt đầy lửa, cứ như là một ngọn lửa thiêu đốt từ bên trong cháy ra. Chị nhìn chăm chăm vào chiếc xe đồ chơi ba bánh nằm lạc loài trên sân.
Không có ai chạy nó.
Chị đưa tay đào bới mái tóc rối của mình. Không rõ chị ta chờ đợi điều gì được tìm thấy.Ơ cái gì kia. Ánh mắt chị ta tắt lửa. Không còn nhận ra một chút gì đó gọi là có hồn trong đó nữa. Hai đồng tử như liệt. Các dây thần kinh vận nhãn bị đánh gục bởi một thứ ma lực nào đó.
Ánh mắt dại, vô hồn. Ánh mắt chị ta gặp hằng đêm trong những cơn ác mộng suốt một tháng nay…
Chị lắc đầu. À không, chị đang quay đầu về bốn phía…
Những người xung quanh đi ngang đưa tay chỉ trỏ. Họ đồn thổi về việc chị bị đứa con mắc bệnh Down, được cho là đã chết, quay về nhập vào thân xác…Họ bảo, chị là người mẹ độc thân. Nghĩa là đứa con này chỉ là khát khao được làm mẹ của chị cháy lên và chị tự đi tìm một -người- đàn- ông- biết- cách- làm- đàn- ông… Không phải là kết tinh của một tình yêu đẹp nào cả.
Nhưng người phụ nữ trung niên đẹp đó không ngờ rằng, đứa con không cha của mình lại bị căn bệnh nhiễm sắc thể quái ác đó. Quằn quại trong nỗi đau. Cả hai mẹ con.
Rồi đứa con không còn được thấy nữa.Có người bảo, chị đã giết nó, và bây giờ nó quay về nhập vào chị,ám chị như một cách trả thù.Cũng có người bảo, nỗi đau đớn tột cùng đã biến hai mẹ con thành một. Chỉ còn là một thực thể duy nhất mà thôi…
Người phụ nữ trung niên đẹp vẫn quay đầu liên tục về tứ phía, quăng vào không gian những tia nhìn vô hồn….
***
Sẽ có nhiều người chọn một cái kết có tính chất hình tượng như vậy. Nhưng tôi không có thói quen làm cho mọi chuyện trở nên bi đát như vậy. Nhưng thật tình tôi cũng không biết phải làm sao, khi cuộc sống không phải màu hồng, thì những phiếm khúc của tôi không thể cứ là màu hồng mãi được. Suy nghĩ đó len vào đầu tôi, làm tôi gục xuống… cái kết có tiếng cười ư, sao mà khó quá…nhất là ở trong cuộc đời này…Chưa bao giờ tôi thấy mình lung lay như vậy !
Tôi thở hắt ra và quyết định đi tới ngôi đình để cầu nguyện một chút. Xin được bình yên và cũng xin các vị thần ấy chỉ tôi là, tôi nên cứ là mình với những thứ lung linh hay nên trở nên thực tế hơn với những sù sì gai góc của cuộc sống đầy rẫy niềm đau này…
Và tôi đã đi băng qua cánh đống trống hoác để vào ngôi đình. Lúc tôi vào thì các bạn biết không, tôi gặp hàng loạt các nhân vật của mình trong đó. Nhưng tôi không muốn gặp họ lúc này, nên tôi nép vào phía sau tấm màn ở cạnh gian thờ. Và tôi vô tình nghe được câu chuyện bí mật của ba vị thần…
Đầu tiên là tiếng của Thần Lầm Lẫn:
– Chuyện quái gì thế này? Họ đến cầu xin, ta cho họ toại nguyện sao bây giờ họ lại trở lại làm gì vậy?
Thần Có Mặt cho Đủ Đội Hình đáp:
– Họ muốn rút lại những lời thỉnh cầu đó.
– Sao kỳ ôn vậy?
Thần Lầm Lẫn gãi đâu. Tôi vén tấm màn lên tạo thành một khe nhỏ, và tôi đã thấy, vị thần quan trọng nhất của ngôi đình đang đi qua đi lại, mắt tập trung vào tờ giấy cầm trên tay. Đó là Thần Sửa Lỗi Sai. Thần vẫn gầy gò, hốc hác. Cuối cùng Thần Sửa Lỗi Sai cũng lên tiếng:
– Trời ơi tôi biết rồi…Họ là những người đã đến vào cái ngày chúng ta say xỉn be bét…Hôm đó tôi đã li bì tới khuya…Và không hề chỉnh sửa những quyết định lầm lẫn của ngài..
Thần Lầm Lẫn tặc lưỡi rồi cúi đầu xấu hổ.Thần Có mặt cho Đủ Đội Hình cũng lãng đi ra góc cột.Thần sữa Lỗi sai tiếp tục nói:
– Đây nè, lẽ ra chàng trai xin được cầu tử, nghĩa là xin chết, thì lại được ban cho một đứa con. Còn bà lão thì cầu tử cho vợ chồng con trai của mình, nghĩa là bà muốn có cháu bồng, thì…trời ơi, lại được cho toại nguyện… là bắt người con dâu phải chết…
Nói đến đó Thần Sửa Lổi Sai thất thần,nhìn qua hai người đồng nghiệp. Họ vẫn vậy, một người gục đầu, một người úp mặt vào cột.Thần thở dài rồi tiếp tục tìm hiểu tờ biên bản cầu nguyện:
– còn người phụ nữ trung niên cầu tử, là vừa xin đứa con bị Down được ra đi thanh thản, vừa cầu một đứa con khác thì chỉ được ban cho một nửa điều ước…dù đó là loại điều ước bị cấm…
Thần Sửa lỗi Sai quỳ trên gối, đưa tay bốp trán. Thần hét lên giữa không trung:
– Trời ơi, tại sao hôm đó tôi lại nhậu xỉn để gây ra những tai họa như thế này…
Dù không ai trách thần Sửa Lỗi Sai, vì rõ ràng người đáng trách hơn cả là hai vị thần có mặt cho đủ đội hình kia, cả hai, chứ không phải một.
