Tình yêu là gì?
Hầu hết chúng ta đều tự cho rằng mình luôn có thái độ nghiêm túc với tình yêu. Chúng ta luôn cảm thấy mình khao khát yêu thương. Từ bé tới lớn, chúng ta đã xem hàng trăm cuốn tiểu thuyết, vô số các bộ phim xúc động, mùi mẫn về những mối tình hạnh phúc hay bất hạnh. Những bản tình ca rất hay/ hay vừa vừa/ thậm chí là rất dở cũng luôn có những fan hâm mộ cuồng nhiệt. Ở thời đại nào cũng thế, ở đất nước nào cũng xảy ra cùng một tình trạng như vậy. Vậy tình yêu là gì? Nó có phải là một nghệ thuật, một tri thức mà chỉ những ai biết nỗ lực phấn đấu hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện trí tuệ mới có thể có được nó hay ngược lại, đó chỉ là một tập hợp mung lung của các khoái cảm, khá hơn thì là một trạng thái “lâng lâng” tuyệt vời nào đó mà nếu có may mắn, bạn sẽ “tình cờ“ rơi vào đó. Trong tình yêu cái gì là quan trọng hàng đầu: Để được yêu hay để tự mình có khả năng yêu? Nói một cách khác, trong tình yêu vấn đề đối tượng hay vấn đề năng lực của tình yêu là quan trọng nhất? Phải chăng với đàn ông, tiêu chuẩn cho sự đáng yêu là việc thành đạt, có danh tiếng và giàu có, còn với phụ nữ đó là phong thái hấp dẫn, tinh tế và một vẻ bề ngoài quyến rũ? Phải chăng tình yêu luôn là sức hút của một sự hòa quyện giữa một vẻ bề ngoài khả ái và một sự hấp dẫn tính dục?
Những ngộ nhận trong tình yêu và những đổ vỡ tất yếu sẽ xảy ra
1. Dạng thứ nhất
Những người quan niệm rằng tình yêu thuộc phạm trù sở hữu và trao đổi theo kiểu “hai bên cùng có lợi”. Họ là những kiểu người có hạnh phúc lớn nhất là đi dạo khắp các cửa hiệu và mua được mọi thứ trong khả năng tài chính của mình, thậm chí phải mua bằng trả góp.”Quyến rũ“ với họ có nghĩa là đối tượng của họ đang sở hữu một cái gì đó có giá trên “thị trường nhân cách”, đối tượng được chọn phải là đối tượng “tối ưu” trong số các đối tượng đang có theo những toan tính trao đổi cá nhân của anh ta/ chị ta. Nhưng những kết cục đổ vỡ của những tình yêu kiểu này là không tránh khỏi, nó có mầm mống ngay từ trong cái động cơ của nó.
Trong nền kinh tế thị trường, mọi sự mua bán trao đổi luôn theo xu hướng quy mô, khối lượng trao đổi luôn phát triển từ nhỏ tới lớn, hành động trao đổi diễn ra không ngừng nghỉ. Và người tham gia trao đổi, mua bán khi kết thúc thương vụ luôn cảm thấy mình “bị hố”, lợi nhuận thu được không như mong muốn. Với một người đàn ông dạng này, khi còn là một cậu bé học trường làng, thì cô con gái của một gia đình khá giả hàng xóm đã là một đối tượng “tối ưu”, nhưng khi anh ta đã trở thành một người đàn ông có chút danh vọng trong xã hội, những người đàn bà “quyến rũ“ đối với anh ta sẽ phải là những người phụ nữ xinh đẹp, sang trọng sống trong những biệt thự, mặc những bộ quần áo hàng hiệu. Mối tình trước đây giờ đây như một chiếc áo đã cũ và đã rách, anh ta chỉ muốn quẳng nó đi để khoác lên người một bộ quần áo mới khác.
