Tình yêu là một thứ không thể hỏi tại sao khi nó đến với người này thì lại dịu dàng, êm ả mà với người khác lại nghiệt ngã, trắc trở. Thụy đã trải qua những ngày mà tâm tư luôn nặng nề, u uẩn.
***
Tôi mở rộng cánh cửa , ánh nắng yếu ớt của một buổi chiều sắp tàn hắt qua thềm, người thanh niên vừa gõ cửa đứng trước tôi. Tôi biết đó là người hàng xóm trọ ở căn nhà đối diện nhà tôi. Dù con hẻm cách chừng chục mét nhưng tôi chưa bao giờ trò chuyện, thậm chí là chưa chào hỏi xã giao.
Trong tay anh ta cầm một thứ gì đó như tấm bìa cứng hoặc một tấm hình, tôi gật đầu chào vừa đưa mắt dò hỏi. Anh ta ngập ngừng:
– Ðây là một việc có thể làm cô không hài lòng nhưng tôi đã trót thực hiện, chỉ có điều tôi nên giao nó cho cô hơn là tôi giữ, nếu cô vui lòng thì xin hãy xem đây là một quà tặng.
Anh ta vừa nói vừa chìa ra một bức tranh, tôi liếc nhanh, một khung cửa sổ với một người con gái có mái tóc dài buông xỏa trên vai và hoa, và lá … Tranh vẽ bằng bút chì, tôi nghĩ thế và hiểu ngay đó là tôi dù chỉ giống nhất mái tóc và cặp kính cận. Hơi bất ngờ, tôi tròn mắt hỏi:
– Anh đã vẽ tôi ư? Lúc nào vậy?
Anh ta mỉm cười:
– Những buổi chiều, khi tôi tình cờ trông thấy…
Một cảm giác thú vị len vào tôi. Tuy nhiên tôi thấy bối rối chưa biết xử trí ra sao? Nếu là một thứ tặng vật nào khác từ một người mà cả cái tên tôi còn chưa biết thì chắc chắn rằng tôi không nhận, nhưng đây lại là chân dung của tôi, nếu không nhận có nghĩa là muốn anh ta phải giữ. Tôi còn đang phân vân thì bức tranh đã được đặt vào tay, tôi chưa kịp nói lời cám ơn cho phải phép, anh ta đã quay bước, một người ít lời, tôi nghĩ thế.
Từ hôm đó cánh cửa nhà tôi luôn khép lại và tôi cũng ngại đứng bên cửa sổ ngóng nhìn trời đất như thói quen. Anh ta ít nhiều đã gây cho tôi sự chú ý. Giờ thì tôi biết anh ta làm việc gì, làm ở đâu, đi về khoảng mấy giờ và cả cái tên Thụy dịu dàng như tên con gái.
***
Sau lần mang tranh tặng tôi, anh ta không hề có biểu hiện gì tỏ ra muốn tìm cách làm quen với tôi. Căn phòng “bên ấy” cũng thường xuyên khép cửa. Tôi và anh ta lại không tình cờ gặp nhau ở đâu cả, nên sự xa lạ vẫn như lúc ban đầu. Còn bức tranh anh ta vẽ cùng với những suy đoán trước đây của tôi, được tôi cất vào một góc suy nghĩ chờ lãng quên.
Và khi tôi không còn quan tâm đến người hàng xóm ấy nữa thì có một đêm tôi thức giấc vào giữa khuya. Trong không gian yên tĩnh, tiếng guitar từ đâu văng vẳng vọng đến bên tôi, tiếng đàn quyện vào tiếng hát trầm ấm, cô đơn và lời ca buồn đến se lòng.
Tôi bật dậy lắng nghe, chuỗi âm thanh mơ hồ như không thực kéo tôi đi về phía cửa sổ, tôi mở hé cửa nhìn ra ngoài, dưới hiên nhà đối diện có một người đang ngồi đàn trong bóng tối, tôi không biết đó là ai vì trong căn nhà ấy có mấy người cùng trọ. Tiếng đàn và giọng hát trầm ấm kia như có ma lực cuốn hút tôi.
“…Thôi xin ơn đời trong cơn mê này gọi mùa thu tới, tôi đưa em về chân em bước nhẹ trời buồn gió cao, đời xin có nhau dài cho mãi sau…”
Tiếng đàn và sự cô quạnh của đêm khuya dễ gây cho người ta nỗi buồn và cảm giác đó truyền vào tôi rất nhanh. Ai đàn vậy nhỉ? Tôi mở tung cánh cửa ra, ánh sáng trong phòng hắt ra thềm. Tiếng đàn lẫn tiếng hát chợt im bặt. Tôi như tỉnh trước hành động vô thức của mình, nên lại vội vàng đóng sập cửa. Trở lại giường nằm, tôi rủa mình vô duyên.
Mặt trời hừng lên bên kia đồi, bầy chim sẻ ríu rít, rộn ràng trên mái ngói. Buổi sáng mùa thu trời đầy mây trắng, một ngày sẽ lạnh hơn mọi ngày. Những chiếc lá rụng bay đầy trước sân hôm nay được tôi quan tâm hơn bằng những nhát chổi chậm chạp, thật khó giải thích tại sao tôi chờ đợi, tiếng đàn lúc khuya vẫn như văng vẳng bên tai, tôi cảm thấy hồi hộp trước cái giờ mà tôi biết căn nhà đối diện sẽ mở cửa, và…
– Uyên !
Tiếng gọi khẽ như sợ người được gọi nghe thấy, dù có ý chờ đợi cuộc gặp gỡ này song tôi không khỏi giật mình.
Thụy đang tiến về phía tôi, dáng đi của anh trầm tỉnh, lẳng lặng. Tôi hơi ngẩn ra, nghĩ mãi để tìm một câu nói mở đầu sao cho thật tự nhiên, nhưng Thụy đã lên tiếng trước:
– Có phải hồi đêm tiếng đàn của tôi đã phá giấc ngủ của Uyên?
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
– Là anh đàn ư?
– Vâng! Và tôi đang tự hỏi tại sao cửa sổ nhà Uyên hồi đêm chợt mở ra rồi đóng sập lại đầy vẻ bực dọc?
Tôi nở nụ cười thân thiện :
– Anh đã hiểu nhầm, thật ra bài hát của Trịnh Công Sơn hay quá, chỉ tiếc rằng tôi không được nghe hết…
Thụy thở phào :
– Vậy mà tôi cứ tưởng…
– Anh tưởng tôi là một người không biết thưởng thức một giai điệu hay như thế ư?
– Tôi không nghĩ như vậy, nhưng được biết Uyên không khó chịu vì điều ấy thì tôi yên tâm rồi.
Tôi biện minh :
– Tôi đã hơi vô ý, thật ra tôi mở cửa vì muốn tiếng đàn kia vọng sang rõ hơn và cũng muốn biết ai đàn bên ấy! Anh biết không tôi rất “mê” bài Hạ trắng…
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nụ cười của Thụy, anh lộ vẻ vui, dường như ở con người này mọi nỗi niềm biểu lộ nhiều qua ánh mắt hơn là lời nói.
***
Thụy mang đến tặng tôi bài Hạ trắng chép tay, những dòng nhạc kẽ cẩn thận và nét chữ nắn nót bằng mực tím, có minh họa một cô gái tóc dài đứng trên đồi thông, tà áo bay hứng đầy hoa nắng và ở mặt ngoài có trích ghi dòng chữ “Áo em bây giờ mờ xa nẻo mây, gọi tên em mãi suốt cơn mê này…”
Từ đó những khi nghe tiếng đàn của Thụy ngân lên, tôi bèn mở hờ cửa sổ tỏ một tín hiệu lặng lẽ rằng tôi đang lắng nghe. Ở ” bên kia” bài Hạ Trắng được dạo lên nhiều lần, tiếng đàn trầm và luôn luôn tôi có cảm giác Thụy đang buồn.
