Xao xác làng quê

Giữa đồng làng khi ấy, tôi như được trút đi mọi gánh nặng của cuộc sống xô bồ ồn ào, nghiệt ngã, lòng tôi thật sự thư thái.

***

Tôi thích cái cảm giác được rong ruổi thả bộ trên con đường làng vào những chiều tháng 7 khi hoàng hôn buông tím ngắt, con đường chạy giữa cánh đồng, lúc này đồng làng đã được bà con bừa ngả, những thân rạ ngả nghiêng, tơi bời vùi mình trong bùn đất. Tiếng những con ễnh ương, nhái bén, chão chuộc và ếch râm ran nổi lên khi ánh dương nhạt nhòa đang dần tắt lịm, tiếng kêu của chúng giống như một bản hòa tấu của ban nhạc đồng quê và nó càng trở nên vô cùng rộn rã khi những tia nắng cuối ngày tắt hẳn. Tôi lặng lẽ bước đi và lắng nghe những âm thanh quen thuộc nơi đồng làng, ngửi thấy mùi tanh nồng của ruộng lúa đang kỳ bừa ngả, có khi tôi đưa chân nhúng xuống ruộng nước, tôi cảm nhận được cái nóng hầm hập của nước dưới chân tôi. Xác những con cua, con “xin cơm nguội”, con “bã trầu” do không chịu nổi cái nắng chết co quắp, thân nổi dập dềnh bên những đám cỏ hay gốc dạ đang kỳ thối rữa. Thấp thoáng trong bóng hoàng hôn là những người nông dân vai vác cuốc đang men theo con mương để dẫn nước vào ruộng. Phía đầu làng í ới tiếng trẻ gọi nhau… không gian như ngừng lại. Một cảm giác bâng khuâng khiến tôi buông tiếng thở dài. Tôi thích cảm giác bình yên, tĩnh lặng của đồng làng mỗi khi chiều xuống. Đã lâu, tôi thích đứng từ đây nhìn về làng, chiều quê hiện lên thanh bình, yên ả, khói bếp quẩn quanh trên những nóc nhà, xa xa những hàng cây, ngọn núi lãng đãng, mờ ảo chìm trong khói sương nhạt nhòa. Giữa đồng làng khi ấy, tôi như được trút đi mọi gánh nặng của cuộc sống xô bồ ồn ào, nghiệt ngã, lòng tôi thật sự thư thái.

Xao xác làng quê

Tôi không nhớ đã bao lần tôi trở về cánh đồng làng như thế, chỉ biết rằng trong cuộc đời tôi đã phải nếm trải bao thất bại đắng cay trong cuộc sống, bao bế tắc trong đời tư, cứ mỗi lần như thế tôi lại trở về với cái làng quê nghèo này, gục đầu vào lòng mẹ để được mẹ vỗ về, chở che, an ủi. Về để nghe lại những âm thanh của đồng quê nơi in dấu tuổi thơ của tôi. Bên những ruộng lúa, lòng mương nước chảy chan hòa, lòng tôi khi đó thấy yên tĩnh lạ thường. Và sau mỗi lần như thế tôi lại thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin, tôi dùng nó bù đắp, chắp vá lại những vết thương nơi tâm hồn, những vết thương do va vấp mà cuộc đời đã gây nên cho tôi. Và cứ thế tôi lại hăm hở chuẩn bị một hành trang mới, một dự định mới cho một tương lai mới của mình !

Về làng tôi nhớ mẹ, nhớ những bạn bè người thân bên chòm xóm. Nhớ những phiên chợ tết, tôi lon ton chạy sau chân mẹ, nhớ gói bỏng mẹ mua. Dấu chân của mẹ đã in hằn bao tháng ngày trên con đường làng. Tôi nhớ đêm 30 thức chờ giao thừa xem các anh tôi đốt pháo, nhớ những đồng tiền mới tinh mẹ mừng tuổi. Tôi nhớ đêm trung thu rước đèn, phá cỗ cùng lũ bạn trong làng, trống đánh rộn ràng, đám trẻ múa hát mê say. Nhớ mùi mít chín, nhớ chảo ngô rang, nhớ củ khoai lang vùi trong tro bếp. Nhớ những trưa hè chăn trâu, tắm suối. Nhớ những chiều leo núi lấy củi, lấy măng. Nhớ dáng hình của những người thân một thời gắn bó… người quê tôi mộc mạc, chất phác, chân tình dễ gần, dễ mến. Nụ cười luôn nở trên môi cho dù cuộc sống còn bao nhọc nhằn, vất vả.