2. Dạng thứ hai
Những người quan niệm rằng trong tình yêu mọi cái thuộc về cơ may và đến hoàn toàn ngẫu nhiên hay như người ta thường gọi là “do số phận”. Tình yêu chỉ là sự khởi đầu bằng một tiếng sét tình ái nào đó và tiếp theo đó là trạng thái kéo dài không ngừng được gọi là “tình yêu” khi cả hai cá thể vốn xa lạ với nhau – phút chốc bỗng vượt qua rào cản và cảm thấy trở nên thân thiết. Điều kỳ diệu của sự thân thiết bất ngờ này thường gây nên cảm giác khoan khoái nếu nó được khơi gợi kèm theo sự ham muốn tình dục và sự cận kề về thể xác. Tuy nhiên, loại tình yêu như thế thực chất không lâu bền. Theo thời gian, hai người biết rõ hơn về nhau, sự thân thiết của họ dần dần không còn là điều kỳ diệu nữa và rốt cuộc là sự xung khắc, thất vọng và buồn chán của họ sẽ giết chết tất cả những gì còn lại từ niềm hứng khởi ban đầu.
3. Dạng thứ ba
Loại người này được tạm gọi là dạng người “khổ dâm“ hoặc “bạo dâm”. Những kẻ “khổ dâm” là những người luôn có xu hướng muốn bắt mình phải phục tùng, phải trở thành nô lệ cho người khác. Họ sẵn sàng chối bỏ tự do cá nhân để đổi lấy chút ân sủng của “chủ nô“ của họ. Họ cảm thấy sung sướng và an toàn khi được nhận những ân sủng đó. Những cá nhân mắc chứng khổ dâm luôn sợ hãi phải đối diện với sự cô đơn, không bao giờ dám mạo hiểm vượt thoát ra khỏi cái tình yêu mà mình đã mắc vào như mắc trong chiếc lưới. Họ không bao giờ dám đưa ra một quyết định độc lập, đối nghịch lại với “chủ nhân“ của mình. Nói tóm lại đó là những mẫu người chưa trưởng thành về nhân cách. Mối quan hệ mang tính “khổ dâm” có thể lồng ghép trong một sự quyến rũ về nhục dục, trong trường hợp đó, cá nhân này không chỉ bị khuất phục về tâm hồn mà còn về thể xác.
Đối nghịch theo một nghĩa nào đó với hình ảnh những kẻ “khổ dâm” là những kẻ “bạo dâm”. Cá nhân mắc chứng “bạo dâm” cố tự giải thoát khỏi sự cầm tù trong bế tắc chán chường và lẩn tránh sự cô đơn bằng cách làm cho cá nhân khác trở thành một phần của mình, ngắm nhìn sự nô lệ quỵ lụy của “con mồi“ và tự tôn chính mình bằng cách coi cá nhân kia như một bộ phận của mình, nhập cái cá nhân tôn thờ mình vào bản thân mình. Cá nhân mắc chứng “khổ dâm“ này cũng bị phụ thuộc vào kẻ bị khuất phục và không một ai trong số họ có thể sống thiếu người kia. Sự khác biệt chỉ ở chỗ cá nhân mắc chứng bạo dâm điều khiển, bóc lột, hạ nhục; còn người chịu sự thống trị phải phục tùng sự điều khiển và chịu đựng bị bóc lột, bị hạ nhục và đau đớn.
Chúng ta đều thấy rõ cái kết cục của những mối tình này. Có thể chúng kéo dài, rất dài so với sự tưởng tượng của những người xung quanh nhưng sẽ luôn kết thúc đột ngột. Đa phần là trong bi thảm. Mỗi người đều có những giới hạn nhất định cho việc chịu đựng đớn đau. Kẻ nô lệ kia đến một ngày nào đó sẽ cảm thấy không thể chịu đựng được nữa và sẽ vùng lên nổi loạn hay bỏ trốn. Trong một số trường hợp, giống như con mèo chán vờn một con chuột đã chết, kẻ bạo chúa kia sẽ buông tha con mồi và đi tìm những con mồi mới.
4. Tại sao chúng ta cần tới tình yêu?
Tôi quan niệm rằng bất kỳ một sự cố gắng giải thích nào về tình yêu nào cũng cần phải bắt đầu từ bản chất của con người. Mặc dù ở các loài động vật, chúng ta cũng có thể phát hiện thấy tình yêu hay đúng hơn là một cái gì đó tương tự như thế. Tuy nhiên, sự quyến luyến của động vật cơ bản lại thuộc về lĩnh vực bản năng, ở con người thì hoàn toàn khác biệt. Con người được ban cho trí tuệ, anh ta nhận thức bản thân và những gì tương tự bản thân mình: quá khứ của mình và tương lai có thể của mình. Nhận thức sự ngắn ngủi của con đường đời của mình. Nhận thức rõ một điều rằng, con người được sinh ra độc lập với ý nguyện của mình, và bất chấp ý nguyện của mình sẽ bị chết đi, toàn bộ những điều đó đã biến sự tồn tại trong cô đơn tách biệt của con người thành sự đầy ải thực sự. Như vậy, sự cô đơn, sự lạc lõng xa lạ với những người khác là nguồn gốc của sự bất an về nội tâm. Ngoài ra, điều này làm nảy sinh sự xấu hổ và mặc cảm tội lỗi khi nhìn thấy những người khác sống hạnh phúc, trong sự chia sẻ với người yêu của mình. Sự khao khát mãnh liệt gắn bó làm một với người yêu mạnh hơn tất cả những mong ước khác của con người. Đây là ước vọng mãnh liệt chính yếu nhất, sức mạnh gắn bó gia đình, họ hàng, xã hội, cả nhân loại thành một thể thống nhất toàn vẹn.
Tình dục, mối quan hệ giới tính đóng vai trò gì trong tình yêu? Phải chăng Freud đã quan niệm đúng khi cho rằng tình yêu và những sự thăng hoa của nó cũng chỉ là những biểu hiện, chỉ là những phần nổi của một tảng băng chìm khuất trong mỗi cá nhân, cái tảng băng có tên gọi là Bản – Năng – Tính – Dục. Theo những luận điểm (nghiêng nhiều về khía cạnh duy vật, cụ thể là sinh lý học) của Freud, ông xem rằng bản năng tính dục như là sự tích tụ của căng thẳng và đau khổ, ham muốn tính dục là ham muốn được xóa bỏ sự căng thẳng đó. Nếu vậy thì ham muốn tính dục tác động vào cơ thể cũng chỉ như cảm giác đói khát hay ngứa ngáy, và con đường đơn giản nhất và nhanh nhất để có được sự thỏa mãn tính dục là thủ dâm. Tại sao chúng ta không làm như vậy? Bởi vì tình dục không chỉ là vấn đề sinh lý mà còn là vấn đề tâm lý. Sự ham muốn tình dục không chỉ đơn thuần là nguyên nhân mà trong đa số trường hợp, nó là kết quả, là sự thăng hoa của nhu cầu yêu thương và nhu cầu gắn kết hòa đồng làm một khối với người mình yêu thương. Và như thế vai trò của người phụ nữ và người đàn ông ở đây là hoàn toàn bình đẳng.
5. Tình yêu chân chính – đó phải là tình yêu của sự dâng hiến
Nhà triết học – toán học Spinoza Benedict (1632-1677) đã nêu ra sự phân biệt thú vị giữa những tác động “tích cực” và “tiêu cực”, giữa “khát khao” và “dục vọng”. Khi thực hiện một “khát khao”, con người ở một vị thế tự do, làm chủ những hành động của mình. Khi tiến hành những tác động nhằm thỏa mãn một dục vọng nào đó, con người bị cầm tù bởi những tác động từ bên ngoài và trở thành đối tượng bị chi phối bởi chúng. Thói đố kỵ hiềm khích, háo danh hay tham lam bất kể ở dạng nào luôn là dục vọng. Còn tình yêu (chân chính) luôn là một “khao khát”, biểu hiện sức mạnh của con người và chỉ có thể có được trong điều kiện tự do và không bao giờ là hệ quả của một sự cưỡng bức. Có thể nói một cách cô đọng nhất về tình yêu chân chính: Tình yêu trước hết đó là một sự dâng hiến, nói cách khác đó là sự “cho“ đi chứ không phải “nhận“ về.