Về mối quan hệ của Thụy và tôi, tôi thật sự khó hiểu, không biết Thụy nghĩ sao về tôi, vì có lúc anh tỏ ra quan tâm, thân thiện với tôi, lại có lúc anh như muốn lánh tôi và thật lạnh lùng. Phần tôi cũng tự chất vấn mình, đó chỉ là một sự ngưỡng mộ trước một người có nhiều biệt tài, hoặc có hơn thế thì đó là một thứ tình cảm chưa thể đặt tên bây giờ, vì xét cho cùng tiếng đàn tiếng đàn của Thụy gần gũi với tôi hơn là anh.
Nhưng bỗng nhiên tiếng Guitar không còn cất lên trong nhiều đêm, tôi chợt thấy trống vắng. Bản tính e dè không cho tôi sang “bên ấy” xem Thụy ra sao. Căn nhà đối diện vẫn còn những người ở cùng Thụy ra vào, chỉ vắng anh. Một tuần, rồi một tháng vẫn biền biệt. Như vậy là Thụy đã đi khỏi đây, vậy mà anh không hề nói với tôi một lời từ biệt. Tôi tự nhủ “Một người vô tâm, nên quên đi là hơn!”
Tôi sẽ không còn bận tâm và nhớ về Thụy như một ám ảnh nếu tôi đừng biết thêm một điều gì nữa về anh. Một thời gian không lâu sau đó, tôi tình cờ gặp người bạn trọ chung nhà với Thụy, tôi không nén được lời trách cứ về việc Thụy chuyển đi mà tôi không hay biết. Người bạn ấy mới tiết lộ câu chuyện mà tôi cho rằng họ đã cố tình giấu kín.
Trước khi đến đây Thụy đã lập gia đình, nhưng đó là một cuộc hôn nhân không hoàn hảo, cô gái ấy không có lỗi gì nhưng hoàn toàn không phù hợp với tính cách của anh, không hạnh phúc. Với đời quân nhân đây đó Thụy luôn xa nhà. Rồi do yêu cầu của công tác Thụy đã đến đây, không ngờ nơi dừng chân này trái tim anh đã rung động trước một người con gái nhưng ý thức việc anh đã có gia đình, Thụy phải giấu kín tình cảm của mình.
Tình yêu là một thứ không thể hỏi tại sao khi nó đến với người này thì lại dịu dàng, êm ả mà với người khác lại nghiệt ngã, trắc trở. Thụy đã trải qua những ngày mà tâm tư luôn nặng nề, u uẩn. Và trong một đợt tăng cường cho một đơn vị tác chiến Thuỵ đã hăng hái lên đường, cũng để không vướng vào một lầm lỗi mà anh chắc mình sẽ không tránh được, đó là khi tình yêu của anh sẽ không còn là mối tình đơn phương.
Thụy ra đi khi trái tim anh đã hằn sâu một một ánh mắt, một dáng hình và hơn cả là người con gái ấy có một sự đồng cảm với tâm hồn anh. Nhưng Thụy đã không bao giờ trở về được nữa, anh mãi mãi nằm lại nơi chiến trường…
Tôi lặng đi, bàng hoàng trước một cảm giác như có một cái gì đó quí giá vừa rơi khỏi tay mình và đã tan, đã vỡ. . .
***
Ðã nhiều năm trôi qua, khuôn mặt Thụy không còn rõ nét trong trí nhớ của tôi, nhưng mỗi khi bất chợt nghe đâu đó vang lên giai điệu của bài Hạ Trắng thì trong tâm hồn tôi lại gợi lên một sự tiếc nhớ rưng rưng. Mãi mãi tôi không quên được một hình ảnh đẹp mà Trịnh Công Sơn đã vẽ lên bằng lời nhạc, và Thụy là người tô điểm, đặt nó vào trái tim tôi.