Quê tôi giờ đây vẫn chưa hết đói, nghèo. Tôi vẫn thấy những người cha thở dài bên làn khói thuốc lào vì bí kế mưu sinh, tóc những người mẹ sớm bạc sau mỗi mùa thất bát. Nuôi con cái ăn học vẫn là một gánh nặng, một sự nỗ lực lớn lao với mọi người dân quê tôi. Nhưng tôi vẫn tin vào một tương lai tươi sáng của làng quê mình, bởi nó mãi là nơi tiếp thêm sức mạnh cho cháu con sau mỗi chặng đường?!

Những năm trở lại đây, quê tôi đang dần thay đổi. Cuộc sống dường như nhộn nhịp hơn, con người bận bịu, lo toan nhiều hơn. Khát vọng làm giàu và sự thay đổi cuộc sống đã bắt đầu giúp cho bộ mặt của làng quê thêm sinh khí, thêm nhuận sắc, nhưng cũng làm mất đi ít nhiều vẻ thanh bình vốn có của nó. Người ta không còn nhiều thời gian tâm tình bên chén nước chè mỗi buổi trưa hè. Chợ quê tôi bây giờ cũng khác, chợ họp suốt ngày, hàng quán nhiều thêm, những món ăn như bánh đúc, bỏng ngô giờ hầu như không thấy. Trẻ con không còn biết đến những trò chơi như đánh chuyền, đánh chắt, hay ô ăn quan nữa, những câu hát đồng dao năm xưa lũ trẻ chúng tôi đứa nào cũng thuộc và thường nghêu ngao hát trong những đêm trăng nay cũng chẳng còn… tất cả đã chìm vào quên lãng, thay vào đó là những trò chơi điện tử, trên mạng, trên điện thoại, trên facebook… Nhà bên có cô con gái lấy chồng trên tỉnh, đem con về thăm mẹ. Hàng xóm sang chơi, thấy cô diện độc chiếc quần xà lỏn cũn cỡn bó sát lấy cặp mông núng nính, cặp đùi lộ ra trắng hếu, cái áo hai dây rộng thùng thình, hở hoác, khiến người làng trông thấy ai cũng thẹn đỏ mặt không dám nhìn, “mắt xanh, mỏ đỏ” cô suốt ngày cắm mặt vào màn hình chiếc smartphone đến nỗi quên cả chào khi nhà có khách… Nét đẹp gái quê trong cô chỉ có hơn năm trời đi làm dâu nơi phố thị giờ biến đâu cả rồi!? Bà mẹ buồn, suốt ngày lo cơm cháo cho con cháu, còn cô cứ khạng nang trên sập gụ cắm mặt vào màn hình điện thoại lúc cáu chửi văng tục hàng tràng, khi lại cười hố hố như kẻ phát rồ! Đến bữa ăn cô lại ỏng eo chê món ăn quê chán quá không nuốt nổi! Bà mẹ chỉ biết nhìn con, ngao ngán, lắc đầu, được vài hôm chúng cuốn đi, bà sang nhà thở phào bảo với vợ tôi: “Thôi thế là thoát tội cô ạ ! Nó coi mình như con ở của nó vậy, về nhà chẳng hề đụng chân, đụng tay giúp mẹ việc gì chỉ suốt ngày chát chít! Thật là vô phúc cho tôi quá! Người ta bảo đẻ con trai khó dạy, đằng này con gái nhà tôi còn khổ nhục quá thế, thà không có con còn hơn lũ khốn này cô ạ!” Nói rồi bà khóc sụt sùi!

Than ôi! Cái được, cái mất thời nay sao mà đến lạ! Ngôi đình làng bị phá từ lâu, nền đất cũ giờ đây đã bị dân làng chia năm, sẻ bảy. Những nhà làm nghề đan rổ rá cũng đã bỏ nghề từ lâu vì làng chẳng còn tre. Rổ, rá nhựa thay cho mọi việc. Nghề thả vó tôm của lũ trẻ nay cũng không còn, vì mấy cái đầm làng đã bị san bằng, lấp phẳng để chia nhau cấy lúa, trồng ngô và tôm cá vì thế cũng không còn chỗ sống. Bờ ruộng ngày xưa, to rộng, thoải mái trâu bò đi lại, thì giờ đây người ta thi nhau vạc đẽo khiến chúng mảnh như sợi chỉ, khi gánh phân, gánh mạ đi lại trên bờ, người đi không khác gì người làm xiếc, rất dễ ngã nhào xuống ruộng, bởi ai cũng chỉ muốn vạc cho rộng ruộng nhà mình mà chẳng bao giờ họ muốn vạ bờ cho to ra cả! Những món ăn quen thuộc như bánh đúc, bánh ngô giờ cũng chẳng ai làm. Cây đa giữa làng quanh năm tươi tốt, cứ mỗi mùa sinh nở lũ sáo sậu lại tìm về làm tổ trong những hốc trên thân cây vậy mà cũng đã bị người ta đốn hạ xẻ gỗ chia nhau từ lâu, đàn sáo giờ chẳng biết đã đi đâu, về đâu?!…Làng tôi thay đổi và chính tôi cũng thay đổi. Cậu bé năm nào chai tay cuốc đất, còng lưng xay thóc, oằn mình kéo gàu giai tát nước chống hạn cùng mẹ những đêm hè, bàn tay hai mẹ con phồng rộp, bỏng rát… nay đã khác nhiều. Tôi ngày càng xa làng quê hơn và càng ít khi trở về, đôi lúc thấy mình xa lạ và lạc lõng giữa con đường làng và cả những người thân thuộc. Làng quê giờ đâu còn là chốn bình yên nữa.

Mọi cái đã thay đổi như quy luật tất nhiên của cuộc sống.Chỉ có lúa đồng làng là vẫn xanh và hoa cải vẫn rực vàng ven làng mỗi độ thu tàn, đông tới…Gió thổi, làng quê xao xác khác xưa!

 Bùi Nhật Lai

 

Related Posts

Những ngày đã cũ

Khi thấy cuộc thi, tôi băn khoăn, mình sẽ kể về ai, bởi dân số thế giới hiện tại là vào khoảng 7.7 tỉ và mỗi người là một cuộc…

Read more

Đợi

Đợi nhau, là thứ cuối cùng mà đất này còn có thể làm, dẫu nhiều khi không biết đợi ai và đợi để làm gì. *** Ngồi cà phê sáng…

Read more

Tình, tiền thời nay

Nhiều người cho rằng ai có nhiều tiền bạc thì người đó sẽ có hạnh phúc. Có người lại nói đàn ông có tiền cũng giống như đàn bà có…

Read more

Mái tôn rách, khóm tre xanh

Phía dưới là dòng sông êm ả, bên cạnh là khóm tre xanh mát, ở giữa chính là quán tôi. Nó mang tên Sky, có nghĩa bầu trời. Một bầu…

Read more

Sài Gòn là thành phố cô đơn

  Tôi nhớ có lần viết về Sài Gòn, bạn bảo với tôi rằng ghét Sài Gòn lắm. Lúc ấy tôi cũng chẳng để tâm đến và càng không hỏi…

Read more

Hoàng hôn của biển

Khi hoàng hôn đang dần buông xuống, ở phía chân trời xa xôi kia còn biết bao điều tôi vẫn chưa từng biết đến. Những con sóng ào ạt xô…

Read more

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *