Sự đời… nhiều lúc buồn cười nhưng cười không thành tiếng, chua chát.
***
Nhà chúng tôi có bốn người, cứ mỗi buổi cơm mẹ tôi thường gọi tôi và thằng em tôi bằng cây roi nhặt nhạnh đâu đó trên đường, buổi cơm nào cũng vậy, em tôi điều hít hà mêu mếu còn tôi cắm mặt vào chén mà ăn.
Cuộc sống ở quê yên bình lắm, cha tôi gọi dậy tập thể dục lúc 5h sáng, lúc mà gà gáy ngủ ò ó o o o o .. lúc mấy ông hàng xóm đem ấm trà ra ghế đẩu ngồi “đàm đạo” thì tôi đứng trên đường người run bần bật, em tôi còn thảm hơn nữa, nó ngồi chòm hỏm một cách rúm ró, mắt nhắm nghiền ngủ gật trong rất hoạt kê.
Cha tôi nói: “Tụi bây tập để có sức khỏe, lớn lên mà èo uột là không làm ăn gì được!”
6h sáng chúng tôi đi học, con đường nhựa sương giăng kín mít, những cành lá rủ mình làm sương đêm đọng lại rơi lộp độp. Anh em chúng tôi đèo nhau đi, tôi nói: “Triều này, tao muốn lớn lên mỗi thằng có một cái xe, mỗi thằng một cái nhà, tao không muốn chung chạ với mày. Trông mày tao ứa gan!” Thằng em tôi típ mắt cười hênh hếch, nó nói: “Em thương anh hai lắm”. Nếu là ai khác sẽ ngũi lòng, còn tôi thì không.
Những ngày trời nắng chúng tôi ra đồng săn bắn chim cò. Sáng tờ mờ đã đi có khi đến tận chiều tà mới lếch đầu về, lần nào cũng vậy, mẹ mời cơm chúng tôi bằng cây “roi” nhặt nhạnh ở đâu đó trên đường, và thằng em tội nghiệp của tôi…lại lả chả nước mắt.
Cha đi làm ăn xa ở tận đâu đâu, có khi mười bữa, nửa tháng về một lần. Mẹ hay cằn nhằn: “Đi rồi lại có con nào” Cha tôi gắt: “Đừng có nhiễu sự! Đi kiếm cái ăn cho nhà này chứ phải đi chơi”. Mẹ vẫn hay khóc thút thít vào những buổi tối cha đi vắng lúc mà anh em chúng tôi say ngủ. Tôi len lén trở dậy nhìn cái lưng rung rung của bà nhưng không dám lên tiếng rồi tự mình chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Gia đình chúng tôi làm ruộng, mỗi độ thu hoạch Cha thường gặt lúa anh em tôi kéo xe về chất ngoài sân. Nắng gắt đến độ mặt đường nứt nẻ, bong tróc như bánh đa, chúng tôi mồ hôi như tắm, Triều nói: “Anh Khuê ơi! Xong chuyến này nhảy sông tắm cái cho đã”. Có lẽ không nghề gì gian nan, vất vả bằng nghề làm nông, người dân phải hứng chịu nhiều bất trắc từ ông trời. Đến gặt xong mà mưa quài, mưa mãi không phơi lúa được đến ẩm móc thì công sức đổ sông đổ biển. Như mùa nước lũ, không có chỗ ráo để chất, nước tràn nhận chìm sạch bách! Ôi ông trời.
Thấy làm nông không xong nên Cha tôi chuyển sang đi buôn. Gia đình khép cánh cửa kéo xuống chiếc ghe 4 tấn mà buôn đi chuối, buôn dừa. Mỗi lần qua sông Cái, mẹ tôi điều niệm phật, bởi sóng đánh ành ạch vào mạng ghe chan chát tưởng chừng như sắp chìm đến nơi. Bà nói: “Văn ơi là Văn! Ông hại mẹ con nhà này đến bao giờ nữa đây?” Làm ăn thô lỗ, cả nhà lại kéo về làm ruộng, sự đời… nhiều lúc buồn cười nhưng cười không thành tiếng, chua chát.
