Những năm tháng đi qua

(truyenngan.com.vn – Tham gia viết bài cho tập truyện ngắn “Tháng năm không ở lại”)

Tương lai ư! Tương lai đang ở trong tay nó hay ở trong tay những anh chàng vừa lạ lẫm vừa lừng khừng?

***

Mười tám tuổi



Thi tốt nghiệp xong, nó quyết định nghỉ học, mặc cho những cặp mắt ngạc nhiên, ngơ ngác của lũ bạn trong lớp. Mặc cho lời trách móc của bố nó trong lá thư từ xa gởi về. Mặc cho mẹ nó – người đàn bà chất phác – chỉ biết rỏ những giọt nước mắt âm thầm, rồi lại cắm cắm cúi cúi vào cái hàng phở “đồng tiền, bát gạo” của mình. “Mẹ có thể khổ thêm tí nữa, chỉ mong các con ăn học thành tài… Nhưng cũng tùy con… thôi”.

Những năm tháng đi qua

 

Lúc đầu, nó có hơi hốt hoảng, lo sợ, suy nghĩ lan man về cái quyết định đột ngột của mình. Mãi cho đến hôm sau, khi thấy trong lòng hơi lắng xuống. Nó cố tạo một gương mặt thản nhiên để mỗi sáng ra ngồi kế bên mẹ, cũng cắm cắm cúi cúi phụ giúp mẹ bán hàng. 



Hàng phở của mẹ nó nằm ở ven con đường chạy dài tít cuối cái cầu trắng. Trước mặt quán là hàng điệp già cỗi, buồn rầu, cứ mỗi mùa hè lại lao xao thả rơi bao nhiêu là hoa vàng. Buổi sáng hai mẹ con lúi húi bày soạn, buôn bán giữa cái ồn ào náo nhiệt cho đến tối mịt mới trở về nhà. “Tất cả mọi thứ, từ cây kim nhỏ cho đến con đường dẫn vào Ðại học của các em con, đều trông cậy vào gánh hàng này đấy con ạ!” Mẹ nó thầm thì với nó vào những lúc quán xá vắng vẻ. Giọng nói bà se sẽ, nhẹ nhàng như sợ có ai đó nghe thấy. Nó im lặng gật đầu và cảm thấy rằng việc nghỉ học của mình chưa hẳn là sai hay là đúng.

Mười chín tuổi



Hàng phở của mẹ nó, lúc nào cũng có khách ra vào. Bây giờ nó đã biết chào mời những câu ngọt ngào, đưa đẩy, đại loại như “Bác dùng gì ạ” hoặc “Cảm ơn bác, hôm sau mời bác lại đến”. Những câu ấy cứ lặp đi lặp lại cho đến khi nó thuộc nằm lòng. Có hôm, khi đêm về, nó giật mình tự nhủ không biết mình đã nói câu ấy bao nhiêu lần trong một ngày? Bao nhiêu lần trong một tháng, trong một năm? 



Nó có một con bạn thân. Con nhỏ đã nghỉ học trước khi vào trường cấp III. Học nghề xong con nhỏ đã trở thành một “bà chủ của chỗ làm đầu cho phụ nữ” ở cuối con phố này. Hôm trước, con nhỏ ghé qua chỗ nó, oang oang: “Bác ạ, cho Thảo học nghề với cháu nhé, vừa có tiền, sau lại có tương lai”. 



Mẹ nó nghe đến hai chữ tương lai thì có vẻ đồng ý. Ðối với bà, một người đàn bà cần cù, không biết gì ngoài kiếm tiền, không biết làm gì để níu kéo người đàn ông của mình đã lạnh nhạt ra đi, sau khi quăng lại cho bà một đàn con nheo nhóc, thì hai chữ tương lai thật là vĩ đại. Bà se sẽ: “Học nghề đi con, sau này có thể sung sướng hơn mẹ bây giờ”. Nó ậm ừ và cứ nghĩ sung sướng hơn là những gì? Hay cũng chỉ là sống với một người đàn ông lạnh nhạt với một đàn con nheo nhóc.

Hai mươi tuổi



Thời gian vẫn trôi qua thật bình thản. Bây giờ nó đã là một cô thợ lành nghề. Hàng ngày, ở chỗ làm mới nó đã quen thuộc với công việc, với những câu xã giao tuy có khác hơn trước nhưng đại loại vẫn phải là chào bác hay chào cô…và những nụ cười mang đầy vẻ giả tạo. 

Mùa hạ lại trở về trên thành phố của nó. Hàng điệp trước quán lại lao xao thả rơi bao nhiêu là hoa vàng. Nó vẫn đều đặn đi làm và trở về mỗi đêm một mình trên con đường vắng. Có hôm về muộn, nó tình cờ gặp con nhỏ bạn đang nép mình đi bên một anh chàng vừa cao vừa gầy. Con nhỏ kéo tay nó ra xa rồi thì lén chỉ tay vào anh chàng đang lạ lẫm đứng lừng khừng… “Có bồ chưa?” Nó mỉm cười lắc đầu “Chưa”. “Ối dào! Trẻ con thế!” Nó lại mỉm cười và chợt nghĩ bao giờ mình mới hết là trẻ con! Con nhóc lại thì thầm “Này, để tao giới thiệu cho mày một anh chàng khá lắm, đang làm ở công ty Du lịch đấy nhá”. Nó vu vơ cười rồi chào nhẹ chia tay. Tiếng con nhỏ bạn líu ríu xa dần rồi khuất sau những hàng cây um tùm cuối phố. Nó thơ thẩn trở về, băn khoăn không biết rằng tình yêu có thật và làm cho người ta trưởng thành!

Hai mươi mốt tuổi



Mùa hạ sắp hết rồi. Trên những vòm cây ven đường lác đác chỉ còn vài bông điệp vàng vàng đơn lẻ. Hôm qua, nó đi nộp Hồ sơ thi Ðại học. Chẳng biết để làm gì? Vừa ra khỏi trường, gặp con bạn đang nhớn nhác đứng tìm. “Mày làm cái gì thế? Thi lại à, rõ là đồ vớ vẫn.” Nó im lặng nhìn mông lung ra khoảng đường sáng nắng trước mặt. Bây giờ là mấy giờ nhỉ? Con đường thật vắng vẻ, chỉ thỉnh thoảng một vài chiếc xe vụt qua, để lại sau lưng một vệt khói mờ. “Ðã có nghề nghiệp trong tay rồi, phụ thêm để mẹ mày lo cho đàn em, lại còn toan tính viển vông. Mày nghĩ mày sẽ học bao nhiêu năm nữa. Ðến lúc ra trường thì vừa thành gái già đấy cô ạ!” Thấy nó mãi im lặng, con nhỏ hạ giọng “Thôi, đừng buồn, tao chỉ lo cho mày thôi. Cứ mãi lửng thửng, lơ ngơ như đồ trẻ con. Ngày mai, đi chơi với bọn tao, tao giới thiệu anh chàng ấy cho. Nhớ “diện” vào nhé”. Nó ngơ ngẩn nhìn vào sân trường, và cảm thấy hôm nay trời nắng to quá, cổng trường sáng loáng lên, chập chờn như nửa xa… nửa gần. 



Nó lơ mơ nhớ lại lời mẹ “Hãy cố lo lấy tương lai. Sau này có khi sướng hơn mẹ bây giờ”. Tương lai ư! Tương lai đang ở trong tay nó hay ở trong tay những anh chàng vừa lạ lẫm vừa lừng khừng? 



Ngày mai, không biết nó có nên đi chơi không?



Tịnh Bình

Related Posts

Bé Sinh

Bên tai ông văng vẳng câu chửi của chồng cô Hằng: “Chắc chắn là con rơi của ông Cần chứ không ai.” Vậy là vô hình trung ông đã tự…

Read more

Trả nợ

Nhưng thiên hạ lại tin con dâu bà, người ta kéo đến nườm nượp cốt để được “Thánh” chỉ bảo, người ta đã phong con dâu bà là thánh sống,…

Read more

Chỉ đơn giản là cắt cành nơi chim đậu, chúng sẽ tự bay lên

Chuyện kể rằng, ngày xưa, có một vị vua nhận được món quà là hai con chim ưng rất đẹp. Chúng là hai con chim ưng thuộc loài đẹp nhất…

Read more

Bước chân sẽ đi về đâu

Tôi người đàn bà đã từng trải, 40 tuổi, đã gặp bao ngang trái của cuộc đời, đối với tôi giờ đây đã quá nửa đời người, tôi chỉ muốn…

Read more

Bài học dạy con từ tỉ phú Lý Gia Thành

Lý Gia Thành từng căn dặn con trai: “Con hợp tác với người khác, phải coi trọng hiểu đạo! Giả sử con lấy 70% lợi nhuận là hợp lý, 80%…

Read more

Đi qua cổng làng

Rít xong điếu thuốc lào Khánh ngửa mặt lên trời há hốc mồm ra thở khói, mắt nheo nheo nhìn đàn em một lượt rồi quát lớn: – Thằng Quý…

Read more

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *