(truyenngan.com.vn – Tham gia viết bài cho “Rồi sẽ qua hết, phải không?”)
Có thể bạn sẽ bất ngờ vì nhờ Ebola, bạn có thể hình dung sâu sắc và tỉ mỉ hơn về một người Tây Phi.
***
“Hello everybody, my name is Magna. I am from Sierra Leone.[1]” (Xin chào, tôi tên Magna, đến từ Sierra Leone.)
Giờ thì hẳn bạn đã “à” nhận ra ngay: “Sierra Leone”, miếng bánh tròn kẹp giữa Guinea and Liberia. Xen lẫn các tán cọ nhiệt đới xanh rì trải dài ba đất nước này là dãy hàng rào đen đúa chen chúc nhốt gọn điểm phát dịch Ebola.[2] Tiếp theo, trí óc bạn sẽ tự động vẽ nốt bức chân dung của người nói – Magna: một phụ nữ Tây Phi phủ da sậm màu, răng trắng ẩn sau môi dày, xõa mái tóc nhiều sợi thắt bím nhỏ từ gốc đến ngọn. Bức phác thảo đã hoàn tác, chỉ cần điểm thêm một vài nét riêng: Magna thường vận chiếc áo bà ba của người Việt mỗi khi đến lớp. Hiện cô đã sống ở Việt Nam năm năm để giảng dạy bộ môn Kế Toán, tại trường Đại Học Quốc Tế X, Quận Y, thành phố Hồ Chí Minh.
Có thể bạn sẽ bất ngờ vì nhờ Ebola, bạn có thể hình dung sâu sắc và tỉ mỉ hơn về một người Tây Phi. Quả vậy, cách đây chỉ sáu tháng, cùng một câu giới thiệu trên, cô giáo Magna chỉ thu lại lại được sự ngơ ngác đến hờ hững của sinh viên Việt Nam. Đối với họ, ba câu Tiếng Anh trên có đến hai từ mới: “Magna” và một tên đất nước Châu Phi dài ngoằng, xa xôi hẻo lánh đến khuất tầm Châu Á. Do vậy, sau khi lẩm bẩm lại tên giáo viên để tránh bất lịch sự khi hỏi bài, sinh viên lại tiếp tục gà gật mơ màng bên Ipad, Iphone, Facebook…
Sự gà gật ấy chấm dứt khi Ebola bùng phát, cũng khéo là lúc cô Magna đột nhiên “nổi danh” tại trường. Một lần, khi đứng quay lưng vào bảng, Magna lắng nghe tiếng xì xào của học viên quanh câu: “Where is she from?”(Cô giáo từ đâu đến?).Câu hỏi mà cô đã trả lời rõ ràng từ đầu khóa. Tiếp theo là những phát âm ngọng nghịu của hai từ “Sierra Leone”, nhưng đanh thép và vang to rành rọt nhất vẫn là một từ “EBOLA”. Magna nhói tim quay lại nhìn nơi phát ra lời nói . Đó là một cậu bé lai tóc đen mắt xanh, miệng vẫn chưa thôi dứt ra khỏi tai của cô bé tóc đen dài ngồi cạnh. Thấy cô nhìn, cô bé nhanh tay đẩy cậu ra. Cả hai cùng nhìn cô giáo cười tội, nhưng ánh nhìn của chúng đánh nhanh từ mắt cô giáo trượt xuống cốc nước cô cầm tay.
Ánh nhìn đó, như chính virus Ebola, đã nhanh chóng lây lan cả trường những ngày sau đó. Dù không ở tại Sierra Leoone, nhưng quanh Magna đột nhiên cắm rễ một rào chắn vô hình. Mọi thứ cô dùng dường như thu được sự chú ý kĩ càng hơn của đồng nghiệp. Những cái ôm chào, nắm tay rớt nhanh về con số 0, để bù vào một cái vẫy, cùng hai bước lùi đứng cách giữ ý. Ebola chưa tới Việt Nam, nhưng dư âm của nó đã bò vào thân thể Magna qua những ánh nhìn bám đẵng sau lưng.
Ngày qua ngày, Magna gắng tập ghìm những cơn ho hen suyễn mãn tính thúc lồng ngực liên hồi. Vì chỉ khẽ húng hắng thôi, cô sẽ thấy không gian quanh mình ngồi chợt lắng xuống đáng sợ. Hoặc tệ hơn, vài đôi mắt sẽ lập tức quay lại cắt nghĩa tiếng ho của cô. Do vậy, cô giáo phải cố gượng bước bình thản vào nhà vệ sinh để xổ dài những tiếng ho. Rồi, cô nhìn quanh quất, chỉnh tóc và trang phục, uống thuốc, điều chỉnh lại vỏ bọc “khỏe khoắn” trước khi bước ngược vào xã hội khỏe mạnh của người Việt Nam.
Nhưng lần này, trên khoảng đất trống sau trường, sau chuỗi ho khẽ của cô, chợt lú ra một chiếc đầu. Bất giác cô lùi lại sợ hãi. Cậu sinh viên lai với cái nhìn ám ảnh dày vò cô từng ngày đang tiến lại gần cô, miệng mấp máy “EBOLA”, nhưng lần này:
“Cô không bị Ebola nên không cần phải giấu bệnh suyễn của chính mình.” Cậu bé chìa khăn giấy. “Em biết cô đang chịu đựng sự kỳ thị vô cớ. Nó tái diễn bất cứ khi nào chiến tranh và bệnh tật xảy ra, đồng thời giết chết sự thông cảm và nhân ái của con người.” Mắt cậu chợt ánh lên nét dịu dàng khiến đôi chân Magna mềm nhũng. Cô ngỡ ngàng xúc động đáp, “Cám ơn em.”