Cha tôi oai nghiêm lắm, ít nói nhưng thương anh em chúng tôi. Hể có gì ngon điều để phần. Một hôm ông đi mò tôm gặp phải con rắn lớn, biết là rắn độc rất quý. Bán cho nhà giàu ngâm thuốc cũng có tiền sách vở cho chúng tôi nên không ngần ngại đuổi bắt, lần đó ông bị cắn tưởng xuýt chết. Nhờ có ông Ba Quân biết bài thuốc Nam giải độc hộ, nếu không, chắc toi cái mạng, nói như cách nói của mẹ tôi. Mẹ lại cằn nhằn: “Ngu dữ không biết, có chết ngây đâu mà phải liều mạng. Xưa nay đói khát quen rồi, thêm một vài ngày cũng đã sao”
Sau lần đó Cha tôi đi biền biệt mấy năm trời không thấy về. Ba mẹ con quần quật ruộng đồng, tôi lớn lên trong sự thua thiệt với bạn bè chung quanh. Gia cảnh vất vả nên anh em tôi đều bỏ học từ rất sớm để đỡ đần cho mẹ. Năm tháng trôi mau, tôi lớn lên bắt đầu đi làm. Thằng Triều không chịu đi đâu nên ở nhà với mẹ, nó nói: “Anh hai đi đi em ở nhà, mẹ già rồi anh em đi hết thì ai trông” Tôi ứa nước mắt, thấy hổ thẹn và thương em mình vô cùng”
Những tháng ngày bươn trải nơi đất khách quê người, tôi không sao cầm được nước mắt, ở đó người ta mắng nhiếc một cách thậm tệ như kẻ ăn, người ở. Số phận nghiệt ngã kéo tôi chung chạ với những con người nghiệt ngã, nhiều phần tử lao động chân tay mảnh đời còn đáng thương hơn tôi rất nhiều. Như bác Ba đã già ngót nghét 70 tuổi mà vẫn bưng bê gạch đá, trộn hồ, có khi mua thuốc cho cánh thợ xây để được vài ngàn đem về nuôi con bại liệt não từ nhỏ. Cô Tư bán vé số vẫn hay than thở mỗi khi có dịp, rằng con cô đổ đại học văn văn nhân gì đó nhưng không đủ tiền học phí, nó chán nản bỏ đi xin việc ở quán cafe…nói mà mắt cô Tư như sắp khóc.
Đêm đêm tôi gát tay lên trán nhìn những vì sao nhấp nháy trên màn đêm có thể sà xuống bất cứ lúc nào mà lòng buồn rười rượi. Những hoàn cảnh, những khốn khổ của cuộc đời thật ra còn bao nhiêu nữa? Hả trời?
Tôi nhớ đến mẹ, nhớ thằng Triều ghê lắm, nhớ những ngày tuổi thơ êm đềm bên sông nước quê hương. Có lẽ không ở đâu bằng quê mình, tôi ước mình trở về những tháng ngày ấu thơ bị mẹ chặn đánh bằng cây roi nhặt nhạnh đâu đó trên đường. Nhưng bây giờ có lẽ không còn được nữa, bởi hôm qua đây Triều điện thoại báo tin mẹ tôi yếu lắm, tay rung rung…tóc bạc phết…thần trí đã mê man hay lảm nhảm. Triều như khóc: “Anh hai ơi! Có khi nào mẹ bỏ anh em mình?” Da gà nổi cộm, tôi lạnh đến tận sống lưng.
Cha ơi! Bây giờ người ở nơi đâu?
Anh em chúng tôi chỉ biết đứng bên giường bệnh nhìn mẹ. Hôm nay..ngày mai…nhưng liệu một buổi chiều bất chợt nào trong căn nhà lụp xụp mái lá này, anh em chúng tôi không còn được nghe tiếng thở của mẹ. Lúc ấy sẽ ra sao?