Ngôi nhà lụp xụp cuối xóm nhỏ trên một con dốc là nhà của chúng tôi. Bố mẹ tôi chuyển đến đây sinh sống được năm năm thì tôi chào đời, còn đứa nhóc gầy gò, đen nhẻm luôn hơn tôi ba tuổi ấy thì được tôi gọi bằng chị khi tôi quyết định sẽ có mặt trên cõi đời này!!!
Chị là chị đấy nhé!!! Nhưng từ ngày bé đứa nhóc ấy chẳng bồng bế tôi ngày nào cả, chẳng những vậy còn suốt ngày tranh cướp thức ăn với tôi…
***
Thời gian ấy nhà tôi còn rất nghèo, trong bữa cơm thì cơm ít mà độn thêm sắn với khoai thì nhiều, ba mẹ thường để phần cơm ít ỏi cho chúng tôi ăn, và món mà hai đứa thích nhất, ngày nào cũng ăn là món tóp mỡ của mẹ. Tóp mỡ được mẹ nấu với canh rau khoai, những lá khoai mẹ trồng trên rẫy, tóp mỡ được mẹ kho với mấy con cá bống bé ti được ba bắt dưới suối lên và một bát tóp mỡ dành riêng cho hai đứa chúng tôi. Bọn con nít chúng tôi ngày đó tranh cướp nhau, đến đánh nhau khóc nhè chỉ để tranh được mấy miếng tóp mỡ cuối cùng trong bát.
Vậy nên trong kí ức tôi vẫn còn y nguyên cảm xúc ghét, ghét cái đứa mỗi ngày tranh phần tóp mỡ với tôi như thế nào.
Đứa nhóc ấy là một cô nàng gầy còm còn đen nhẻm. Đã có những lần bởi thói ích kỉ ham ăn của mình, trong ý nghĩ non nớt của mình tôi đã ước giá mà tôi không có chị hóa lại hay, sẽ chẳng ai tranh phần với tôi nữa….nhưng tôi quên rằng nếu không có đứa trẻ ấy ai sẽ chơi đùa cùng tôi, nghịch phá chọc ngoáy nhau suốt ngày, cấu véo nhau đến khóc thét, rồi ít phút sau lại như không có chuyện gì.
Tôi sẽ có một tuổi thơ như thế nào? Tôi có lớn lên là tôi như bây giờ hay không?
Thật tốt vì con nít rất đơn giản và vô tư, ngày trước, phút trước đánh nhau sứt đầu mẻ trán, khóc thét tuyên bố hùng hồn là một đời không chơi với nhau nữa thì phút sau lại có thể cầm lấy vạt áo nhau chơi dung dăng dung dẻ ngay được rồi. Vậy nên cũng dễ hiểu là dù có nói ghét chị thế nào thì đứa nhóc béo ú là tôi vẫn cứ bám theo cái đứa nhóc đen nhẻm gầy còm ấy đi chơi khắp các hang cùng ngõ hẹp của cái xóm nhỏ dưới đồi cho đến khi chúng tôi lớn hơn xíu nữa…
Ở nhà bắt nạt tôi là thế nhưng hễ cứ ra đường có đứa nào làm tôi khóc thì y như rằng đứa trẻ hơn tôi ba tuổi gầy còm ấy lại hùng hổ bước tới hét toáng vào cái bản mặt của kẻ đó, chẳng do dự một giây chỉ để lấy lại công bằng cho đứa em thơ.
Tôi còn nhớ có một lần vào buổi chiều, như những ngày bình thường trưa nắng chang chang, chúng tôi lại giả vờ nhắm mắt ngủ. Đợi đến khi mẹ ngủ thì hai đứa lại len lén mẹ trốn xuống cái sân to rộng nhất xóm để chơi. Dù trời trưa đứng bóng nhưng cũng như chúng tôi, trên sân bấy giờ cũng có dăm ba đứa con trai choai choai tầm đấy đang ngồi quanh chơi trò bắn bi, đang ngồi xem mấy đứa bắn bi thì chị chạy đi đâu mất. Tôi ngồi xem một hồi thì lẫn lẫn tới chỗ tập kết nhiều bi. Trộm của tụi con trai mấy viên, ấy thế mà bọn ma ranh đó biết tôi lấy trộm bi của nó. Một thằng béo ú xông tới nạt tôi ầm ào, tôi khóc ré thì chị tôi ở đâu xuất hiện.
– Sao bọn bây làm em tau khóc?(sao các bạn làm em tớ khóc)
– Em mi lấy bi của bọn tau, nói nó trả đây mau lên!( em bạn lấy bi của chúng tớ..,)
– Em có lấy bi của bọn ni không? (em có lấy bi của chúng nó không?)
Nước mắt lưng tròng, tôi lắc đầu nguầy nguậy.
– Hắn có lấy mô, bọn bây đừng có mà lớn bắt nạt nhỏ nghe nhưa? (hắn không lấy, các bạn đừng có lớn bắt nạt nhỏ nhé)
Chị lại hướng mắt nhìn qua tôi, bắt gặp ánh mắt sợ sệt, dáo dác tới tội nghiệp của tôi chị lại càng hùng hổ hơn nhưng khi thấy hai tay tôi đang khoanh lại sau lưng thì chị biết chuyện gì thật sự vừa xảy ra rồi. Nói thật mau với bọn nó:
– Em tau không lấy, để tau về nhà hỏi lại hắn đã có gì nói bọn bây sau nhưa.
(Em tớ không lấy, để tớ về nhà hỏi nó đã có gì tớ nói với các bạn sau nhé)
Chưa kịp để bọn nhóc kia kịp phản ứng chị đã nhanh nhanh kéo tôi chạy lên con dốc phía nhà.
Khi đã đến nhà, ngồi sau cánh cửa cổng sắt rỉ rét, hai chị em ngồi thở hổn hển. Rồi nhìn nhau cười khoái chí khi trông thấy ở dưới dốc có một thằng mập vẫn còn đang…rượt theo. Một chốc sau, chị liếc sang nhìn tôi ánh mắt sắc lạnh, tôi biết rằng mấy viên bi nảy giờ tôi giữ không thể thuộc về mình.
Những chiều nắng rong ruổi khắp ngõ xóm phá phách ngày ấy cứ đến rồi kéo nhau đi, đi xa mãi…
Cho đến khi chị tôi lên cấp hai, thì chúng tôi không còn được nhiều cơ hội đề chơi đùa với nhau như vậy nữa. Trường cấp hai ở huyện, xa cái xóm nhỏ của tôi gần trăm cây số, mấy tháng chị mới về một lần, rồi hai ba bữa mẹ lại khăn đùm, túi gói bao nhiêu đồ để vào ba lô cho chị đem về trường ăn dần.
Kể từ đấy ngôi nhà nhỏ neo người của chúng tôi lại càng bình lặng hơn bao giờ hết, giờ chỉ còn tôi một mình trong căn nhà sau những giờ ba mẹ đi lên rẫy. Ba mẹ thường đi làm từ lúc sớm, tới trưa lúc đi học về tôi gặp được ba mẹ trong bữa cơm rồi ba mẹ lại đi. Cuộc sống bây giờ khấm khá hơn trước, nhà tôi không còn ăn tóp mỡ nữa, ba mẹ tôi cũng không phải ăn khoai sắn thay cơm, cũng là lúc chẳng còn ai tranh phần ăn của tôi, cũng không còn ai ở bên tôi khi tôi bị chúng bạn bắt nạt nữa. Tôi cũng dần dần học được cách phải mạnh mẽ để không bị bắt nạt của những đứa lớn hơn mình.
Thời gian cứ thấm thoát qua đi, khi bây giờ tôi đã là học sinh cấp ba và chị đã là sinh viên đại học năm hai, thời gian để ở cạnh nhau không bao giờ còn được nhiều như trước nữa! Dù cuộc sống khấm khá hơn, chúng tôi có thể thấy nhau qua màn hình máy tính. Nhưng lẽ dĩ nhiên không thể chia sẽ, trêu đùa với nhau như hồi nhỏ, áp lực cuộc sống ngày càng đè nặng lên vai của chúng tôi. Có những lần chị về hè, về tết thời gian ở cạnh cũng nhiều hơn nhưng sao tôi thấy giữa chị và tôi khoảng cách quá xa vời? Phải chăng vì khi lớn con người ta có quá nhiều nỗi lo? Những nỗi lo ấy đẩy ta xa nhau, không còn có thể gần gũi, yêu thương, chia sẽ nhiều với nhau như trước nữa? Để ta dành trơ lì cảm xúc đi?
Một đêm tối, tỉnh giấc sau một giấc mơ có phần kinh hãi, tôi nghe thấy tiếng khóc của chị, cảm giác bối rối dâng lên trong lòng, vì tôi không biết nên làm gì? Nên lên tiếng hỏi xem vì sao chị khóc hay nên im lặng giả vờ mình đang ngủ? Nếu là lúc bé, thấy chị khóc tôi sẽ đứng bất động và nhìn chị, lúc ấy chị sẽ nhìn chòng chọc lại phía tôi với ánh mắt căng tức và lại hùng hổ dọa đánh tôi vì dám nhìn chị khóc với cái mặt hồ hởi như thế. Nhưng bây giờ thì tôi nên làm gì? Suy nghĩ một hồi tôi lên tiếng:
– Chị ? Sao chị không ngủ đi? Chị mơ thấy ác mộng phải không? Đáng sợ lắm hả?
Vẫn không nghe động tĩnh gì ? Tôi lại tiếp:
– Em cũng mới mơ thấy giấc mơ ghê lắm, bị người ta rượt chạy hoài đến kiệt sức thì thấy một con dốc cao ơi là cao, em không thể nào vượt qua nó, người đó rượt tới kịp và thế là em tỉnh giấc.
Tôi không còn nghe chị khóc nữa, lấy tay mình xoa xoa đầu chị như an ủi một đứa trẻ
– Không sao đâu mà, chỉ là mơ thôi…
Tôi thấy chị cựa mình…
– Chà , xoa đầu ai đó nhóc, người lớn quá ta? Biết an ủi người khác nữa hả? Nhóc con ! Ngủ đi !
Thấy chị nói vậy tôi rất yên tâm mà ngủ một giấc không tỉnh dậy lần nào nữa cho tới sáng hôm sau.
Buổi trưa khi đang loay hoay dọn mâm và rửa chén dưới bếp, tôi nghe mẹ tâm sự với chị, chị kể mẹ nghe về cuộc sống sinh viên ra sao? Những sinh viên ở phố như thế nào?
Tôi mới biết là cuộc sống sinh viên rất khổ khi phải tự mình lo cho bản thân, dù rằng chị đã quen sống tự lập nhiều năm từ khi lên cấp hai, nhưng cuộc sống ở phố quả thật phức tạp hơn nhiều. Áp lực học hành, thi cử, áp lực phải đối diện khi là một đứa dân tỉnh lẻ ra phố học. Bị chọc ghẹo, bị coi thường, đối diện với ánh mắt khinh khỉnh… chị tôi đã lớn hơn, trưởng thành hơn, cứng cỏi và cũng gầy hơn trước!
Thời gian sau, tôi được nghe mẹ kể chị có quen và yêu một anh ở trong đó, nghe đâu anh thương yêu chị tôi nhiều lắm, nghĩ vậy cũng mừng. Thời gian đấy thấy chị vui vẻ hơn trước, cũng không hay kể mẹ những khó khăn khi phải ở xa nhà, ba mẹ và tôi cũng thấy yên tâm hơn. Thiết nghĩ ở xa vậy, nếu có một người quan tâm, chăm sóc nhau như người nhà thì cũng thật may mắn. Nhưng chỉ được một thời gian, tôi lại nghe giữa anh và chị có khúc mắc và hai người chia tay. Thời gian ấy chị tôi đã rất buồn, khóc rất nhiều, ba mẹ sợ chị buồn phiền suy nghĩ rồi hành động dại dột nên đã nói chị xin nghỉ học một thời gian để về nhà.
