Có lẽ, ít nhiều gì bạn cũng từng nghe đến cái tên Peter Pan. Đó là tên của một nhân vật bước ra từ truyện cổ tích được trẻ em thế giới yêu thích nhất.
Điểm đặc biệt của Peter Pan là cậu không bao giờ lớn – mãi mãi mang hình hài và suy nghĩ ranh ma của một đứa trẻ. Nhưng tin được không, chính vì đặc điểm ấy mà cái tên Peter Pan cũng được đặt cho một hội chứng tâm lý được một số người đánh giá là “nguy hiểm cho cả tình yêu và xã hội”.
Hội chứng Peter Pan – khi người lớn mà không chịu trưởng thành
Peter Pan Syndrome – hay hội chứng Peter Pan là một thuật ngữ trong ngành tâm lý học. Trong đó, người mắc hội chứng này vốn là những người trưởng thành về tuổi tác và ngoại hình, nhưng tâm lý, nhận thức và cách hành xử không khác gì trẻ con.
Người đầu tiên công bố hội chứng này là nhà tâm lý học Dan Kiley vào năm 1983. Theo Kiley thì đây là những “người lớn nhưng không chịu lớn”, từ cách ăn mặc cho đến cách hành xử. Họ có thể mặc như những thanh thiếu niên 16 – 17 tuổi, dù bản thân đã qua ngũ tuần.
Họ thường xuyên có cách hành xử rất bốc đồng, đôi khi là ngớ ngẩn, nhưng bản thân lại ngại phải chịu trách nhiệm. Những gì họ muốn làm là vui chơi, tận hưởng, thậm chí nhõng nhẽo bố mẹ và… bạn gái mình.
Cơn ác mộng với tuổi thanh xuân của phụ nữ
Trên thực tế, hội chứng Peter Pan chưa khi nào được xét vào một chứng bệnh hay rối loạn tâm lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nên có một thái độ cụ thể với hội chứng này, vì nó có thể gây ra không ít nguy hại cho xã hội, đặc biệt là trong tình yêu.
Hội chứng này xuất hiện ở cả nam và nữ, nhưng nam giới bị ảnh hưởng nhiều hơn. Và cũng chẳng phải quá lời khi nói Peter Pan chính là cơn ác mộng tuổi xuân của người phụ nữ. Vì nếu chọn gửi gắm cho một anh chàng “Peter Pan”, nhiều khả năng cuộc tình ấy sẽ không có kết cục tốt đẹp gì cho lắm.
Sự thực là như vậy! Trong tình yêu, các Peter Pan không thích ràng buộc. Họ nói không với hôn nhân, không thích có con, cũng chẳng thích gây dựng gia đình. Lý do? Nỗi sợ trách nhiệm mà thôi!
Hơn nữa, đa phần các anh chàng Peter Pan có cái tôi khá lớn. Giống như một đứa trẻ, bản thân họ phải là nhất, các cô gái đừng hòng cãi lời. Chưa kể với bản tính thiếu chín chắn và trách nhiệm, lời hứa với những anh chàng này chỉ là gió thoảng mây bay, đừng mong anh giữ lời.
Vậy nên nếu gửi thân cho một anh chàng Peter Pan trong vài năm, chẳng phải đó là sự phí hoài tuổi thanh xuân đó sao?
Chữa trị hội chứng Peter Pan ra sao?
Theo Humbelina Robles Ortega – giáo sư điều trị tâm lý thuộc ĐH Granada (Tây Ban Nha), thì nguyên nhân tạo ra các Peter Pan thời hiện đại chính là sự bao bọc quá mức của gia đình.
Trong truyện, phía sau Peter Pan là một Wendy hay lo lắng. Còn ngoài đời, các Peter Pan hiện đại cũng có những “Wendy” tạo ra hội chứng này – chính là các phụ huynh chiều con. “Hội chứng này xuất hiện ở những người sống phụ thuộc, luôn được che chở, bao bọc quá mức cần thiết, dẫn tới việc không thể phát triển những kỹ năng sống bình thường” – Ortega cho biết.
Bên cạnh đó, sự thay đổi về vai trò của người phụ nữ trong thời hiện đại cũng góp phần khiến cho nhiều nam giới “bị” Peter Pan. Theo như Kay Hymowitz – một nhà nhân khẩu học người Mỹ, bình đẳng giới tăng cao đã khiến đàn ông ngày nay cảm thấy mình không cần có quá nhiều trách nhiệm như trước kia. Lâu dần các biểu hiện tâm lý kém trách nhiệm, bốc đồng giống trẻ con được hình thành.
Từ đây có thể hiểu, việc điều trị hội chứng Peter Pan phải bắt nguồn từ gia đình. Các bậc phụ huynh phải ngưng chiều con một cách quá mức, tập cho con sống một cách tự lập và có trách nhiệm ngay từ nhỏ.
Còn đối với những anh chàng đang bị Peter Pan, cần có sự phối hợp giữa gia đình và cả các chuyên gia tâm lý nữa.
-Nguồn: Theo Tri Thức Trẻ-