Vậy “cho“ ở đây có nghĩa là gì? Đa phần mọi người, nhất là với những ai mang nặng “tâm lý thị trường”, “cho đi” ở đây dường như là phải chấp nhận một sự “thua thiệt” hay chấp nhận “hy sinh” một cái gì đó. Nhưng với những người có trí tuệ, có phương châm sống đúng đắn, “cho“ hay “dâng hiến“ đều mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Cho – ở đây biểu hiện cao nhất của sức mạnh và lòng tự tin. Khi tôi cho, trong tôi cảm nhận về sức mạnh của sự sống, tôi cảm thấy rằng tôi đang sống, chính vì thế tôi thấy hạnh phúc. Ta hãy chứng minh bằng một ví dụ cụ thể: Quan hệ tính dục. Biểu hiện cao nhất trong chức năng tính dục của người đàn ông là cho đi. Khi ân ái, người đàn ông trao trọn cho người nữ cơ quan sinh dục của mình, khi cực khoái, người đàn ông trao trọn vẹn cho người phụ nữ tinh khí của mình. Tất nhiên anh ta không thể cho cái gì cả một khi anh ta là kẻ bất lực. Với người phụ nữ cũng hoàn toàn tương tự, hành động cho phép xâm nhập vào bộ phận sinh dục của mình mới chỉ đơn thuần là hành động “nhận”, nó sẽ là hành động “cho“ nếu đi kèm với điều đó là một xúc cảm âu yếm dâng trào.
Trong lĩnh vực vật chất, “cho” đồng nghĩa với giầu có. Xét theo quan điểm tâm lý, kẻ keo kiệt luôn gầm ghè giữ đống của của mình là một kẻ nghèo hèn dù đống của đó lớn chừng nào đi nữa. Người giầu có là người có khả năng cho, thậm chí dâng tặng bản thân mình cho người khác. Nhưng điều quan trọng nhất đương nhiên không thuộc phạm trù vật chất mà là những giá trị đặc thù mang tính nhân bản cao. Một người có thể “cho” gì cho người yêu dấu của mình? Anh ta chia sẻ với người kia chính bản thân mình, cuộc sống của mình, những gì giá trị nhất mà anh ta có được. Đơn giản là anh ta chia sẻ những gì thuộc về sinh lực trong con người mình: những mối quan tâm, những suy nghĩ, những kiến thức của mình, những tâm tình, những niềm vui và cả nỗi buồn – toàn bộ đời sống tình cảm của anh ta. Như vậy, khi chia sẻ cuộc sống của mình, con người đó đã làm giầu thêm cho người khác, làm tăng thêm sức sống của người kia. Bằng cách “cho đi”, dâng hiến, ta sẽ thúc đẩy người ta yêu cũng “cho“ và khi đó chúng ta sẽ cùng chia sẻ niềm vui trong cuộc sống do chính chúng ta khơi dậy nên. Chúng ta sẽ hàm ơn vì một cuộc sống mới đã xuất hiện cho cả hai người. Có thể nói ngắn gọn rằng tình yêu là một sức mạnh để nẩy sinh ra tình yêu.
Vẫn cần phải nhắc lại rằng khả năng “cho” phụ thuộc rất nhiều đặc điểm phát triển của mỗi cá nhân. Khả năng “dâng hiến“ hay “cho” đòi hỏi cá nhân đó phải biết vượt qua tính ỉ lại, tính tự ái, thói hám lợi, tính bảo thủ hay tính “thích làm ngược đời” với những người khác. Con người ấy phải dám tin vào khả năng có thể thay đổi bản thân mình để đi đến chỗ tạo dựng được hạnh phúc cho mình. Nếu những phẩm chất này càng kém phát triển bao nhiêu thì con người ấy càng sợ “cho” bấy nhiêu, có nghĩa là càng sợ yêu bấy nhiêu.
Chúng ta nói rằng tình yêu chân chính là tình yêu dâng hiến, là sự cho đi, điều này cũng luôn có nghĩa là tình yêu chân chính đòi hỏi sự quan tâm, có trách nhiệm, tôn trọng và hiểu thấu đáo. Đó cũng là một khía cạnh quý giá của tình yêu, luôn xuất hiện trong mọi biểu hiện phong phú của nó.
Chỉ có bằng tình yêu, một tình yêu dâng hiến bản thân mình cho người mình yêu tới mức có thể hòa nhập làm một với con người ấy, chúng ta mới có thể phát hiện ra được chúng ta, những điều tốt đẹp tới mức kỳ diệu đang tồn tại trong con người chúng ta và cả trong tâm hồn người chúng ta yêu dấu, khi đó cuộc sống mới thực sự trở nên đáng sống.
-Nguồn: TLHTY-