Ở nhà cả ngày chị chỉ nằm trong phòng, mấy bữa đầu tôi có hỏi gì chị cũng lặng im không trả lời. Chị thường ăn rất ít ỏi, nên mẹ bảo tôi đem cơm lên ăn cùng chị, riết mấy ngày như vậy chị cũng dần dần mở lòng mà nói chuyện với tôi. Chị kể chuyện về anh, càng kể chị càng khóc nghẹn, tôi biết chị nhớ anh và vẫn còn yêu anh lắm! Thấy chị vậy tôi rất đau lòng nhưng tôi biết khi nói ra được thì nỗi lòng sẽ bớt phiền muộn hơn. Ánh mắt chị ngấn lệ, nhìn xa xăm tôi thấy thương chị vô cùng, điều tôi biết mình có thể làm lúc này là ôm lấy chị như lúc bé, như lúc hai chị em chọc phá nhau râm ran cả nhà khi ba đã nhắc bao nhiêu lần là không được ồn ào để ba ngủ vì ba làm về mệt. Ấy vậy mà ba mới nằm có lát đã nghe tôi khóc ré lên. Thế là chị bị ba gọi vô phạt, tôi đã đứng phía sau ôm chị thật chặt khi ba đưa roi lên định đánh, vì tôi biết mình cũng sai nên thà là hai đứa bị đánh để ba nguôi cơn giận. Chứ để một mình chị bị đánh, chị lại giận chẳng đưa tôi đi chơi cùng nữa.
Và cũng như hồi bé cái ôm ấy thật sự có tác dụng chữa lành vết thương, tôi vẫn tin rằng dùng vòng tay của mình để ôm lấy trọn một người đang yếu đuối là cách tốt nhất để an ủi họ. Còn về nỗi đau trong lòng chị đang mang, tôi tin rằng chị sẽ biết cách để vượt qua khó khăn này, như cái cách chị đã hét vào mặt bọn nhóc bắt nạt tôi hồi nhỏ chỉ để che chở và bảo vệ cho tôi.
Một buổi chiều nắng khi đang dọn dẹp lại đống sách vở cũ, tôi bắt gặp lại cuốn sổ cũ kĩ gợi nhớ một thời rất xa! Lật dở từng trang giấy, tôi như lại được về với kí ức ấu thơ của mình, nơi có một đứa gầy còm đen nhẻm dắt tay theo đứa em béo ú phía sau, ánh mắt hai đứa đều hồ hởi…
Trang cuối cùng được viết cách đây không lâu, mùi mực vẫn còn tươi mới. Một nét chữ quen thuộc và thân thương. Nét chữ của chị tôi!!!
“Từ ngày em sinh ra đời, cái đứa bé béo ú là em, suốt ngày quấy khóc không cho mẹ làm việc chị đã gắng để dỗ dành nó, nhưng muốn bồng em lên thì mẹ lại liếc nhìn chị vì sợ cái đứa vụng về là chị sẽ làm rơi đứa em bé bỏng mà không cho chị bồng em bao giờ. Chị chỉ có thể đứng nhìn em khóc, huơ huơ cái kẹo chanh trước mặt để em nhìn theo và yên lặng. Rồi em lại khóc to hơn khi cái kẹo biến mất vì chị đã quá thèm nên đã bóc kẹo bỏ vào miệng ăn từ lúc nào. Và cũng từ phút em xuất hiện trong cuộc đời này đã mẹ không thương chị nhiều như trước nữa nên chị cũng đã có lúc rất ghét em, nhưng cũng chính em đã khiến chị mạnh mẽ hơn, để chị tranh đấu với cuộc sống này lúc nhỏ xíu là để bào về em và bây giờ là để bảo vệ cả bản thân mình trước những vết xước dài của cuộc sống, chị thầm cảm ơn em, em gái của chị!!!”
Sunshine