Tôi là một đứa trẻ mồ côi cha từ năm lên 2 tuổi. Cái tuổi còn quá nhỏ để biết về khái niệm buồn đau và hạnh phúc. Phải chăng vì thế mà tuổi thơ của tôi trôi qua một cách dịu dàng bên cạnh mẹ?
***
Và có lẽ tôi sẽ mãi mãi là một đứa trẻ hạnh phúc nếu như không có một ngày tôi được nghe cô giáo giảng bài học đạo đức về lao động.
Trong tiết học hôm ấy, cô mời từng bạn đứng dậy để hỏi về công việc của cha mẹ mỗi người? Khi đến lượt tôi đứng lên trả lời, tôi thực sự ấp úng trước câu hỏi: “Cha em là ai? Cha em làm gì?”…Quả thật, đó là câu hỏi khó nhất mà tôi bị hỏi từ khi đến trường. Cảm thấy không thể tự mình tìm ra câu trả lời, tôi vội vàng chạy về nhà nhờ mẹ. Tôi tin mẹ sẽ giúp tôi trả lời tường tận.
Nhưng trái ngược với những gì tôi trông đợi. Mẹ chau mày, buông thõng câu trả lời bằng âm giọng sắc lạnh, trống rỗng: “Cha chết rồi”.
Ngày hôm ấy… hình như tâm hồn thơ dại của tôi bắt đầu có một vệt loang sâu thẳm.
Khi tôi bước vào những năm đầu của cấp trung học cơ sở, tôi cố gắng tìm cha qua những câu chuyện thời quá khứ của mẹ nhưng kết quả vẫn là vô vọng. Vẫn chỉ là âm giọng sắc và khô khốc năm nào: “Cha chết rồi”. Thế rồi, một vài người hàng xóm kể cho tôi nghe cái chết của cha. Qua lời kể của họ tôi thấy hiện lên dáng hình cha đang vật vã trong cơn say, lao ra khỏi nhà sau một trận tranh cãi nảy lửa với mẹ vào một chiều mùa đông buốt giá. Và Cha chết trong buổi chiều oan nghiệt ấy. Tận sâu thẳm trái tim, tôi biết tình yêu của tôi dành cho mẹ không còn vẹn nguyên.
Suốt những năm tôi học Phổ thông, tôi luôn bị ám ảnh bởi cái chết của cha. Hơn một lần tôi khao khát được nghe chính mẹ giải thích về điều ấy nhưng đáp lại sự mong mỏi của tôi vẫn là khỏang trống im lặng đến rợn ngợp. Tâm trí tôi mách bảo tôi rằng mẹ chính là nguyên nhân gián tiếp gây nên cái chết của cha.
Trong lúc tôi cố gắng gợi lại trong mẹ hình ảnh của cha thì một người đàn ông xuất hiện tự xưng là người yêu cũ của mẹ. Họ đã lạc mất nhau quá lâu và giờ đây ông ta muốn được ở bên cạnh mẹ, muốn được làm “Cha” của tôi. Tôi không làm một điều gì để phản đối cuộc hôn nhân nhưng hình ảnh về mẹ thực sự vỡ vụn. Dường như những sợi dây tình cảm cuối cùng của tình mẫu tử đã bị sự nghi kỵ và lòng thù hận trong tôi cắt đứt. Mặc kệ cho mẹ tìm mọi cách níu kéo, tôi co mình trong vỏ ốc huyễn hoặc tự xây.
Bốn năm đại học trôi nhanh tựa như một cái nháy mắt. Tôi quen dần với những bộn bề của phố thị, và quên dần đi thói quen về năm mẹ hai lần một lần trong năm theo đúng thủ tục của một đứa con đi học xa nhà. Như một hình thức để che đậy mối quan hệ nhạt nhẽo bao năm qua của chúng tôi. Tôi – giờ đây đã là một thực thể “Người” sống vô hồn – vô cảm”
….Và có lẽ tôi sẽ vĩnh viễn là một Thực thể Vô hồn nếu như không có một buổi chiều cuối năm..
Công ty tôi tổ chức tiệc tất niên tại một trại trẻ mồ côi. Toàn bộ nhân viên tỏ ra rất hứng khởi với chương trình ý nghĩa này. Riêng tôi, mọi thứ thật vô vị. Những nghi kỵ và mất mát của tuổi thơ đã khiến tâm hồn tôi trở nên khiếm khuyết, tôi cho phép mình tồn tại như một vai kịch giữa cuộc đời
– Chị ước gì cho năm mới?
Dòng cảm xúc bị cắt ngang bởi một giọng nói hồn nhiên, trong trẻo. Quay mặt lại nhìn chú bé có đôi má phúng phình, hồng hồng như quả bồ quân. Tôi nháy mắt cười tinh nghịch
– Thế em uớc gì?
Cậu bé nhắm mắt, chắp tay như một tín đồ trước giờ hành lễ
– Em ước em có mẹ.
Cổ họng tôi khô khốc. Một tảng đá lớn đang chặn ngang ngực. Nhói đau
– Em không giận vì mẹ đã bỏ rơi em sao?
Cậu bé tròn xoe mắt, lắc đầu
– Dạ không…
Giọng tôi dồn dập:
– Tại sao?
Cậu bé nhoẻn cười
– Vì em chưa được biết mặt mẹ bao giờ.
Cậu bé chạy biến đi để lại trong tôi một khoảng lặng. Ừ nhỉ? “Được thấy mẹ”. Điều hạnh phúc đơn giản nhất trong cuộc đời mà sao tôi lại cố tình chối bỏ?
Ngoài kia có cơn gió vô tình lướt nhẹ làm chiếc lá chao nghiêng lìa cành. Môt mầm xanh vừa nhú – một mùa xuân chạm ngõ cỏ cây – một mùa xuân lay động lòng người…
Tôi muốn chạy ngay về bên mẹ, cúi đầu tạ lỗi: “Mẹ ơi, hãy tha thứ cho con!”