Cậu bé nắm lấy tay cô tiếp lời. “Em cũng giống như cô: đang gắng giấu diếm những người bình thường xung quanh để tránh bị qui kết vào cơn dịch chết chóc. Cha em là bác sĩ của WHO[3]. Ông vừa mới trở về từ sau chuyến viếng bệnh Ebola ở phía Bắc Liberia. Nhà em đang được giám sát và cách ly cẩn mật.” Bất giác, Magna ho dài. Đó là những tiếng ho vui sướng của tự do như lần đầu tiên cô được phép ho lại bình thường trước mặt một đồng loại khác.
“Em đã tìm cô mấy ngày nay.” Câu mỉm cười nhìn đôi mắt tròn xoe của cô giáo.”Em sắp đi Sierra Leoone cùng cha mình như hai người tình nguyện sống cùng dịch. Em đến để chào cô.”
“Em không được đi.” Magna ngắt lời, mắt hằn lên tia sợ hãi. “Cô, thay mặt người dân Sierra Leoone, cám ơn tấm lòng nhân hậu của em và cha em. Nhưng, em bị bệnh thì sẽ không còn đường quay về. Vacxin chữa bệnh chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm… “
Cậu bé cười, “Chúng ta né tránh, dồn nhốt Ebola vào vùng Tây Phi. Đó là phòng dịch hay “ủ dịch” thưa cô? Đó là cách ly hay để dân Tây Phi chết không thể lây dịch với các nước khác? Các đoàn bác sĩ, tình nguyện viên đã nhanh chóng rời bỏ nơi này. Người dân thì sống sau những hàng rào như cầm chân trong chuồng. Họ bị tha hóa dần nhân tính để đói, đau, giết nhau bởi dịch bệnh. Ebola là một con quái vật nhưng em nhận thấy một con quái vật khác đang lớn dần trong những người lành lặn: Đó là sự hèn nhát, vô cảm, sợ hãi.”
Sự hèn nhát khiến Magna lại lần nữa thấy nhói tim xấu hổ trước học trò. Chính cô cũng đã quyết không trở về quê hương. Cô đã chọn “đeo” mình lại ở lại xã hội “khỏe khoắn” này. Dẫu nó không chấp nhận cô bởi kỳ thị, nó gạt cô lăn vào rãnh tối của cô đơn và sợ hãi. Magna khuỵu xuống nức nở. Ngày hôm ấy, cô đã để cho học trò dìu mình trở lại lớp, cũng như để nước mắt mình thỏa sức rơi trước mặt cậu bé và những người qua lại.
Một tháng sau, khi vừa nhấc điện thoại, Magna nhận ra ngay giọng nói quen thuộc của cậu sinh viên lai: “Em đã ở Sierra Leone được hai tuần.” Cô nghe rõ tiếng Krio[4] quen thuộc của người bản xứ vọng vào loa, tiếng chân không chạy nện trên nền đất rắn chắc, nhắc cô về những cánh đồng lúa vàng rực rỡ.
“Ebola..” Tiếng nói của cậu bé chợt khiến cô thức tỉnh vì hiện diện của Ebola.
“Rồi…sẽ qua hết… phải không em? ” Cô nối lời đứt quãng.
Tiếng cười vỗ nhẹ điện thoại, “Vâng, rồi sẽ qua hết cô ạ. Khi cô trở về với thiên nhiên hùng vĩ, xinh đẹp hoang sơ này, Ebola chỉ là một cơn nắng hạn xóa nhòa sau mưa. Mưa đã về, cô ạ. Cô có về đây không cô?”
Magna nghe tiếng mưa đổ rào trên quê mình. Bất giác, cô lại ho. Mặc cho vài ba cái đầu đen ló ra lố nhố nhìn mình, Magna chỉ còn thấy những gương mặt cùng màu da, môi dày há to cười giòn, để cô cũng cười. Đôt nhiên, đôi chân Magna vô thức nhịp theo điệu mưa trên đất Sierra Leone.
Thế Sơn
[1] Sierra Leone: Nước Cộng Hòa Sierra Leone nằm ở vùng Tây Phi, giữa Guinea ở phía Bắc và Liberia ở phía Nam, và giáp Đại Tây Dương ở phía Tây Nam. Tổng diện tích Sierra Leone chiếm khoảng 71,740 km2, cùng với 6 triệu cư dân sinh sống. Vào ngày 04/08/2014, dịch Ebola tràn vào Sierra Leone và các nước lân cận. Hiện tại, WHO ghi nhận 691 ca, trong đó 286 trường hợp tử vong.
[2] Ebola: (hoặc sốt xuất huyết Ebola (EHF)) là bệnh trên người bị gây ra bởi virus Ebola, lấy từ tên con sông Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi mà virus này đã bộc phát lớn lần đầu tiên vào năm 1976. Bệnh này thường bắt đầu với dấu hiệu và các triệu chứng giống bệnh cúm như sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, khớp và cơ bụng. Hiện tại, bệnh chưa có thuốc chữa đặc trị. Các vacxin chỉ mới đi vào giai đoạn thử nghiệm trên vật.
[3] WHO (World Health Organization): Tổ chức Y tế Thế Giới, là một cơ quan của Liên Hiệp Quốc. WHO đóng vai trò thẩm quyền điều phối các vấn đề sức khỏe và y tế cộng đồng trên bình diện quốc tế.
[4] Tiếng Krio: Ngôn ngữ bản xứ của người dân Sierra Leone