Nhưng vị thần khắc khổ vẫn ôm nỗi cắn rứt trong lòng mình. Và sự cắn rứt ấy chỉ giảm đi chút ít khi thần nghe những lời khấn nguyện sau đây.
Đầu tiên là bà lão.
– Già đã sai rồi chư vị thần à, già ham cháu mà không nghĩ đến cảm giác của các con. Qua chuyện này, già như qua một cơn ác mộng. Bây giờ già chỉ mong các thần phù hộ độ trì cho đứa con của già, phấn chấn lên mà sống và những điều yên bình cho đứa nhỏ tội nghiệp kia. Bao nhiêu oán giận gì thì cứ đổ lên đầu già này thôi..
Tiếp theo là một chàng trai trẻ.
– Thần ơi, hôm trước con xin chết, nhưng hôm nay con muốn sống lại rồi, các vị cho con rút lại điều hôm trước con nói nha. Bây giờ con cần được sống, không chỉ cho con mà còn cho một sinh linh nhỏ bé nữa…
Cuối cùng là người phụ nữ trung niên đẹp. Chị không nói gì, vẫn quăng cái ánh nhìn vô hồn của mình về tứ phía.
***
Với những sai lầm không thể chấp nhận đó, hai vị thần có mặt cho đủ đội hình kia bị đình chức và đưa về trung ương cục thần linh chờ xét xử, tội danh thiếu trách nhiệm gây nên hậu quả nghiêm trọng. Thần Sửa Lỗi Sai được đưa lên chính tọa của đình, nhưng thần đã từ chối.
Tôi đã gặp thần ấy trên con đường vào đình. Thần bảo:
– Tôi ít nhiều cũng có trách nhiệm đến cái chết của cô con dâu của bà lão. Những chuyện khác, nói một cách nào đó, những sai sót ngớ ngẩn của chúng tôi mang lại những điều tích cực.Nhưng cái chết ấy thì không..
Tôi đáp với vẻ rầu rầu:
– Trong cái cuộc đời phức tạp này, đôi khi phải chát đắng như vậy, con người mới thức tỉnh nỗi, vậy giờ thần định đi đâu?
– tôi đi tìm vong hồn của cô con dâu không may kia, để chuộc lỗi. À mà nè chàng trai trẻ tập làm văn, sao cậu ủ dột vậy? Đó đâu phải phong cách của cậu. Cuộc đời này muôn màu vạn sắc. và cũng có màu hồng trong đó. Những trang sách của cậu, cứ vẽ lên màu hồng đó đi, có sao đâu…Biết đâu từ những màu hồng mà cậu gieo vào lòng người, những hạt giống tốt lành sẽ nảy nở.Và từ đó, có khi cuộc sống lại trở nên tốt đẹp hơn… Còn nếu cuộc sống này có đầy những u ám, mà cậu còn để những dòng viết của mình phủ phục trong màu xám, thì những nỗi đau kia, lấy cái gì để xoa dịu đây?
Thần nói, vỗ vai tôi, rồi trao tôi một nụ cười truyền nhiệt huyết.
***
4.
thì có ai bảo những gì tôi viết không thực tế hay chỉ là những thứ nhảm nhí chỉ có trong mơ, thì xin lỗi, tôi vẫn sẽ tiếp tục như vậy. Những câu chuyện của tôi vẫn cứ là những trang sách hồng, với những kết thúc có tiếng cười, mặc cuộc đời ngoài kia có đầy giông bão.Và tôi muốn các bạn tin rằng, thật ra cuộc đời ngoài kia có thế nào đi nữa, thì cũng sẽ kết thúc có hậu, có khi là chỉ chưa đến lúc kết thúc màu hồng xuất hiện đó thôi.Những trắc trở, gian truân làm bạn rơi nước mắt, sẽ là những thứ gia vị làm ấm lòng hơn trong cái ngày mà niềm vui phúc đáp.Tôi muốn các bạn tin vào điều đó. Cứ tin đi rồi hạnh phúc sẽ mỉm cười.
Nhưng bây giờ thì phải kết thúc câu chuyện này đã. Dĩ nhiên là một kết thúc màu hồng.
Tường màu hồng. Áo cô dâu màu hồng. Chú rể mặc áo vest màu trắng, nhưng cũng đeo nơ hồng.
Một đám cưới vui vẻ, những tiếng cười tràn ra khắp mặt bàn, tràn theo những tiếng cụng ly, những lời chúc tụng.
Cô dâu hơn chú rể năm tuổi. Cô dâu đã có một đứa con. Chú rể cũng là một người góa vợ.Và họ đã tìm thấy nhau. Ôm ấp nhau trong nỗi đau tột cùng, để rồi mang tới cho nhau hơi ấm của những kẻ lạc đường tìm ra ánh sáng.
Và thứ ánh sáng đưa họ thấy nhau, là ánh mắt vô hồn quăng về tứ phía của đứa con riêng của cô dâu…
Bạn sẽ tin vào điều tôi đang viết chứ? Còn nếu bạn quan tâm nhiều hơn về hành trình của vị thần khắc khổ Sửa Lỗi Sai và linh hồn của người con dâu không được làm mẹ, thi xin nói ngay là hành trình đó đang diễn ra. Nhưng như thói quen, tôi sẽ không kể ra ở đây, vì đơn giản nếu hành trình đó cũng có một kết thúc màu hồng, thì cũng là cái kết của một câu chuyện khác.
Nguyễn Phúc Thụy Phiên