Chúng ta có thể tiếp cận đề tài tình yêu từ rất nhiều góc cạnh, một trong những góc cạnh đó là thuyết đổi chác (social exchange theory). Thuyết mang cái tên như vậy bởi hàm ý cả hai người trong một mối quan hệ đều cần đến nhau, phụ thuộc vào nhau. Tên tiếng Anh là Interdependence Theory, được gợi ý bởi hai nhà khoa học Thibaut và Kelly.
Yếu tố đầu tiên trong thuyết đổi chác này là những lợi ích và những mất mát liên quan đến mối tình lãng mạn. Lợi ích có thể nhiều, có thể ít. Lợi ích bao gồm nhiều loại. Có loại tự nảy sinh trong mối quan hệ, như được tặng hoa, được đưa đón, được lắng nghe, được quan tâm, được làm tình. Có loại nảy sinh ngoài mối quan hệ, như được xã hội đánh giá cao (thôi không hỏi han chuyện tại sao đã đến tuổi rồi mà vẫn chưa có người yêu, chưa lập gia đình), hay được bổ nhiệm vị trí cấp cao bởi sự quen biết của bố mẹ chồng/ vợ. Mất mát cũng tương tự như vậy.
Nói đến mất mát và lợi ích, phải nói đến cái nhận thức của người trong cuộc; không thể cân đong đo đếm bằng tiền, bằng kí lô là xong. Có người cảm thấy vui vẻ khi xách giỏ cho cô gái mình yêu. Thậm chí, lại còn có cảm giác mạnh mẽ, ga lăng, đỡ đần cái nặng nhọc cho phụ nữ. Tuy nhiên, lại có người cảm thấy việc này ảnh hưởng đến hình ảnh của một đấng nam nhi chi chí, đầu đội trời chân đạp đất. Hai suy nghĩ này dẫn đến cảm giác mất mát của hai loại người này khác nhau ít nhiều.
Nói đến mất mát và lợi ích, cũng phải nói đến cái khuynh hướng khiến bản thân mình cảm thấy sung sướng. Thông thường, chúng ta có cảm giác mình làm nhiều, mất mát nhiều, hy sinh nhiều, trong khi người bạn đời của mình lại chẳng bỏ mấy công sức ra vun đắp mối quan hệ, xây dựng tổ ấm. Nghe cãi nhau, sẽ nghe những câu như: “Tui phải dậy sớm, đưa đón con cái, đi chợ, nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa. Còn ông? Ông có phải làm gì không?”
Lợi ích trừ mất mát, sẽ ra được kết quả của mối quan hệ. Nếu hai người yêu nhau cảm thấy mình mất nhiều hơn được, mối quan hệ chắc chắn đang gặp trúc trắc trục trặc. Một nhà tư vấn tâm lý có thể giúp hai người giải quyết vấn đề này bằng cách gợi ý lập danh sách mong ước và chia sẻ với đối phương. Mỗi tuần, hai người có thể chọn và thực hiện hai điều với nhau, mỗi điều do một người gợi ý. Việc chuyện trò để tìm ra điều cả hai sẵn sàng thực hiện rất quan trọng. Nó giúp tăng cái lợi ích mà cả hai nhận được, nhưng kiểm soát cái mất mát cả hai phải chịu đựng trong mức cho phép.
Sự ngạc nhiên là một nguyên liệu rất đặc biệt. Con người ta ham mê vé số có lẽ vì không biết bao giờ mình sẽ trúng. Chỉ cần thỉnh thoảng làm điều gì đó trong danh sách mà người yêu của mình đã viết ra cũng có thể khiến họ điên đảo. Tức là, gia tăng lợi ích trong công thức…
Lợi ích – Mất mát = Kết quả của mối quan hệ
Kết quả của mối quan hệ – Mức so sánh = Sự hài lòng trong mối quan hệ
Mức so sánh là sự kỳ vọng. Các cô gái xem phim hoặc đọc tiểu thuyết tình cảm nhiều sẽ có trí tưởng tượng vô cùng phong phú, mong mỏi người yêu của mình sẽ nói hoặc hành động giông giống với nhân vật trong phim ảnh hoặc tiểu thuyết đã hằn sâu trong trí nhớ. Các chàng trai nghiện porn có thể cảm thấy thất vọng khi lên giường với những người bạn gái non nớt, thiếu kinh nghiệm. Chúng ta cũng có thể so sánh mối quan hệ ở thời điểm hiện tại với mối quan hệ ở thời điểm vừa bắt đầu yêu đương. Hoặc chúng ta cũng có thể so sánh mối quan hệ ở thời điểm hiện tại với những gì chúng ta cho rằng mình xứng đáng được nhận. Nhìn vào công thức trên, ta có thể thấy cách đơn giản để khiến bản thân mình vui vẻ, trân trọng mối quan hệ hiện tại là giữ mức so sánh trong một chừng mực hợp lý.
Việc con người ta cam kết gắn bó với nhau hay không còn bị chi phối bởi những đối tượng tiềm năng. Đối tượng tiềm năng có thể là một (hoặc nhiều) những cái đuôi khác đang theo đuổi chúng ta. Đối tượng tiềm năng cũng có thể là cảnh độc thân. Một lần nữa, cái quan trọng không phải là sự thật viễn cảnh đó như thế nào, mà chính là cái nhận thức của chúng ta về viễn cảnh đó ra sao. Có người nghĩ bồ nhí ngon hơn vợ. Lại có người nghĩ “biết có bồ khổ như thế này thì thà ở một thân một mình còn sướng hơn.” Từ đó, chúng ta đưa ra quyết định lăng nhăng, chia tay, hoặc sống chung thuỷ.
Sự hài lòng trong mối quan hệ – Đối tượng tiềm năng + Sự đầu tư = Sự cam kết
Mở rộng công thức này, Rusbult (1983) thêm vào sự đầu tư.
Người lăng nhăng, rời mối quan hệ trước, là người thường có đối tượng tiềm năng. Người bị bỏ rơi thường là người thường không có nhiều sự lựa chọn. Nhiều người vợ bị chồng đánh đập vẫn không ly dị vì ngoại hình xấu, vì không tự chủ tài chính, vì không ai theo đuổi, vì cảm thấy hài lòng với mối quan hệ hiện tại và vì nhận thấy mọi con đường khác còn âm u hơn. Không kém phần quan trọng, họ thường đã dồn nhiều công sức vào việc mua sắm nhà cửa, chăm lo cho con cái. Việc rời bỏ rõ ràng khó khăn hơn so với khi chưa bị ràng buộc bởi hôn nhân.
Ở hay đi = [(cái được – cái mất) – mức so đo] – các cơ hội khác + công sức đã bỏ ra
Nguồn: Thì Là